Giải pháp nào ứng dụng công nghệ trong xây dựng công trình thủy lợi?

11:26' - 09/07/2021
BNEWS Đầu tư các công trình thủy lợi phải tiếp cận theo hướng là quy mô công trình gắn với ứng dụng công nghệ tương xứng. Sẽ tạo ra “sân chơi” công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp.

Tại hội thảo trực tuyến về giải pháp khoa học công nghệ về bơm trong công trình thủy lợi của Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 9/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, quy mô đầu tư công trình thủy lợi phải gắn với giải pháp công nghệ tương xứng. 

Theo đó, trong đầu tư công trung hạn giai đoạn tới sẽ có nhiều công trình thủy lợi có trạm bơm được đầu tư. Với các công trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện sẽ là các giải pháp khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn.

Nhưng, với các công trình địa phương làm chủ đầu tư cũng phải tiếp cận theo hướng là quy mô công trình gắn với ứng dụng công nghệ tương xứng, tránh tình trạng “cài cắm” công nghệ. Bộ sẽ tạo ra “sân chơi” công bằng, minh bạch cho các doanh nghiệp khi thực hiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các giải pháp khoa học công nghệ mới đã góp phần khắc phục tình trạng hạn hán, lũ lụt… Nhưng thực tế hiện cho thấy, mỗi vùng miền khác nhau với các tính chất tưới tiêu khác nhau và thủy lợi phải đáp ứng đa mục tiêu thì giải pháp bơm không chỉ là kỹ thuật. Bởi, khi áp lực về biến đổi khí hậu, áp lực dòng chảy…  ngày càng cao thì cũng yêu cầu đặt ra là phải chú trọng về công nghệ .
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, các thiết bị về bơm tưới tiêu đã đầu tư xây dựng từ năm 60 của thế kỷ trước và quá trình quản lý có nhiều vấn đề về kỹ thuật, kiến trúc… Thực tế, cơ bản các trạm bơm đáp ứng tốt yêu cầu và nhiều trạm bơm phục vụ tốt, nhất là trạm bơm lớn với công nghệ nhập khẩu như công trình Bắc Nam Hà. Tuy nhiên, cũng có trạm bơm sau khi đưa vào khai thác lại không vận hành được, hoặc khai thác không đáp ứng được yêu cầu.
Trong những năm gần đây mực nước ở một số sông bị hạ thấp đáng kể và giải pháp khắc phục tình trạng này là xây dựng trạm bơm dã chiến bên cạnh trạm bơm chính như các trạm bơm  Phù Sa, Bá Giang, Thanh Điềm, La Khê… Nhưng giải pháp này chỉ mang tính tạm thời và khá tốn kém.
Hay, việc xây dựng đập tạm ngăn sông để dâng mực nước như các trạm bơm Nam Sông Mã, Hoằng Khánh, Phụng Châu… cũng là giải pháp tạm và tốn kém....
Theo ông Dương Thanh Lượng, Trường Đại học Thủy lợi, để lấy nước chủ động lấy nước trong mọi thời gian, tình huống và khắc phục được những khó khăn trên, cần có những giải pháp có tính lâu dài, cơ bản và hiệu quả hơn. Đó là giải pháp động lực, sử dụng trạm bơm nâng nước trước các công trình lấy nước đang có.
Giải pháp này có thể chủ động, đảm bảo đủ lưu lượng qua công trình lấy nước đang cơ trong mọi thời gian và trong mọi tình huống, đảm bảo đúng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp và các ngành có sử dụng nước.
Giải pháp này sẽ không cần phải xả nước gia tăng từ các hồ thủy điện thượng nguồn, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Đồng thời, giữ nguyên hiện trạng công trình đang có và đặc biệt, sử dụng trạm bơm nâng nước có kết cấu công trình đơn giản, chi phí xây dựng công trình thấp.
Ông Nguyễn Đức Cách, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương đề xuất, với các vùng cột áp thấp có thể sử dụng bơm trục đứng, truyền động hộp số; bơm thuyền di động hoặc bơm chím cánh cống loại nhỏ. Các dự án cấp nước đi xa và lên vùng cao phục vụ tưới cây công nghiệp và sinh hoạt nên sử dụng bơm ly tâm hút hai phía cố định hoặc trạm bơm phao. Các dự án phục vụ phòng chống lũ lụt, tiêu thoát nước đô thị hoặc chuyển nước liên vùng lưu lượng lớn nên sử dụng bơm buồng xoắn bê tông.
Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cũng đã chia sẻ về các công nghệ như: bơm buồng xoắn bê tông, bơm chìm, bơm nổi di động, bơm trục xiên…; hay, việc quản lý thi công, vận hành khai thác trạm bơm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục