Bộ Công Thương lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam

19:43' - 18/10/2022
BNEWS Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, bản thảo cuốn sách được nghiên cứu xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc đã tái hiện lại một cách hệ thống về vị trí, vai trò và hoạt động của ngành công thương.

“Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010" là công trình đồ sộ có tính toàn diện và chất lượng cao, hữu ích cho việc nghiên cứu để từ đó suy ngẫm thêm về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của ngành trong tiến trình lịch sử; đúc rút những bài học kinh nghiệm quý, vận dụng trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay.

 

Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính thời sự khi tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã bàn và ra nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là nhận định chung của nhiều diễn giả tại Hội thảo khoa học Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945-2010) do Bộ Công thương tổ chức chiều 18/10, tại Hà Nội.

Thay mặt nhóm tác giả, bà Đặng Thị Ngọc Thu - Tổng Biên tập Tạp chí Công Thương - đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ trình bày  tóm tắt quá trình triển khai nghiên cứu biên soạn cuốn sách "Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010", tập trung vào 3 vấn đề lớn gồm nội dung, phương pháp nghiên cứu và những điểm mới trong bản thảo cuốn sách.

Gần 1000 trang Lịch sử Công Thương Việt Nam (1945 - 2010) không chỉ trình bày những bước phát triển, những thành tựu, đóng góp của ngành công thương đối với nền kinh tế, mà còn cung cấp cho độc giả những bài học kinh nghiệm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, có giá trị tham khảo cho công tác quản lý điều hành.

GS.TS Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước ngành kinh tế cho biết, bản thảo cuốn sách đã chỉ ra được nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm thành công cũng như cả thất bại trong quản lý điều hành nền kinh tế.

Hơn nữa, bản thảo đã hệ thống hóa được các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, cũng như việc thể chế hóa các văn bản ấy, cùng nỗ lực vận dụng, đưa chính sách vào cuộc sống của các bộ quản lý ngành công thương qua các thời kỳ trong giai đoạn 1945 - 2010.

Đặc biệt, có nhiều sự kiện, tư liệu lần đầu tiên được công bố, được lý giải ở nhiều chiều và đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể. Ở mỗi giai đoạn lịch sử ngành công thương luôn là ngành kinh tế quan trọng, tạo ra của cải vật chất cung cấp cho nhu cầu xã hội. Mỗi thành công của Cách mạng Việt Nam đều mang đậm dấu ấn thành tích của ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam qua các thời kỳ.

Theo PGS. TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đây sẽ là công trình quan trọng, thể hiện sự phát triển của công thương Việt Nam trong hơn 70 năm qua, gắn liền với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước cả trong thời chiến và thời bình.

Từ những trang viết về lịch sử công thương Việt Nam có thể rút ra được những bài học thành công và chưa thành công để tiếp tục sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến tới một nền công nghiệp, nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến...

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cũng cho rằng, đây không chỉ là công trình quý, để đời của ngành công thương. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng, mang tính thời sự khi Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII vừa bàn và ra nghị quyết về phát triển ngành công nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.

Sau 3 giờ làm việc, với tinh thần khoa học, khách quan, dân chủ, Hội thảo khoa học "Lấy ý kiến góp ý bản thảo cuốn sách Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945 - 2010" đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, bản thảo cuốn sách được nghiên cứu xây dựng công phu, toàn diện, sâu sắc đã tái hiện lại một cách hệ thống về vị trí, vai trò và các hoạt động chủ yếu của ngành công thương trong từng giai đoạn lịch sử dân tộc, gắn liền với sự ra đời và phát triển của Nhà nước cách mạng Việt Nam.

Đáng lưu ý, đây là nguồn sử liệu quý, đồ sộ, phong phú, có độ tin cậy cao, rất hữu ích cho việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đối với ngành công thương qua các thời kỳ và những đóng góp, cống hiến của ngành trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, bản thảo có bố cục khá chặt chẽ, khoa học và cân đối về dung lượng giữa các phần trong mỗi chương, tương đồng với tính chất quan trọng của mỗi giai đoạn lịch sử; các phương pháp nghiên cứu được sử dụng khoa học, phù hợp; những vấn đề, sự kiện, nhân vật được lựa chọn và trình bày mạch lạc, chính xác, tiêu biểu; đánh giá, phân tích khách quan, thuyết phục.

Ngoài ra, nội dung bản thảo cuốn sách đã trình bày chân thực, khách quan quá trình xây dựng và phát triển ngành công thương Việt Nam xuyên suốt từ thời kỳ trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trong số đó, bản thảo đã nêu bật được những chặng đường phát triển đầy tự hào, những thành tựu nổi bật và cả những thời điểm khó khăn, thách thức mà ngành công thương đã trải qua.

Mặt khác, qua đây bản thảo cũng làm sáng rõ những luận điểm cơ bản về vị trí, vai trò, nhiệm vụ cũng như đóng góp to lớn, sáng tạo của ngành trong việc tham mưu các chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là ở những thời điểm, bước ngoặt của lịch sử dân tộc.

Đồng thời, phân tích, tổng kết, đưa ra những bài học kinh nghiệm quý, có giá trị thực tiễn cao, góp phần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của ngành trong thời gian tới.

Bên cạnh việc khẳng định và đánh giá cao những ưu điểm, các đại biểu cũng đã góp ý, khuyến nghị chỉnh sửa, bổ sung về kỹ thuật trình bày và một số nội dung trong bản thảo như cô đọng lại một số phần của tiểu kết và mục sự kiện - nhân chứng lịch sử; điều chỉnh tách phần những bài học kinh nghiệm với phần kết luận để bạn đọc dễ theo dõi; thống nhất về cách chú dẫn, trích dẫn, cách dùng tên người, tên địa danh nước ngoài…

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Ban Biên soạn tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học và các đồng chí cán bộ lão thành trong ngành gửi tới hội thảo để hoàn thiện bản thảo, trình Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ thông qua lần cuối và xem xét, lựa chọn Nhà xuất bản có năng lực, uy tín để biên tập, xuất bản cuốn sách, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc trong và ngoài ngành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục