Giải pháp phát triển kinh doanh sạc điện cho xe ô tô

06:30' - 16/12/2021
BNEWS Toàn xã hội chuyển sang sử dụng xe điện là một yêu cầu để thế giới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, tuy nhiên, khi xe điện trở nên phổ biến, vấn đề sạc pin cũng trở nên cấp thiết hơn.

Xe điện (EV) hấp dẫn với người dùng nhờ khả năng tăng tốc mượt mà, màn hình điều khiển giống như máy tính bảng thay cho các công tắc kiểu cũ. Thêm vào đó, giá xe đang giảm khiến việc sở hữu xe điện cũng rẻ như xe ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, theo tờ The Economist của Anh, mớ dây cáp trong cốp xe là lời nhắc nhở về việc phải cắm sạc cho xe điện sau khi đi khoảng 400 km. Các điểm sạc công cộng đôi khi bị hỏng hoặc không thể tiếp cận được. Một trong những lý do chính khiến mọi người ngần ngại về việc mua xe điện là "lo ngại về phạm vi hoạt động".

Toàn xã hội chuyển từ xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện là một yêu cầu để thế giới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không. Tuy nhiên, khi xe điện trở nên phổ biến, vấn đề sạc pin cũng trở nên cấp thiết hơn.

Ngày nay, hầu hết các chủ sở hữu xe điện giàu có thường có thể sạc xe của mình tại nhà hoặc tại nơi làm việc. Tuy nhiên, nhiều người dùng xe điện có điều kiện kinh tế thấp hơn không có chỗ đậu xe tại nhà hay tại các bãi đậu riêng để sạc.

Đến năm 2040, ước tính khoảng 60% số lần sạc xe điện sẽ không thể được thực hiện tại nhà. Điều này đòi hỏi một mạng lưới các trạm sạc công cộng rộng lớn. Vào cuối năm 2020, thế giới chỉ có 1,3 triệu máy sạc công cộng.

Theo một số ước tính, để đạt được mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, thế giới sẽ cần 200 triệu máy sạc công cộng. Người dùng xe điện sẽ cần cả các máy sạc nhanh được lắp đặt gần đường cao tốc để có thể nhanh chóng giúp xe đi thêm hàng trăm km và các bộ sạc chậm hơn có sẵn tại các lề đường hay trong bãi đỗ xe của các trung tâm mua sắm, nhà hàng…

Khu vực tư nhân đã thể hiện sự quan tâm đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này. Các công ty chuyên về sạc điện và nhà sản xuất ô tô điện đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Các công ty dầu mỏ, với Shell đi đầu, đang đưa các bộ sạc điện vào các trạm xăng và mua lại các công ty sạc. Các công ty dịch vụ tiện ích, với nguồn điện sẵn có để bán, cũng đang bắt đầu chú ý hơn tới lĩnh vực này.

Tuy nhiên, mảng kinh doanh sạc điện này đang gặp phải những vấn đề lớn. Một là làm thế nào để phối hợp giữa chủ sở hữu các bộ sạc, chủ sở hữu mặt bằng lắp các bộ sạc, các cơ quan chức năng trong lập kế hoạch và các doanh nghiệp truyền tải điện.

Vấn đề khác là kinh phí. Theo một ước tính, chi phí cho việc đầu tư hệ thống trạm sạc cần thiết để đạt mức khí thải thực bằng 0 vào năm 2050 sẽ là 1.600 tỷ USD. Ban đầu có thể khó có lợi nhuận vì các trạm sạc sẽ không được sử dụng nhiều.

Một rủi ro liên quan là sẽ có những lỗ hổng về mức độ bao phủ. California là một địa điểm được lựa chọn để lắp đặt các bộ sạc, nhưng ai muốn đầu tư vào Nebraska? Và sau đó là vấn đề cạnh tranh giữa các mạng trạm sạc. Người dùng xe điện có thể chuyển đổi từ mạng lưới này sang mạng lưới khác mà không gặp rắc rối khi phải đăng ký với tất cả các mạng.

Chính phủ các nước đang thử nghiệm biện pháp trợ giá xe điện, nhiều nước đang tung tiền đầu tư cho các điểm sạc công cộng. Đạo luật cơ sở hạ tầng của Mỹ dành 7,5 tỷ USD để lắp đặt 500.000 trạm sạc công cộng vào năm 2030.

Anh có kế hoạch yêu cầu các tòa nhà mới phải lắp đặt các bộ sạc cho xe điện. Tuy nhiên, tổng số tiền này vẫn còn nhỏ và các lỗ hổng về sự phối hợp, mức độ bao phủ và sự bất tiện sẽ vẫn còn tồn tại.

Các chính phủ nên học hỏi kinh nghiệm từ lĩnh vực viễn thông. Hầu hết các quốc gia tổ chức đấu thầu hoặc cấp một số lượng hạn chế giấy phép hoặc quyền sử dụng tần số cho các công ty để vận hành các mạng di động quốc gia và khu vực.

Đổi lại, các công ty phải xây dựng các mạng theo một kế hoạch, phủ sóng rộng khắp và cạnh tranh với nhau. Cơ quan quản lý đặt ra các quy tắc để cho phép chuyển vùng giữa các mạng.

Tuy vậy, cách tiếp cận này cũng có những khiếm khuyết. Các cuộc đấu thầu ở châu Âu đã khiến nhiều công ty phải gánh quá nhiều nợ và sự cạnh tranh đã ngày càng trở nên ít gay gắt hơn ở Mỹ.

Dù vậy, trong hai thập kỷ qua, thế giới đã chi hơn 4.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng viễn thông. Và chiếc điện thoại di động đã biến từ một món đồ xa xỉ dành cho giới nhà giàu trở thành vật bất ly thân trong túi của mọi người./.     

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục