Giải pháp nào nâng chất thị trường chứng khoán Việt Nam?

15:49' - 19/07/2024
BNEWS Ngày 19/7 tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức sự kiện Đối thoại tháng 7 về nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tổ chức.

Tại sự kiện Đối thoại tháng 7 về nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tổ chức diễn ra ngày 19/7 tại Hà Nội, do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, nhiều vấn đề “nóng” của thị trường chứng khoán đã được lãnh đạo cơ quan quản lý, các chuyên gia chứng khoán, chủ tịch công ty chứng khoán bàn bạc, thảo luận và đưa giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, song song với nâng hạng thị trường. 

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: để thị trường chứng khoán có chất lượng cao, phát triển bền vững, nhà đầu tư tổ chức phải nhiều, tỷ trọng phải lớn trong hoạt động của thị trường. 

Thực tế cho thấy, quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện khá lớn với gần 8 triệu tài khoản chứng khoán. Tuy nhiên, trong cơ cấu các nhà đầu tư, số lượng tài khoản của nhà đầu tư tổ chức ở mức rất khiêm tốn. Đây là điểm chưa mạnh, chưa bền vững của thị trường chứng khoán Việt Nam. Phải thay đổi điều này và thúc đẩy phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi nêu quan điểm.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, cơ quan quản lý nhà nước cần thực thi nhiều giải pháp tạo điều kiện để mở ra hoạt động của các quỹ đầu tư, các dạng quỹ đầu tư như quỹ hưu trí tự nguyện đang được thử nghiệm. Đồng thời, sớm đưa ra quy định rõ ràng để đảm bảo quỹ hoạt động hiệu quả và nghiêm túc. Khi quy định rõ ràng được thực thi, khuyến khích để huy động từ quỹ này trở thành nguồn lực đầu tư trên thị trường.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cho hay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng liên tiếp kể từ năm 2023 đến nay với lượng bán ròng khoảng 4 tỷ USD. Riêng từ đầu năm 2024, khối ngoại bán ròng 2 tỷ USD.

Ông Dominic Scriven cho rằng, gần đây thị trường Việt Nam ít có những yếu tố mới để động viên thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi rất nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới lại có điều này.

 

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup chia sẻ, các quỹ đầu tư nước ngoài yêu thích các ngành mang tính tiêu dùng, mang tiềm năng của thị trường nội địa Việt Nam gồm: bảo hiểm, bán lẻ, chứng khoán, thực phẩm đồ uống, ngân hàng và hàng gia dụng. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm ngành mà khối ngoại bán rất mạnh từ đầu năm.

Theo thống kê của FiinGroup, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang sở hữu khoảng 14% trên thị trường cổ phiếu Việt Nam. Riêng trên HOSE thì tỷ lệ này là 17,3%, HNX là 5,4% và UPCoM là 3%. Như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đang giảm nhanh và mạnh. Thực tế, tại thời điểm cuối năm 2023, tỷ lệ sở hữu nước ngoài lần lượt là 19,83% (HOSE), 10,99% (HNX) và 4,24% (UPCoM).

Về câu hỏi nhà đầu tư nước ngoài có lo ngại về rủi ro tỷ giá hay không, bà Nguyễn Linh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho hay, từ tháng 4 đến nay hệ thống ngân hàng bán ròng ngoại tệ cho nhà đầu tư gián tiếp khá lớn. Tỷ giá từ tháng 4 đến nay, không biến động đáng kể so với các nước khác trong khu vực. So với cuối năm 2023, tỷ giá chỉ tăng khoảng hơn 4%, trong khi các quốc gia khác mất giá từ 5 – 7%.

 

 

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ cho biết, Ngân hàng Nhà nước vẫn nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo thị trường tiền tệ, ngoại tệ duy trì thông suốt; đảm bảo tỷ giá và lãi suất diễn biến phù hợp góp phần ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Những áp lực hiện nay đã giảm khá nhiều so với trước kia, bà Phương hy vọng khó khăn của thị trường sớm kết thúc.

Chia sẻ thêm về kế hoạch thoái vốn tại những doanh nghiệp SCIC đang sở hữu lớn, để tạo nguồn cung hàng mới và chất lượng ra thị trường, tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tổ chức khác, tham gia thị trường chứng khoán, ông Lê Thanh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước - SCIC  cho hay, các nhà đầu tư tổ chức trong và nước ngoài muốn tham gia mua bán cổ phần nhà nước không dễ.

"Gần đây nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tham gia các thương vụ thoái vốn của SCIC nhưng hiện giờ chúng ta phải đấu giá, chưa theo quy trình của nước ngoài, đó là trở ngại lớn của nhà đầu tư tổ chức khi tham gia thoái vốn hóa của nhà nước", ông Tuấn bày tỏ.

Mặc dù còn phù thuộc sự hấp dẫn của cổ phiếu cụ thể quy mô, chất lượng cổ phiếu, thanh khoản... để thu hút nhà đầu tư tổ chức, tuy nhiên % sở hữu được tự do chuyển nhượng (free-float) của thị trường chứng khoán Việt Nam ở mức tương đối thấp, ước tính ở mức 45,5%. Do đó, cùng với tiến trình thoái vốn Nhà nước ở nhiều doanh nghiệp, dư địa để thu hút thêm nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn rất lớn.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục