Giải pháp nào ứng phó các mối quan tâm về an ninh lương thực?

16:12' - 01/06/2022
BNEWS Đại dịch COVID-19 đã tạo ra rất nhiều thay đổi quan trọng trong cuộc sống của nhân loại, làm nổi lên các nhu cầu về chuyển đổi và hội nhập thị trường để đảm bảo an ninh lương thực.

Ngày 1/6, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu chính sách thực phẩm quốc tế (IFPRI) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Cao học Khu vực Đông Nam Á về Nông nghiệp (SEARCA) tổ chức Diễn đàn chính sách lần thứ 2 "Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm khu vực ASEAN – Hậu COVID-19: Ứng phó các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm".

Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Chương trình “ Chuyển đổi nông nghiệp và Hội nhập thị trường ở khu vực ASEAN: Đáp ứng các mối quan tâm về an ninh lương thực và tính bao trùm (AMTI-ASEAN)” do Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ.

Chương trình được xây dựng nhằm mục đích tăng cường năng lực thể chế của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS), tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập của các hộ sản xuất nhỏ trong nông nghiệp, tham gia vào thị trường và xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ chuyển đổi bao trùm và hội nhập thị trường. Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam là các quốc gia trọng tâm của chương trình.

TS. Shahidur Rashid, Giám đốc khu vực Nam Á của IFPRI cho biết, chương trình ATMI-ASEAN đã áp dụng phương pháp tiếp cận dựa trên nhu cầu và giải quyết năng động các bối cảnh chính sách và môi trường đang thay đổi trong khu vực.

“Trong những năm qua, dự án đã tạo ra các công trình nghiên cứu và sản phẩm tri thức quan trọng, tôi rất vui vì có thể giới thiệu mạng lưới các nhà phân tích và cố vấn chính sách (NePAAA) ngày hôm nay”, TS. Shahidur Rashid nói.

Mạng lưới này nhằm cung cấp các lựa chọn và khuyến nghị chính sách dựa trên bằng chứng cho các Bộ trưởng Nông nghiệp và Lâm nghiệp ASEAN (AMAF) và các bên liên quan khác trong khu vực. Điều này nhằm mục tiêu duy trì công việc mà ATMI-ASEAN đang thực hiện và tạo điều kiện cho việc mở rộng quy mô.

Diễn đàn chính sách cũng giới thiệu công việc liên quan đến tác động của COVID-19 và các phản ứng chính sách. Với các hệ thống nông hộ chiếm ưu thế, tác động lên các tổ chức nông dân trong AMS, dựa trên các cuộc khảo sát ban đầu công phu về nông dân đã được thực hiện trong ATMI-ASEAN.

Các phát hiện chính về các thức của các tổ chức nông dân đã giúp nông dân đối phó với những cú sốc tương quan như COVID-19, mang lại những thay đổi về tổ chức và chức năn đối với các tổ chức nông dân ở các nước ASEAN.

TS. Glenn B. Gregorio, Giám đốc, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo sau đại học về nông nghiệp khu vực Đông Nam Á (SEARCA) cho hay: “Các lộ trình sẽ tiếp tục giúp tăng cường năng lực của các quốc gia thành viên ASEAN (AMS) trong việc phát triển các chính sách và chương trình hỗ trợ điều chỉnh khu vực nông hộ nhỏ theo những thay đổi của thị trường nông sản, thực phẩm tiểu vùng và siêu khu vực”.

Với tốc độ phát triển nhanh chóng và chuyển đổi hệ thống lương thực, các quốc gia AMS đã đạt được tiến bộ đáng kể nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) về chấm dứt nạn đói, mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng.

Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn và trong số đó có một số thách thức đã trở nên trầm trọng hơn trong đại dịch. Những thách thức ngắn hạn đến trung hạn và thậm chí dài hạn khác như biến đổi khí hậu đang đe dọa đẩy lùi đà phát triển trong nhiều năm của khu vực ASEAN, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực và tính bao trùm.

Theo TS. Glenn B. Gregorio, điều quan trọng nhất là làm thế nào để đồng bộ hóa các mô hình chuyển đổi lương thực vì mỗi quốc gia có các mô hình chuyển đổi khác nhau, dựa trên từng bối cảnh khác nhau. Việc triển khai các dự án ATMI-ASEAN 2 sẽ giúp các nước có thể hội nhập một cách phù hợp.

“Thông qua dự án này, chúng ta có thể thấy các lộ trình, chính sách hiệu quả hơn để giúp tăng cường lợi ích cho các hộ nông dân. Chúng ta cần dành thời gian để vạch ra các lộ trình đó”, ông Glenn B. Gregorio bày tỏ.

Tại diễn đàn, ông Trần Công Thắng Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) cho biết, Việt Nam là một trong những nước có nền nông nghiệp phát triển và nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn đại dịch COVID-19. Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam đã có sự tiến bộ rất nhiều. Chuyển đổi nông nghiệp diễn ra mạnh mẽ hơn, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng được nâng cao.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp cũng tăng trưởng vượt bậc, năm 2021 đạt mức kỷ lục 48,6 tỷ USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đạt được, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như: chất lượng sản phẩm nông sản chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều sản phẩm chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế, thu nhập của người dân nông thôn vẫn thấp...

Để khắc phục những bất cập, Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu chung là xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa dựa trên lợi thế địa phương, hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới.

Từ đó, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền... ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục