Giải pháp nào ổn định thị trường tài chính tiêu dùng?

16:10' - 19/10/2022
BNEWS Thống kê sơ bộ, trên không gian mạng có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến nhưng nhiều app không được cơ quan nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy tín dụng đen”.

Mặc dù sự phát triển nhanh chóng về cả số lượng, chất lượng, hình thức tiếp cận của các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam đã giúp hoạt động kinh tế trong nước phát triển, góp phần hỗ trợ người dân ổn định và nâng cao đời sống.

Tuy nhiên, giao dịch tài chính tại Việt Nam hiện đang tồn tại nhiều vấn đề; trong đó, nổi bật là việc ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng.

Theo thống kê sơ bộ, trên không gian mạng có hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến thông qua website, qua các ứng dụng (app) trên điện thoại di động. Trong số đó, nhiều app cho vay tiền không được cơ quan nhà nước quản lý, dẫn đến nhiều trường hợp người tiêu dùng bị “sập bẫy tín dụng đen”. Hành vi lừa đảo này cần được cảnh báo và nhắc nhở.

Thông tin này được các diễn giả tập trung thảo luận tại tọa đàm “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp” nhằm cung cấp cái nhìn toàn cảnh về vấn đề này do Báo Công Thương tổ chức ngày 19/10 tại Hà Nội.

Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết, vai trò của của công nghệ với các nền tảng mạng xã hội làm cho việc tiếp cận thông tin nói chung và vấn đề tài chính tiêu dùng được xử lý nhanh hơn, thuận tiện hơn. 

Tuy nhiên, do sự phát triển của không gian mạng với “muôn hình vạn trạng” các ứng dụng, cùng rất nhiều các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh cho vay tài chính tiêu dùng khiến người tiêu dùng bối rối trước “ma trận” về dịch vụ này. Do đó, quyền lợi người tiêu dùng thường bị xâm hại. Chính vì vậy, cần có những giải pháp hữu hiệu để ổn định thị trường tài chính tiêu dùng và để thị trường này đi vào trật tự.

Theo ông Hồ Tùng Bách - Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), sự phát triển của nền kinh tế đi kèm với nhu cầu về tài chính, đặc biệt là tài chính tiêu dùng của người dân tăng cao. Tuy nhiên, tại Việt Nam có một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ cũng như chưa được trang bị kỹ năng tiêu dùng tài chính. 

Bên cạnh đó, ngoài các ngân hàng, công ty tài chính hoạt động tuân thủ pháp luật và đạo đức kinh doanh ngày càng có nhiều đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân. Hoặc, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người dân để thực hiện các hành vi lừa đảo, thậm trí xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, thời gian dịch COVID-19, khi nhu cầu tài chính của người dân tăng cao đột biến, Bộ Công Thương đã ghi nhận rất nhiều vụ việc xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng trong lĩnh vực này. 

Hiện nay, Bộ Công Thương đang được giao nhiệm vụ xây dựng dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010, đến thời điểm này đang trong quá trình sửa đổi và sẽ trình Quốc hội xem xét lần đầu tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 năm 2022. 


Trong dự thảo Luật phiên bản mới nhất, đã thể hiện những quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến người tiêu dùng tài chính. Cụ thể, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được xác định là Luật đưa ra những quy định chung, có thể điều chỉnh rộng khắp tới tất cả các lĩnh vực. 
Bởi, tiêu dùng là lĩnh vực rộng, liên quan đến không chỉ lĩnh vực tài chính, ngân hàng mà còn bao trùm rất nhiều lĩnh vực khác như giao thông vận tải, y tế, thực phẩm…Do đó, với quy định chung về bảo vệ người tiêu dùng không thể đi quá sâu về một vấn đề cụ thể sẽ xảy ra vấn đề trùng lặp với các quy định đã được nêu trong các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác. 
Bởi vậy, trong dự thảo mới nhất của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đưa ra một số quy định mới; trong đó, nhấn mạnh về tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xây dựng và công bố công khai chính sách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của tổ chức cá nhân kinh doanh.

Ông Fabien Sanchez - Giám đốc Rủi ro, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam chia sẻ, Home Credit Việt Nam với gốc dễ từ châu Âu nên nắm rất rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp và đảm bảo rằng, khi trao đổi, tư vấn và chào bán sản phẩm dịch vụ với khách hàng đều mang đến những sản phẩm, dịch vụ phù hợp nhất với năng lực tài chính của họ. 

Thống kê cho thấy, trong 14 năm hoạt động tại Việt Nam, Home Credit đã phục vụ khoảng 14 triệu lượt người Việt với các đã dạng các hoạt động tài chính. Bên cạnh đó, Home Credit luôn tăng cường thúc đẩy việc phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện. Đây là việc rất quan trọng, việc phổ cập dịch vụ tài chính toàn diện nhằm nâng cao nhận thức để người tiêu dùng hiểu rõ khi tham gia vào việc sử dụng các dịch vụ tài chính. 
Ông Vũ Văn Trung cho rằng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có và hiện nay đang sửa đổi và chỉ cần 1 luật đó là đủ. Bởi, bảo vệ người tiêu dùng nói chung; trong đó, có bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Vì vậy, nên chăng thêm một nội dung hoặc một điều khoản riêng về người tiêu dùng tài chính để đầy đủ về mặt văn bản. 

Còn quan trọng nhất chúng ta phải kiểm soát thị trường, kiên quyết có những biện pháp xử lý nghiêm những doanh nghiệp hoạt động không giấy phép hoặc các doanh nghiệp có giấy phép nhưng cố tình làm sai, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tài chính. 


Ông Hồ Tùng Bách nhấn mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính là vấn đề song hành với sự phát triển của nền kinh tế, là vấn đề mà Việt Nam trong thời gian sớm nhất cần tìm ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của nền kinh tế. 
Theo đó, khi ứng dụng vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, căn cứ theo dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), các doanh nghiệp, ngân hàng, hay các công ty tài chính sẽ phải xây dựng chính sách tiếp nhận, giải quyết khiếu nại phù hợp với đặc thù lĩnh vực tài chính, ngân hàng. 

Ngoài ra, phải tăng cường tiếp cận tới một số nhóm người tiêu dùng, mang tính chất đặc thù như người già, trẻ em, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bởi, đây là những đối tượng dễ bị tổn thương, đồng thời lại có nhu cầu cao trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính. 


Trong dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), cũng có một số quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; trong đó, có nhấn mạnh tới việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải xây dựng cơ chế giải quyết khiếu nại đảm bảo phù hợp với các đặc điểm riêng của những nhóm người tiêu dùng này.
Bên cạnh nhóm giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách, trong thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng tập trung tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực tự bảo vệ cho người tiêu dùng.
Hiện tại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đang vận hành Tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng với đầu số 18006838. Đây là Tổng đài miễn cước cuộc gọi và luôn sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ các vấn đề phát sinh của người tiêu dùng. Do đó, khi có bất cứ vấn đề gì không chỉ trong lĩnh vực tiêu dùng tài chính mà những vấn đề liên quan đến thực thi pháp luật trong lĩnh vực tiêu dùng nói chung, người tiêu dùng có thể liên hệ tới Tổng đài của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục