Giải pháp nào để siết chặt buôn lậu và gian lận thương mại cuối năm?

11:37' - 21/10/2022
BNEWS Dự báo buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả có chiều hướng gia tăng đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải triển khai nhiều giải pháp nhằm siết chặt kỷ cương để giữ vững việc ổn định thị trường.

Dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả từ nay đến cuối năm có chiều hướng gia tăng trên tất cả các tuyến, lĩnh vực, địa bàn, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, tình hình cạnh tranh chiến lược của một số nước trên thế giới khiến lạm phát gia tăng, đặt ra nhiều thách thức lớn với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự của đất nước và đời sống của nhân dân. Thực tế này đòi hỏi lực lượng quản lý thị trường phải triển khai nhiều giải pháp mạnh tay hơn nữa nhằm siết chặt kỷ cương để giữ vững việc ổn định thị trường.

*Diễn biến phức tạp

Từ đầu năm đến nay, bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường và UBND các tỉnh; các Cục Quản lý thị trường khu vực đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kịp thời từ tham mưu đến đấu tranh trực tiếp và xác định đấu tranh chống buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên liên tục của đơn vị.

Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường, đầu năm 2022 dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, số vụ việc vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, găng tay, thuốc phòng, chữa bệnh, test thử nhanh COVID-19... cũng giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch.

Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…

Bên cạnh đó, lực lượng đã chủ động xây dựng phương án, kế hoạch đấu tranh và tăng cường phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, chú trọng ngăn chặn từ xa... Nhờ đó, trật tự thị trường cơ bản được đảm bảo, không xảy ra những vụ việc nổi cộm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chính vì vậy, các Cục Quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện được nhiều vụ việc vi phạm, điển hình trên các lĩnh vực nóng như xăng dầu, đường cát, mỹ phẩm… Theo đó, lực lượng đã phát hiện, xử lý gần 13.512 vụ vi phạm; trong đó, có 2.358 vụ buôn lậu, 10.369 vụ gian lận thương mại, 785 vụ hàng giả; xử phạt vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trên 96 tỷ đồng.

Đại diện Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, dù lực lượng đã liên tiếp kiểm tra nhưng thị trường vẫn luôn diễn biến phức tạp, hoạt động vận chuyển, buôn bán thực phẩm nhập lậu như gia súc, gia cầm, hoa quả, các chất phụ gia thực phẩm, chất bảo quản...không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Do vậy, Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường theo dõi sát diễn biến của thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm giả, không rõ nguồn gốc nhằm ổn định thị trường cuối năm và Tết Nguyên đán.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm thủ lợn, móng lợn, đùi lợn, chân gà, dê nguyên con và nhiều đùi lợn muối kiểu Tây Ban Nha… đang thịnh hành hiện nay. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã 2 năm, đang chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường.

Ông Bùi Thanh Hào, Đội Quản lý thị trường số 17 cho biết, tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa xuất trình được các giấy tờ kiểm định chất lượng của lô hàng. Số hàng trên của nhiều chủ hàng khác nhau tập kết tại đây.

Trước đó, lực lượng quản lý thị trường Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh của ông Lê Văn Thuận (địa chỉ tổ 7 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về kinh doanh rau củ quả.

Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 40 thùng có trọng lượng 460 kg gồm một số loại hoa quả: lê, táo, nho, lựu còn nguyên bao bì. Trên nhãn hàng hóa, vỏ bọc quả bằng giấy, bao ni lon đều có in chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ, không có xuất xứ nước sản xuất.

Chủ hộ kinh doanh là ông Lê Văn Thuận không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Qua đấu tranh, ông Lê Văn Thuận khai nhận số hàng hóa trên là mua của đối tượng bán rong, trôi nổi trên thị trường, không biết nguồn gốc xuất xứ.

Tuy nhiên, đại diện quản lý thị trường các địa phương nêu ra nhiều khó khăn, nhất là bất cập trong công tác tổ chức cán bộ; lực lượng quá mỏng khó kiểm soát địa bàn; phương tiện làm việc hạn chế; khó khăn trong việc thẩm định chất lượng hàng hoá trong hành vi vi phạm hàng giả, hàng giả nhãn hiệu, hàng kém chất lượng; Khó khăn trong xử lý tài sản...

Ngoài ra, về ứng dụng công nghệ thông tin trên hệ thống INS, hầu hết các đơn vị yêu cầu cập nhật các thông tin mới nhất về giá cả đối với một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, vật tư nông nghiệp... để thuận tiện cho việc tra cứu, kiểm tra kiểm soát thị trường; do các hồ sơ xử lý văn bản hành chính đã được số hóa trên hệ thống INS nên kiến nghị Tổng cục hoàn thiện công cụ thống kê, tra cứu trên hệ thống theo các chuyên đề ngành hàng để phục vụ việc tổng hợp, báo cáo được thuận tiện, chính xác.

*Siết chặt quản lý

Nhận định buôn lậu, gian lận thương mại những tháng cuối năm còn nhiều diễn biến phức tạp, hầu hết các Cục Quản lý thị trường cả nước đều đề ra các nhiệm vụ, thực hiện các công điện của Bộ trưởng Bộ Công Thương, công điện số 517/CĐ- BCT về tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu; tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường ảnh hưởng trong dịch bệnh COVID-19 và xung đột vũ trang ở Ukraine; tăng cường kiểm tra giám sát cung cầu hàng hoá, ổn định thị trường; kiểm tra xử lý vi phạm đối với các mặt hàng xăng dầu, đường cát, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Tiếp đó, các Cục quản lý thị trường địa phương cũng xây dựng kế hoạch đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không có nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021- 2025; sử dụng hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS), sổ nhật ký điện tử

Để việc kiểm tra kiểm soát thị trường đạt hiệu quả, đại diện các Cục Quản lý thị trường địa phương cho rằng, cần xây dựng chức năng “nhắc” các thông tin quan trọng trên dữ liệu địa bàn ở hệ thống INS. Chẳng hạn như Giấy đủ điều kiện sắp hết hạn, Hộ kinh doanh thay đổi cập nhật địa chỉ thông tin khác ... để phục vụ tốt việc chỉ đạo điều hành.

Cùng đó, các đơn vị đề nghị Tổng cục làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước về hạ tầng công nghệ thông tin, các sàn giao dịch thương mại điện tử để xây dựng công cụ hỗ trợ các Cục Quản lý thị trường địa phương trong việc xác định địa chỉ của đối tượng vi phạm về thương mại điện tử.

Nhằm ổn định thị trường, ông Hoàng Ánh Dương-Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, từ nay đến cuối năm lực lượng sẽ tập trung kiểm tra, kiểm soát một số mặt hàng chủ lực, đấu tranh với buôn lậu, hàng giả, an toàn thực phẩm; hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, chú trọng kiểm tra hàng hóa trong dịp Tết Dương lịch và Tết Âm lịch cũng như kiểm soát hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, trên mạng xã hội.

Bên cạnh việc kiểm tra tình trạng găm hàng, bán hàng không đúng giá... lực lượng quản lý thị trường tập trung phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra về chất lượng xăng dầu.

Ông Hoàng Ánh Dương cũng yêu cầu các Cục Quản lý thị trường các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường, nhất là một số mặt hàng trọng điểm.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ chỉ đạo lực lượng tăng cường kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trong các dịp lễ, Tết hoặc khi dịch bệnh bùng phát, đối với các mặt hàng thiết yếu, tác động lớn đến kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, quản lý thị trường sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại để quản lý thị trường thực sự hiệu quả; đấu tranh ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, góp phần lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục