Giải pháp "né" phù sa về đồng bằng sông Cửu Long giảm mạnh

08:04' - 19/05/2019
BNEWS Đến năm 2020, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long giảm 67% so với 13 năm trước đây; đến năm 2040, lượng phù sa có thể giảm 97%. Ngành nông nghiệp đã có giải pháp để “né” tình trạng trên.

Đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Thủ tướng Chính phủ đã có Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Mạnh Linh - TTXVN

Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long được tiếp cận phát triển theo 3 vùng của Kế hoạch Châu thổ ĐBSCL có xem xét đến các hệ sinh thái nông nghiệp trong từng tiểu vùng; theo sự biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường…

Ngoài vị thế, ĐBSCL còn có tiềm năng phát triển trở thành vùng nông nghiệp giàu có của đất nước và trong khu vực.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị gia tăng nông nghiệp ĐBSCL đạt 3,41%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,84%/năm).

ĐBSCL tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu nông sản cả nước. Các nông sản chủ lực xuất khẩu của vùng vẫn tiếp tục khẳng định vị thế và khả năng cạnh trạnh trên thị trường.

Tuy nhiên, ĐBSCL đang cùng lúc chịu nhiều tác động lớn. Thách thức lớn nhất là tác động của biến đổi khí hậu; tác động phía thượng nguồn do các hoạt động kinh tế sử dụng nguồn nước; những điểm bất hợp lý trong sự phát triển kinh tế nội tại vùng…

Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, các nước đã và đang có kế hoạch xây dựng hàng trăm thủy điện trên sông Mê Kông và trên các dòng nhánh. Đến năm 2020, lượng phù sa về Đồng bằng sông Cửu Long giảm 67% so với 13 năm trước đây; đến năm 2040, lượng phù sa có thể giảm 97%.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, chúng ta đã có giải pháp để “né” tình trạng trên. Xuyên suốt giải pháp là việc chuyển dịch tái cơ cấu ngành. Quan điểm của ngành là điều tiết sản xuất phù hợp với sinh thái; sử dụng những công trình ngăn mặn, lợ sao cho hiệu quả.

Tùy vào từng thời điểm, việc điều tiết thủy lợi để kiểm soát mặn, ngọt sẽ không làm ảnh hưởng môi trường, hệ sinh thái. Điển hình trong vụ Đông Xuân 2018-2019, các địa phương đã gieo cấy sớm hơn 15 ngày.

Các dự báo về thị trường cho thấy cơ hội lớn cho phát triển trái cây và thủy sản, đặc biệt là các sản phẩm chế biến vào các thị trường cao cấp. Xâm nhập mặn gia tăng thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu hiệu quả hơn khi mở ra cơ hội phát triển tiềm năng nuôi tôm và các sản phẩm khác như trái cây, vật nuôi chịu mặn, đặc sản.

Ngành nông nghiệp sẽ từng bước hạn chế dần tình trạng tăng trưởng theo chiều rộng, giảm dần diện tích sản xuất lúa gạo khi giá trị tạo ra thấp và thị trường bấp bênh.

Ngành thay đổi tư duy an ninh lương thực dựa vào cây lúa, xoay trục chiến lược sang thủy sản-trái cây-lúa theo lợi thế của vùng và các tiểu vùng; đồng thời theo nhu cầu thị trường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, quan điểm phát triển nông nghiệp ĐBSCL là tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, xác định biến đổi khí hậu, hoạt động phát triển thượng nguồn và các mặt trái của những tác động trong quá trình phát triển kinh tế đang hiện hữu và còn diễn biến gay gắt hơn.

Nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững, an toàn, thịnh vượng trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của nông sản.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển nông nghiệp theo 3 vùng của  Kế hoạch châu thổ ĐBSCL dựa trên biến động về nguồn nước, tính thích nghi đất đai và nhu cầu thị trường, các ngành hàng chiến lược được phân thành vùng ổn định, vùng chuyển đổi và vùng linh hoạt.

Vùng thượng đồng bằng sẽ phát triển nền nông nghiệp đa dạng, có tính đến thích ứng với lũ cực đoan. Đây là vùng trọng điểm về sản xuất lúa và cá tra theo hướng hiện đại, bền vững và cóvai trò điều tiết, hấp thu lũ cho ĐBSCL.

Vùng giữa sẽ phát triển nền nông nghiệp miệt vườn, điển hình là trung tâm chuyên canh trái cây lớn nhất của đồng bằng và cả nước.

Bên cạnh đó, phát triển một số vùng lúa gạo tập trung, thủy sản nước ngọt, rau màu, cây công nghiệp và thủy sản nước lợ ở mức độ vừa phải. Vùng này đóng vai trò điều tiết nước ngọt cho vùng ven biển.

Nông nghiệp vùng ven biển được phát triển dựa vào nước mặn và lợ, phát huy lợi thế thủy sản; kết hợp vùng lúa gạo đặc sản, các cây trồng sử dụng nước ngọt ít và chịu mặn.

Vùng này có diện tích rừng lớn nhất nên cần tận dụng để phát triển hệ thống nông – lâm kết hợp theo hướng sinh thái, hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái; đảm bảo đủ nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất; sẵn sàng phòng chống, ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, sạt lở bờ biển.

Theo ông Nguyễn Văn Việt, lúa gạo sẽ không cứng nhắc duy trì sản xuất và xuất khẩu số lượng lớn, chỉ giữ ở mức tối thiểu có chất lượng và lợi nhuận tốt để giữ thị trường truyền thống, phát triển thị trường tiềm năng, khai thác tốt thị trường trong nước.

Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, tại ĐBSCL, diện tích canh tác lúa giảm 350.000 ha từ 1,9 triệu ha xuống còn 1,55 triệu ha. Theo đó, diện tích gieo trồng giảm khoảng 1 triệu ha từ 4,1 triệu ha xuống còn 3 triệu ha; sản lượng lúa giảm khoảng 7 triệu tấn, xuống còn 16 triệu tấn.

Phát triển trái cây sẽ theo nhu cầu thị trường, hướng tới thị trường trong và ngoài nước giá trị cao. Đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045,  các địa phương mở rộng diện tích trái cây tập trung thêm khoảng 250.000 ha, nâng diện tích lên khoảng 700.000 ha.

Các địa phương thu hút đầu tư mạnh cho chế biến sâu các sản phẩm trái cây để nâng cao giá trị và tận dụng các cơ hội thị trường rộng lớn cho các sản phẩm trái cây chế biến. Nâng cao công nghệ chế biến, bảo quản của các nhà máy nhằm đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường cao cấp.

Về thủy sản, ngành tôm và cá tra Việt Nam sẽ phát triển trở thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, hướng mạnh ra xuất khẩu. Đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, tổng diện tích tôm tăng lên khoảng 940.000 ha; cá tra khoảng 10.000 ha.

Khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, các địa phương sẽ tổ chức hợp tác xã kết nối doanh nghiệp; phát triển các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật cho vùng chuyên canh, các cụm/khu công nghiệp chế biến, hệ thống thương mại hậu cần kết nối thị trường. Các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho chế biến sâu các sản phẩm thủy sản, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến.

Đồng bằng sông Cửu Long coi phục hồi và phát triển rừng là nhiệm vụ trọng tâm, là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của toàn vùng.

Cùng với việc tăng diện tích rừng lên 330.500 ha vào năm 2030, các địa phương kết hợp hài hòa giữa bảo vệ rừng tràm, rừng ngập mặn với phát triển các sinh kế từ rừng, đặc biệt là thủy sản sinh thái dưới tán rừng (tôm, cua, cá) và du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp vùng ĐBSCL sẽ là nền tảng cho phát triển du lịch của vùng gắn với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn ven biển, bảo tồn đa dạng sinh học./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục