Sơn La mở rộng thị trường hàng Việt theo hướng bền vững

08:34' - 27/07/2019
BNEWS Sơn La là một tỉnh miền núi khó khăn, nhất là về hạ tầng; mặt bằng dân trí chưa đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Số lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tại địa phương còn ít và quy mô nhỏ.
Đóng gói sản phẩm chè xanh Mộc Châu. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Các mặt hàng chưa phong phú, giá thành còn cao, sức cạnh tranh thấp so với hàng hóa nhập từ tỉnh, thành khác trong nước và nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa chính hãng, giá cả phải chăng của người dân là rất lớn.

Từ thực tế đó, ngay sau khi Trung ương phát động Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Sơn La đã thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động và xây dựng kế hoạch thực hiện; trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa thương hiệu Việt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về thực hiện cuộc vận động.

Bà Giàng Thị Hương - Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn La cho biết, với vai trò của Mặt trận Tổ quốc đã cùng với các tổ chức thành viên tích cực tổ chức tuyên truyền về cuộc vận động, qua đó làm thay đổi nhận thức và hành động của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong việc dùng hàng nội địa.

Các doanh nghiệp trong tỉnh đã ý thức được ý nghĩa của cuộc vận động, từ đó chủ động, sáng tạo xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường theo hướng lâu dài, bền vững.

Các sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước dần được cải thiện về mẫu mã, chất lượng, đáp ứng nhu cầu và từng bước tạo dựng được lòng tin của người tiêu dùng khi lựa chọn hàng Việt.

Chị Nguyễn Thị Liên ở khu đô thị mới Cò Nòi, huyện Mai Sơn, bộc bạch, hiện nay gia đình chị vẫn thường dùng hàng của Sơn La như đường, sữa, chè.

Chị cho rằng, các mặt hàng này nên bày bán ở nhiều chỗ, nhiều nơi để kinh tế của địa phương ngày càng phát triển.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, quản lý siêu thị Châm Nhung ở huyện Mai Sơn cho hay, đơn vị đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Sơn La cam kết thực hiện bán hàng Việt Nam và bán hàng bình ổn giá nên người dân mua không lo về giá cả chênh lệch.

Mặt khác, để đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh Sơn La đã phối hợp với các sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố điều tra, khảo sát các mặt hàng sản xuất của Sơn La; đề xuất, tổ chức xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng tiêu thụ bền vững nhằm gắn kết các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tạo thuận lợi trong khâu cung ứng, tiêu thụ hàng hóa đối với một số mặt hàng nông sản của địa phương tỉnh như: cà phê, nhãn, xoài, chanh leo, mận, thanh long...

Gian hàng giới thiệu bơ Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN

Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tư vấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về kỹ năng xúc tiến thương mại; tổ chức 186 hội chợ đưa hàng Việt Nam về nông thôn, với gần 20.000 gian hàng các loại, thu hút gần 15.000 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia và trên 250 nghìn lượt người dân địa phương tới thăm quan, mua sắm; giá trị trao đổi trên 400 tỷ đồng.

Tỉnh Sơn La cũng xây dựng mới 45 chợ, đưa tổng số chợ trên địa bàn là 122 chợ; 1 trung tâm thương mại, 5 siêu thị và nhiều cửa hàng thương mại tiện ích; thiết lập các điểm bán hàng khu trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh tại các địa phương, lồng ghép với chương trình bình ổn thị trường; thiết lập 6 mô hình thí điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” tại thành phố Sơn La và các huyện: Mộc Châu, Bắc Yên và Sông Mã.

Ngoài ra, hưởng ứng cuộc vận động, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Sơn La đã điều chỉnh vào chiến lược mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá sản phẩm và mở rộng hệ thống phân phối đưa hàng hóa thương hiệu Việt đến với các tầng lớp nhân dân.

Qua tiếp cận thị trường nông thôn, các doanh nghiệp có điều kiện quảng bá thương hiệu sản phẩm, được thị trường tin dùng như sữa Mộc Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, chè Olong Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, cà phê Sơn La, gạo nếp Mường Và Sốp Cộp, cá tầm Sơn La…; quả các loại như: xoài, nhãn, sơn tra, chanh leo, na, mận, đào, chuối…

Đến nay, tại các siêu thị, trung tâm thương mại, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 80%. Các chợ truyền thống, cửa hàng bán buôn, bán lẻ, tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước chiếm 75%.

Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến có mặt ở tất cả các kênh phân phối trên thị trường, lựa chọn của người tiêu dùng chiếm 95% là các sản phẩm có nguồn gốc nội địa.

Hàng tiêu dùng chiếm trên 70%, hàng may mặc chiếm 65% lựa chọn là hàng Việt, thông qua các kênh phân phối như chợ, hệ thống các cửa hàng, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Ông Nguyễn Hữu Sơn ở phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chia sẻ, gia đình anh kinh doanh hàng tạp hóa gần 20 năm nay.

Đến năm 2013, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên bán hàng Việt Nam”, gia đình đã đăng ký điểm bán hàng Việt Nam và tất cả sản phẩm xuất xứ của Việt Nam 100%.

Hàng Việt Nam có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và giá cả hợp lý. Từ khi đăng ký, khách hàng đến cửa hàng mỗi ngày một tăng và dùng chính hàng của người Việt Nam sản xuất.

Ông Lê Quang Trung, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sơn La cho biết, những thuận lợi quan trọng khi thực hiện cuộc vận động là sự quan tâm, vào cuộc rất quyết liệt của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở.

Việc tuyên truyền phổ biến các tài liệu cũng như sự vào cuộc của cơ quan truyền thông đã có những tuyên truyền sâu rộng đến người dân ở vùng sâu, vùng xa, người tiêu dùng để họ nhận biết được tinh thần cuộc vận động và ý thức trách nhiệm, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi.

Các doanh nghiệp sản xuất đã tự nâng cao cải tiến, nâng cao chất lượng mẫu mã hàng Việt Nam đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Thời gian tới, Sơn La tiếp tục nâng cao chất lượng tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động có trọng tâm, trọng điểm gắn với dân vận của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như những phong trào thi đua yêu nước của địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp nhân dân, thể hiện nhất quán tư tưởng sử dụng hàng Việt Nam là hành động thiết thực của lòng yêu nước.

Sơn La coi thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên bán hàng Việt Nam” là một nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và là giải pháp thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, văn hóa – xã hội của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục