Giải pháp phát triển đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm

18:03' - 05/01/2018
BNEWS Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện việc sắp xếp các đường bay; trong đó phối hợp với Bộ Quốc phòng để tối ưu hóa các đường không lưu, mặc dù chúng ta đang làm nhưng sẽ phải làm tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư, tăng cường giao lưu và hội nhập quốc tế.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam xung quanh vấn đề triển khai đề án này.

ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết nội dung tổng quát của Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia trọng điểm vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt?

Ông Võ Huy Cường: Có thể nói nội dung tổng quát của Đề án là nhằm phát triển mạng đường bay quốc tế giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm của Việt Nam gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Nga, Đức, Australia, Pháp, Anh và Ấn Độ của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài để thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế.

Ngoài mục tiêu phát triển thị trường hàng không đến các quốc gia, vùng trọng điểm thì Đề án cũng đặt ra việc xây dựng chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng, chính sách về cấp quyền vận chuyển hàng không, chính sách ưu đãi về giá khi các hãng hàng không sử dụng dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng không tại các cảng hàng không….

Các chính sách ưu đãi này hướng tới không chỉ áp dụng cho các hãng hàng không Việt Nam mà còn phải áp dụng bình đẳng với các hãng hàng không nước ngoài ở các thị trường trọng điểm kết nối với Việt Nam.

Như vậy, trong giai đoạn đầu thực hiện theo đề án này, ngoài việc Thủ tướng Chính phủ giao phát triển 12 thị trường hàng không trọng điểm, Thủ tướng cũng yêu cầu có những định hướng cụ thể về quảng bá phát động thị trường để cho các hãng hàng không tăng tần suất bay tại các đường bay hiện có và mở thêm các đường bay mới.

Trong 12 thị trường trọng điểm đã nêu ở trên thì có một số thị trường chúng ta chưa có đường bay trực tiếp đến là thị trường Ấn Độ và Hoa Kỳ.

Yêu cầu của Đề án là mở thêm những đường bay mới. Ví dụ như thị trường Nga, chúng ta sẽ mở thêm một số đường bay đến các địa phương khác. Thị trường Australia sẽ mở thêm đường bay đến bờ phía Tây và phía Đông của Australia. Thị trường Anh cũng mở thêm các điểm khác của Anh ngoài thủ đô London….

Còn đối với thị trường Pháp, Nhật Bản cũng được yêu cầu tăng tầng suất khai thác và tăng cường hơn sự kết nối. Đặc biệt thị trường hàng không Trung Quốc và Hàn Quốc cũng cần phải đẩy mạnh việc mở rộng kết nối hơn trong thời gian tới.

PV: Ông có thể chia sẻ mối quan hệ giữa việc phát triển thị trường hàng không với sự phát triển của ngành du lịch theo mục tiêu của Đề án?

Ông Võ Huy Cường: Mục tiêu của Đề án là phát triển hoạt động hàng không với hoạt động du lịch để đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy vai trò doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa về du lịch; toàn ngành du lịch phải có sự đột phá trong phát triển du lịch, đến năm 2020, Việt Nam thu hút được từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng giá trị du lịch đóng góp từ 10 đến 12% GDP và giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD.

Về quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển của ngành hàng không, có thể nói từ trước tới nay hai ngành này có một quá trình hợp tác song hành. Sự hợp tác giữa ngành hàng không và ngành du lịch cũng là một yêu cầu thực tiễn bắt buộc để cùng phát triển. Ngành hàng không ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế đầu tư thương mại nói chung thì cũng đóng góp không nhỏ hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển. Và ngược lại ngành du lịch cũng đồng hành hỗ trợ cho ngành hàng không phát triển.

Tháng 8/2016 đã diễn ra hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch, tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì; trong đó có đánh giá cao sự hợp tác giữa ngành hàng không và ngành du lịch. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cần tăng cường hơn nữa, đặc biệt cần phát triển có tính đột phá của ngành du lịch cho giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải hỗ trợ đồng hành như đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng hàng không. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Quốc Phòng để thực hiện tối ưu hóa đường bay không lưu, phối hợp với các bộ, ngành khác để làm sao tạo thuận lợi nhất cho hoạt động khai thác các chuyến bay quốc tế đến các cảng hàng không của Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho hành khách nước ngoài sử dụng dịch vụ hàng không khi đến Việt Nam.

PV: Vậy về phía Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam sẽ thực hiện Đề án này như thế nào thưa ông?

Ông Võ Huy Cường: Có thể nói việc Thủ tướng phê duyệt Đề án sẽ tạo ra sự phối hợp thực hiện một cách gắn kết chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành địa phương liên quan. Các bộ, ngành địa phương sẽ chủ động phối hợp trên cơ sở mục tiêu, định hướng của Đề án đã đề ra. Về phía Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải chủ trì làm nhiều việc với tinh thần phải tập trung, quyết liệt hơn nữa.

Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ thực hiện việc sắp xếp các đường bay; trong đó phối hợp với Bộ Quốc phòng để tối ưu hóa các đường không lưu, mặc dù chúng ta đang làm nhưng sẽ phải làm tốt hơn.

Ví dụ: việc kết nối giữa vùng phía Bắc của chúng ta với Trung Quốc, Đông Bắc Á làm sao để có thêm những đường bay quốc tế mới đến Cát Bi, Vân Đồn… việc này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác của các hãng hàng không thay vì phải bay vào các đường không lưu quốc tế hiện tại sẽ gây tốn kém hơn. Kéo theo khả năng duy trì và khai thác hiệu quả của các hãng hàng không sẽ khó khăn hơn.

Một việc khác nữa đó là khi chúng ta phát động các thị trường hàng không trọng điểm thì ngoài các sân bay cửa ngõ chính quan trọng như Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang và Tân Sơn Nhất sẽ phải tăng cường thêm năng lực thì Đề án này cũng nói đến việc tập trung phát triển các đường bay quốc tế tại các sân bay khác đã có như Cát Bi, Phú Bài, Cần Thơ, Phú Quốc và sắp tới là sân bay Vân Đồn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện cụ thể và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giao thông Vận tải với các bộ, ngành khác để khi có nhu cầu khai thác, thuê chuyến quốc tế hoặc các chuyến bay quốc tế thường lệ đến các sân bay nội địa của chúng ta thì chúng ta sẽ có những điều kiện để tiếp nhận.

Ví dụ như chúng ta đã cho phép khai thác được từ sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) đi Chiang Mai (Thái Lan) và Bangkok (Thái Lan) đến sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) và mới nhất là chúng ta đã có phép các chuyến bay quốc tế và thường lệ đến sân bay Liên Khương (Đà Lạt)…

Một việc tiếp theo trong việc thực hiện Đề án này là xây dựng và công bố các chính sách ưu đãi. Cụ thể, về giá dịch vụ hàng không phục vụ trực tiếp cho các chuyến bay quốc tế, giá dịch vụ hạ cất cánh sẽ được rà soát xây dựng một cách phù hợp.

Ngoài ra, các chính sách về ưu đãi khuyến khích cho các hãng hàng không cũng phải được rà soát lại trên cơ sở căn cứ vào thực tiễn khai thác, nhu cầu khai thác cũng như đề nghị của các hãng hàng không và khả năng giảm giá của các đơn vị cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không .

Việc tiếp theo không kém phần quan trọng là chúng ta phải chủ động công bố mạng đường bay quốc tế để các hãng hàng không biết được hoạt động kinh doanh hàng không tại thị trường Việt Nam. Bởi chúng ta biết thị trường hàng không không chỉ khai thác từ điểm tới điểm mà nguồn khách đi đến còn có sự phối hợp hợp tác giữa các hãng hàng không với nhau.

Trong tình hình hiện tại chúng ta cũng đang gặp khó khăn tại một số thị trường về vấn đề giờ cất hạ cánh tại sân bay quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Thái Lan… ngoài ra, còn khó khăn về cấp phép tầng suất khai thác nữa…. Do vậy, Cục Hàng không Việt Nam được giao chủ trì thực hiện đàm phán với các cơ quan chức trách có liên quan của các quốc gia để đáp ứng các yêu cầu về khai thác. Qua đó đảm bảo yêu cầu về mở đường bay hoặc tăng tầng suất khai thác của các hãng hàng không Việt Nam.

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chào đón hành khách đặc biệt thứ 94 triệu, 93.999.999 và 94.000.001 trong năm 2017. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Gần đây chúng ta đã tổ chức đối thoại với các hãng hàng không trong nước và các hãng hàng không nước ngoài để kịp thời nắm bắt những kiến nghị, khó khăn vướng mắc khi khai thác tại thị trường Việt Nam để có những giải pháp tháo gỡ hỗ trợ kịp thời.

Vì vậy, Cục Hàng không Việt Nam cũng được giao nhiệm vụ tiếp tục duy trì cơ chế đó theo hình thức hàng năm hoặc 2 năm một lần với các hãng hàng không trong nước và nước ngoài. Đây cũng là dịp để đánh giá, một kênh để tìm hiểu thông tin về việc phát triển thị trường hàng không và du lịch giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phải chủ động phối hợp với các địa phương có cảng hàng không, địa phương có tiềm năng phát triển du lịch để có những kế hoạch phối hợp tuyên truyền quảng bá về tiềm năng du lịch, phát triển kinh tế - xã hội đầu tư thương mại để cùng có những kế hoạch đồng bộ để phát triển trước mắt là 12 thị trường hàng không trọng điểm.

Với 12 thị trường trọng điểm đã được đặt ra thì trong quá trình thực hiện đề án này chúng ta cũng đồng thời phải nghiên cứu khai thác các thị trường khác nữa ví dụ như các thị trường tiềm năng khác như Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất, Nam Phi, Hà Lan, Italy...

Ngoài các vấn đề trên thì còn vấn đề nữa là việc tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam được hợp tác với tất cả các hãng hàng không nước ngoài trong khai thác để giúp tăng tính kết nối linh hoạt về sản phẩm vận chuyển hàng không tạo nhiều cơ hội và lựa chọn cho hành khách và cũng mở ra điều kiện cho các công ty du lịch xây dựng các sản phẩm du lịch…

Về chính sách thì Cục Hàng không Việt Nam đã thực hiện việc đàm phán với nhà chức trách các nước. Tuy nhiên trong thời gian tới sẽ thực hiện tích cực hơn nữa tạo điều kiện hơn nữa cho tất cả các hình thức hợp tác để làm sao hoạt động khai thác bay và vận chuyển hàng không đến thị trường Việt Nam được thuận lợi nhất có hiệu quả.

Ngoài ra, các bộ ngành khác cũng được giao nhiệm vụ như Bộ Ngoại giao sẽ phải nghiên cứu về chính sách về miễn visa, miễn thủ tục xuất nhập cảnh…

PV: Xin cảm ơn ông!

>>> Vietjet Air nhận tàu bay A321neo thế hệ mới đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục