Giải pháp nào để tăng sức cạnh tranh cho hàng nông sản?

16:59' - 29/07/2019
BNEWS Nông sản Việt không chỉ cung ứng cho xuất khẩu mang lại hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm mà còn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho gần 100 triệu người dân trong nước.
Trồng cam phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TTXVN
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, xuất khẩu cũng là một giải pháp lấy lợi nhuận về phục vụ đời sống nhân dân. Do đó, trước hết phải phục vụ chính cho thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các biến cố trên thị trường thế giới có xu hướng nhiều hơn và khó đoán định hơn, nên phải lấy trước hết thị trường trong nước là mục tiêu, làm nền tảng. Đây không chỉ là mục tiêu mà còn là giải pháp, đồng thời cũng là động lực để phát triển ngành nông nghiệp bền vững.

Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam ngày càng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố bất lợi. Để ứng phó với những khó khăn về thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ nông sản trong nước; nghiên cứu và dự báo cung cầu, cung cấp thông tin thị trường kịp thời để các địa phương, doanh nghiệp và người dân điều chỉnh sản xuất phù hợp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là nông sản thực phẩm chất lượng cao góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong nước, giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp trong điều kiện xuất khẩu ngày càng khó khăn.

Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết doanh nghiệp với nông dân đã giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm với giá cả ổn định, an toàn ít rủi ro. Nông dân cũng được doanh nghiệp đầu tư giống, vật tư nông nghiệp cho nhu cầu sản xuất với lãi suất thấp, tin cậy hơn về chất lượng.

Từ đó, nông dân yên tâm sản xuất, thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật và mạnh dạn đầu tư chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng. Đặc biệt, điều đó cũng tạo động lực cho các hộ nông dân tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại, tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, hạ giá thành sản phẩm và tăng thu nhập.

Với doanh nghiệp, họ cũng chủ động về nguồn cung sản phẩm nông nghiệp, chất lượng được quản lý, giá cả ổn định và có cam kết rõ ràng về số lượng, chất lượng, thời gian cung cấp sản phẩm… thông qua hợp đồng liên kết. Từ đó, doanh nghiệp yên tâm đầu tư hợp tác liên kết với nông dân làm ăn lâu dài.

Đến nay, hình thức hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã trở nên khá phổ biến. Để giúp gắn kết doanh nghiệp với nông dân dễ dàng hơn, rất nhiều hợp tác xã đã ra đời làm cầu nối các mối liên kết.

Đến tháng 6 năm 2019, cả nước đã có trên 15.500 hợp tác xã nông nghiệp. Bên cạnh đó, cả nước hiện đã xây dựng và phát triển mô hình liên kết với 1.254 chuỗi, 1.452 sản phẩm và 3.172 địa điểm bán sản phẩm đã kiểm soát theo chuỗi nông sản an toàn thực phẩm.

Để tăng cường thông tin cũng như đưa hàng nông sản đến trực tiếp người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm tại vùng miền cả nước; phối hợp với các hiệp hội tổ chức các hội thảo giới thiệu, quảng bá sản phẩm, thương hiệu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kiến thức, trợ giúp pháp lý xây dựng thương hiệu…

Qua đó, giúp đưa các sản phẩm nông sản của các hợp tác xã thâm nhập vào hệ thống các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại và cung cấp đến đông đảo người tiêu dùng trong nước.

Chẳng hạn như hội chợ Nông nghiệp quốc tế - Agroviet hằng năm thu hút sự tham gia của hàng trăm đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài nước với các ngành hàng thuộc ngành nông nghiệp tham gia. Tại hội chợ, có gian triển lãm các phát minh sáng chế của nông dân, máy móc vật tư sản xuất trong nước. Người dân được tiếp cận với những sáng kiến, công nghệ mới, con giống mới... thiết thực phục vụ sản xuất và đóng góp vào sự phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Hay hội chợ Làng nghề Việt Nam đã thực sự có ý nghĩa khi tạo được cơ hội cho các nghệ nhân và cơ sở làng nghề của Việt Nam tham gia và giới thiệu sản phẩm cho khách hàng trong nước cũng như các bạn hàng quốc tế.

Các tuần hàng nông sản đặc sản của các địa phương cũng đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ và từng bước xây dựng thương hiệu. Các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chứng nhận VietGAP đến tận tay người tiêu dùng, các nhà phân phối, các nhà hàng... Từ đó, góp phần khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.

Theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, hoạt động kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản đã tạo ra không gian giao lưu để các doanh nghiệp phân phối và các đơn vị sản xuất hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ nông sản, đặc sản của các địa phương góp phần phát triển kinh tế thương mại địa phương và phát triển kinh tế vùng nông nghiệp.

Những kết quả trên đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh cho nông sản Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng trong nước và nâng cao hiệu quả thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đẩy mạnh liên kết phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã; thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ… để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

Trước yêu cầu thị trường ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát, xây dựng, ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với quản lý vật tư nông nghiệp, sản xuất, chế biến hàng hóa nông lâm thủy sản, thực phẩm; hướng dẫn, kiểm tra, kiểm soát bảo đảm người sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp được ban hành, kịp thời tạo điều kiện phát triển hàng hóa nông lâm thủy sản chất lượng cao, có uy tín đối với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình, đẩy mạnh liên kết sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao. Từ chỗ vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Việt Nam có nhiều sản phẩm chinh phục người tiêu dùng và trở thành niềm tự hào của người Việt. Thông qua cuộc vận động đã thúc đẩy và nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm nông nghiệp Việt.

Để cuộc vận động được thực hiện sâu rộng và hiệu quả hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, có biện pháp ngăn chặn, đầy lùi hàng hóa nhập lậu vào Việt Nam, tạo điều kiện cho sản phẩm Việt Nam cạnh tranh lành mạnh trên thị trường nội địa cũng như thị trường quốc tế./.

>>> Kết nối tiêu thụ liên vùng - chìa khóa giúp nông sản Việt giữ vững thị trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục