Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi?

15:17' - 02/05/2019
BNEWS Bên cạnh các kênh dẫn vốn hấp dẫn, quỹ hưu trí tự nguyện được đánh giá kênh hiệu quả cho nền kinh tế.
Giải pháp nào giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi, khơi thông được nguồn vốn là một trong những nội dung được các đại biểu cho ý kiến tại thảo luận hiến kế Vốn – Tài chính cho nền kinh tế với chủ đề “Khơi thông dòng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội" diễn ra ngày 2/5, tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2019.

 Phiên hiến kế về Tài chính - Tín dụng với chủ đề “Khơi thông dòng vốn trung – dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội”. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
* Vốn ở đâu?

Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi kênh đầu tư đều có lợi thế riêng, với tiền gửi, cá nhân có thể chủ động rút, mở tài khoản và được đảm bảo bởi các quy định của luật tín dụng, hay nguồn vốn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp… Bên cạnh các kênh dẫn vốn hấp dẫn trên thì quỹ hưu trí tự nguyện được đánh giá kênh hiệu quả cho nền kinh tế, đây không phải quỹ để cạnh tranh mà mở ra nhiều kênh đầu tư đa dạng hóa, tạo sự an toàn, tiềm năng cho người dân.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Vụ trưởng Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết, việc phát triển hưu trí tự nguyện đang có 2 sản phẩm là bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện với mục tiêu quan trọng là phát triển xã hội và tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, với sản phẩm bảo hiểm hưu trí, cả nước có 6 trong số 18 doanh nghiệp có sản phẩm này với tổng tài sản đạt 2.677 tỷ đồng. Trung bình, có khoảng 500 tỷ đồng một năm đầu tư cho sản phẩm bảo hiểm hưu trí. Về quỹ hưu trí tự nguyện, từ năm 2016 mới có một doanh nghiệp đề xuất cấp phép đủ hoạt động kinh doanh và dự kiến sẽ được cấp phép trong vài tháng tới.

Trong bối cảnh hiện nay, nguồn lực tài chính trong cá nhân và doanh nghiệp còn hạn chế nên việc phát triển chưa đúng khả năng. Bên cạnh đó, người dân thường có thói quen để tiền nhàn rỗi vào ngân hàng thay vì các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hay quỹ hưu trí... mà theo bà Phan Thị Thu Hiền thì nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa được tiếp cận thông tin.

"Quỹ hưu trí tự nguyện chưa được triển khai như mong muốn bởi đây là sản phẩm có sự tham gia của người lao động và người sử dụng lao động. Mọi người chỉ có thể tham gia nếu doanh nghiệp có chính sách cho người lao động, trong khi người dân cũng có nguồn lực tài chính nhất định", bà Phan Thị Thu Hiền nói.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, việc phát triển quỹ hưu trí tốn nhiều thời gian, nhiều nước mất 30-50 năm. Điều này cần có sự đồng hành từ doanh nghiệp, người dân, cơ chế chính sách phù hợp.

Trưởng Bộ phận đầu tư, Tập đoàn VinaCapital, Giám đốc điều hành Tập đoàn ông Andy Ho cho rằng, có nhiều giải pháp giúp phát triển quỹ hưu trí tự nguyện tại Việt Nam như: tăng cường hợp tác với nhà nước, giúp người dân hiểu được sự an toàn, mục tiêu của quỹ hưu trí tự nguyện; mang lại cho họ kênh phân phối rõ ràng...

Bà Phan Thị Thu Hiền bày tỏ, việc phát triển quỹ hưu trí phụ thuộc vào tâm lý của người dân bởi họ luôn cân nhắc đầu tư kênh nào hiệu quả hơn. Để đầu tư vào các sản phẩm của các công ty quản lý quỹ, lợi nhuận khoảng 15-17% thì nên thu hút nhà đầu tư có kinh nghiệm.

Vì vậy, việc phát triển quỹ hưu trí cần có sự phối hợp giữa chính phủ, các doanh nghiệp. Nếu lãi suất thị trường vốn đi xuống thì lãi suất ngân hàng cũng phải tương ứng. Ngoài sự tham gia của người dân, các doanh nghiệp cũng cần có chính sách để hỗ trợ người lao động.

Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần truyền thông thêm về quỹ hưu trí. Các ngân hàng hoạt động theo luật tín dụng, các công ty quỹ lại có quy định khác nhau... nên việc phát triển quỹ hưu trí cũng cần có quy định rõ ràng.

* Không mặn mà với quỹ đầu tư bất động sản

Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, câu chuyện về quỹ đầu tư bất động sản đã manh nha từ năm 2012. Với quỹ đầu tư bất động sản, thị trường bất động sản sẽ minh bạch hơn, việc phát triển nhà ở sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, thuế và niềm tin vẫn là hai vướng mắc lớn trong việc vận hành quỹ bất động sản.

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, cơ sở pháp lý của quỹ đầu tư bất động sản đã có quy định từ năm 2012 nhưng đến 2016, cơ quan quản lý mới đồng ý cho quỹ của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) với vốn khoảng 50 tỷ đồng thành lập. Quỹ này chủ yếu đầu tư vào bất động sản nhưng do nguồn tiền không có nhiều nên việc đầu tư vào các dự án tương đối khó khăn.

Ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam đánh giá, thị trường đang giảm sút bởi hai năm nay, các thủ tục cấp phép bị siết chặt. Tổng dư nợ vào bất động sản chỉ hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng nhỏ.

"Trước đây, tăng trưởng dư nợ tín dụng trong ngành bất động sản cao hơn tốc độ trung bình, đạt 18% vào năm 2016, trong khi thị trường chung chỉ 12%. Đến năm 2017, con số này lại ngược lại. Dòng tiền vào bất động sản giảm mạnh", ông Nguyễn Trần Nam nói.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, quỹ đầu tư bất động sản là hướng cân bằng dòng vốn nói chung; trong đó, có thị trường bất động sản. Tuy nhiên, về khung pháp luật, các quy định chưa thúc đẩy hình thành và hoạt động quỹ. Trong khi đó, lý do dân không đầu tư vào các quỹ là do gửi ngân hàng an toàn hơn và thực tế nhiều quỹ có mức độ rủi ro cao. Nhà nước nên miễn thuế cho quỹ này, nên đánh thuế cho những người được chia cổ tức theo mô hình của Thái Lan, Indonesia để thu hút người dân đầu tư thay vì gửi tiết kiệm.

Ông Nguyễn Trần Nam cũng lấy ví dụ về hình thành ngân hàng tiết kiệm nhà ở theo mô hình của Đức, Cộng hòa Czech nhằm mang lại nhiều lợi ích cho người nghèo, người có thu nhập trung bình... Đồng thời, ông đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hay khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết do ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Về phía công ty quản lý quỹ, bà Dương Trần, đại diện Tập đoàn VinaCapital cho rằng, ngoài vấn đề về thuế, chuyển nhượng cũng là rào cản khiến quỹ đầu tư bất động sản khó phát triển.

Theo bà Dương Trần, với quy định, nhà đầu tư rót vốn 13-30% vào quỹ bất động sản mất 6 năm để chuyển nhượng là khá dài khiến các nhà đầu tư không mặn mà rót tiền vào quỹ này. Do đó, đại diện VinaCapital kiến nghị nên áp dụng thời gian hạn chế chuyển nhượng để kích thích nhà đầu tư và thời gian khoảng một năm là phù hợp.

"Bên cạnh đó, giới hạn vay cũng gây khó khăn cho việc vận hành quỹ bởi giới hạn vay của quỹ đầu tư bất động sản là 5% trên tổng giá trị tài sản ròng. Đây là giới hạn vay khiêm tốn, trong khi vốn chủ sở hữu lên đến 15%. Do đó, giới hạn vay cần phải lên đến 15%", bà Dương Trần nói thêm.

Theo ông Phi Vân Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, khi chuyển đổi bất động sản vào quỹ có sự điều chỉnh rõ ràng của chính sách thuế. Đối với tổ chức cũng như cá nhân, góp tài sản bất động sản vào quỹ đều được các doanh nghiệp ghi chép. Nếu gộp vào quỹ, các doanh nghiệp cần đánh giá lại theo thị trường.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HoREA) kiến nghị, cần có các quỹ thay thế dần bất động sản, đi đôi phải có nguồn vốn thay thế; cần có lộ trình hình thành nhiều quỹ đầu tư để tạo thành một trong những kênh cung cấp vốn trên thị trường bất động sản./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục