Giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA

17:50' - 22/11/2023
BNEWS Những tác động tích cực từ việc thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với nền kinh tế Việt Nam và hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp được minh chứng rõ nét trong thời gian qua.

Doanh nghiệp tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan để tăng trưởng xuất khẩu; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ khoa học công nghệ và nắm bắt cơ hội hợp tác mới.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với nhiều hàng rào trong quá trình thực thi các FTA như: nguồn lực tài chính hạn chế, nhất là khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng khiến chưa phát huy được hết năng lực để tận dụng cơ hội mà FTA mang lại.

Những vấn đề này đã được chia sẻ dưới những góc nhìn tại Tọa đàm giải pháp tín dụng và nguồn tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng FTA do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 22/11, tại Hà Nội.

Liên quan đến nguồn vốn tài chính tác động tới quá trình thực thi FTA, bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, dù đạt được một số kết quả và những tín hiệu tích cực nhất định, nhưng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất khiêm tốn. Đơn cử như năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu sang EU trong xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%. Hơn nữa, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam chưa đạt được kỳ vọng. EU là một thị trường có tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt mức khoảng 26 %.

Một vấn đề tồn tại nữa là doanh nghiệp đang tận dụng tốt các FTA lại là doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tận dụng cơ hội còn tương đối hạn chế. Ngoài ra, doanh nghiệp chủ yếu làm các sản phẩm gia công theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu; sản phẩm đặc thù chế biến còn ít nên giá trị gia tăng thu được hạn chế.

Cùng đó, chưa có sự quan tâm đúng mức và đầy đủ đối với việc xây dựng các sản phẩm có thương hiệu “Made in Việt Nam” trên thị trường các nước FTA. Đặc biệt, các doanh nghiệp mới chỉ tham gia vào một phần rất nhỏ trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp tư nhân Việt Nam gặp phải là tiếp cận tín dụng. Cụ thể, có tới 55,6% số doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, trong khi con số này năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và năm 2021 là 46,9%.

Tương tự, tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam gặp khó khăn và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính.

Ở Việt Nam, tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới và dao động ở mức từ 25 – 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản. Đó là chưa nói đến các doanh nghiệp của Việt Nam với điều kiện quản trị, quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế và chứng minh những điều kiện đó rất khó khăn.

Cụ thể, năm 2017, tỷ lệ doanh nghiệp có khoản vay từ ngân hàng và tổ chức tín dụng là 49,4 %, đến năm 2018 và 2019 con số này là 45% và 43%. Năm 2020, khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện, tỷ lệ này lại giảm tiếp chỉ còn 42,9%; năm 2021 là 35,4% và đến năm 2022 chỉ còn 17,8%.

Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng trong quá trình doanh nghiệp muốn đầu tư một cách bài bản, chuyển đổi công nghệ sản xuất, đầu tư đáp ứng những tiêu chuẩn phát triển bền vững của thị trường để tận dụng các FTA tốt hơn.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho hay, các tổ chức tín dụng đang dư thừa về thanh khoản, lượng thanh khoản rất dồi dào, trong khi đó tăng trưởng tín dụng ở mức thấp trong 10 năm qua. Đối với những doanh nghiệp sản xuất để xuất hàng sang những khu vực Hiệp định thương mại tự do (Việt Nam hiện có 16 hiệp định thương mại có hiệu lực) thì đây là một trong những đối tượng ngân hàng cho vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn, nhưng ngân hàng cũng không thể cho vay được do doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện.

Để có thể nâng khả năng tiếp cận cũng như hấp thụ vốn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, thị trường vốn lành mạnh là trợ lực rất lớn cho những ngành sản xuất. Thị trường tín dụng, vốn phải nhìn dưới dạng win - win để nền kinh tế, chuỗi ngành hàng phát triển bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gia tăng sức mạnh, cải thiện chính mình, điều chỉnh công nghệ sản xuất, giảm chi phí và duy trì sự đồng hành của tín dụng với lãi suất phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện vẫn còn dư địa lớn để cải cách các quy định liên quan đến kinh doanh, có tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng luôn có vai trò quan trọng và là dòng máu để duy trì sản xuất.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đảm bảo tiêu chí các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp ở từng thời điểm.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Trưởng phòng WTO và FTA cho biết, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới năm 2022 và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA . Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng hệ sinh thái, phát triển ngành hàng tại các tỉnh, thành phố với giải pháp nguồn tín dụng là một cấu phần quan trọng đảm bảo sự thành công của hệ sinh thái...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục