Giải pháp phát triển bền vững nghề nuôi biển Việt Nam

18:41' - 25/11/2023
BNEWS Phát triển nuôi biển đang tự phát rất rầm rộ. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc sớm tránh sau này phải đi khắc phục hậu quả.

Ngày 25/11, tại thành phố Nha Trang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa, các đơn vị Cục Thủy sản, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y tổ chức hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Đây là dịp để ngành nông nghiệp đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đưa ra giải pháp phát triển nuôi biển công nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp xác định cơ hội đầu tư nuôi biển công nghiệp và chế biến thuỷ sản trong thời gian tới.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kết luận, nuôi biển ở Việt Nam là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2. Hiện nay, nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, đối tượng nuôi phong phú nên những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, đặc biệt là trước yêu cầu giảm khai thác từ biển, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

"Nuôi biển phát triển sẽ góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nuôi biển vẫn là thủ công, tự phát, manh mún, chưa truy xuất được nguồn gốc con giống; Hạ tầng nuôi biển còn nhiều yếu kém. Chuỗi từ thức ăn, con giống, quy trình nuôi, an toàn dinh dưỡng, an toàn sinh học… còn nhiều vấn đề; ô nhiễm vùng nuôi vẫn là thách thức. Đặc biệt là việc giao mặt nước biển cho phát triển nuôi biển đang là thách thức lớn nhất. Nếu không tháo gỡ được khó khăn, thách thức, tiềm năng nuôi biển không phát triển được.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, thực tiễn phát triển nuôi biển đang tự phát rất rầm rộ. Điều này đòi hỏi các bộ, ngành và địa phương phải vào cuộc sớm để quy hoạch mặt nước biển cho nuôi trồng thủy sản, giám sát vùng nuôi sớm. Tránh tình trạng sau vài năm nữa sẽ phải đi khắc phục hậu quả.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu, khuyến nông đã có những mô hình nuôi biển hiệu quả thì cần nhân rộng nhưng đi kèm với đó là sản phẩm phải được chứng minh nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng.

Ông Trần Hoà Nam - Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng: Các đối tượng nuôi chính trên biển tại Khánh Hòa là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm…; trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích. Diện tích nuôi biển của Việt Nam đạt 85.000 ha với 8,9 triệu m³ lồng và tổng sản lượng gần nuôi 750 nghìn tấn/năm góp phần mang lại kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 11 tỷ USD.

Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn, tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển, góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản...

Hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống có độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao. Hơn nữa, việc quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả, nhất là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm giống và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Trong khi đó, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể là lớn nhất với 57.000 ha, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn.

Theo ông Khôi, việc sử dụng thức ăn hỗn hợp còn khá ít, hiện nay nuôi biển chủ yếu là thức ăn tươi sống, điều kiện sản xuất, chất lượng thức ăn còn hạn chế. Đối với tôm hùm, ông Khôi chia sẻ, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm hùm 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh. Nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở các quốc gia tăng, nhất là tại thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng cửa để phòng chống COVID-19. 

Ông Phan Quang Minh, Phó Cục trưởng Cục Thú y, cho biết biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2. Hàng năm, các địa phương đều tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn địa phương ban hành các văn bản hướng dẫn các biện pháp phòng, chống và điều trị bệnh cho tôm hùm, ngao, nghêu và thủy sản nuôi biển. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng cao về sản lượng nên người nuôi đã không tuân thủ các quy định, hướng dẫn.

Về tình hình khó khăn của người nuôi tôm hùm, bà Nguyễn Thị Ánh Quyên, người chủ hộ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm hùm tại Nha Trang, Khánh Hòa, đã đề cập đến những thách thức mà ngành nuôi tôm hùm đang phải đối mặt hiện nay. Theo bà Quyên, có một số vấn đề cần được Cục Thú y xem xét, đặc biệt là liên quan đến quá trình kiểm dịch.

Thời gian kiểm dịch kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất nuôi trồng của các hộ dân. Bên cạnh đó, bà Quyên cũng đề cập đến vấn đề giao mặt nước biển và quy hoạch vùng nuôi, đây là những điểm quan trọng đang gây lo ngại cho người nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thú y xem xét lại thời gian cách ly và áp dụng các biện pháp khoa học liên quan để đảm bảo rằng quá trình kiểm dịch không ảnh hưởng đến quá trình nuôi trồng của người dân, không làm ảnh hưởng năng suất nuôi trồng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục