Giải pháp tối ưu hoá hệ sinh thái kinh tế, hấp dẫn nhà đầu tư

15:11' - 18/09/2024
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia.

Tạo động lực cho tăng trưởng bền vững qua việc tối ưu hoá kinh tế, công nghệ và năng lượng là chủ đề của Chương trình đối thoại chính sách năm 2024 do UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức, ngày 18/9.

 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, sự phát triển của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động ngày càng sâu sắc và nhiều chiều đến các quốc gia.

Đây là cơ hội cho Tp. Hồ Chí Minh cùng các tỉnh, thành phố phía Nam nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng chính nó cũng đặt ra những thách thức trong giải quyết vấn đề việc làm, bất bình đẳng, phân hóa giàu nghèo…

Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy doanh nghiệp tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng không chỉ là nhu cầu cấp thiết mà còn là trách nhiệm của tất cả mọi người. Sự tăng trưởng kinh tế nếu không đi kèm với sự phát triển bền vững, sẽ gây áp lực lớn lên môi trường và tài nguyên thiên nhiên.

Thực tế biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, và cạn kiệt tài nguyên đang đặt ra yêu cầu cấp bách phải tìm kiếm các giải pháp mới, nhằm cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.

“Đây là lần đầu tiên UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp VBF tổ chức Chương trình đối thoại chính sách, tạo cơ hội để các địa phương và doanh nghiệp FDI trao đổi thông tin; đồng thời, định hướng và xác định kế hoạch đầu tư, hợp tác trong thời gian tới.”

Thảo luận về chuỗi cung ứng logistics tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam, ông Trần Anh Đức, Đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại, VBF nêu vấn đề, chuyển đổi xanh hiện nay là xu hướng không thể đảo ngược, Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng cũng đã đề cập chủ đề này rất nhiều lần.

Tuy nhiên, chương trình nghị sự xanh của Việt Nam cần được làm rõ, đặc biệt là liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải. Điển hình như chưa có kế hoạch cụ thể để loại bỏ các phương tiệngiao thông cũ, kém hiệu quả, gây ô nhiễm và chuyển sang tiêu chuẩn Euro 5 và Euro 6, nhiên liệu thay thế  nhiên liệu hoá thạch là gì?

Hạ tầng đường bộ xung quanh Tp. Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; tình trạng thiếu kho bãi mới chất lượng cao, trong khi các kho cũ có thời hạn thuê đất dưới 20 năm và chưa có kế hoạch gia hạn rõ ràng nên không khuyến khích tái đầu tư.

Thêm vào đó, chi phí cho logistics tại Việt Nam còn rất cao so với các quốc gia khác trong khu vực.Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cửa ngõ quốc tế cho cả khu vực phía Nam nhưng thường xuyên xảy ra tình trạng hành khách xếp hàng dài chờ đợi tại quầy xuất nhập cảnh. Điều này tác động tiêu cực đến ấn tượng đầu tiên của du khách, nhà đầu tư đối với Tp. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam.

Ông Seck Yee Chung, Đồng trưởng nhóm Đầu tư và Thương mại, VBF thì cho rằng, để hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, trước hết phải xây dựng được hệ sinh thái có tính liên kết và đồngbộ. Trong đó, Việt Nam cần tăng cường tính minh bạch về điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài; đồng thời có cơ chế xem xét linh hoạt hơn, không yêu cầu thêm các giấy tờ khác ngoài quy định và đảm bảo giải quyết hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh đúng thời hạn.

“Ngoài việc đưa ra các ưu đãi, cả Chính phủ và cơ quan địa phương cũng cần tiếp tục nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, nâng cao trình độ cho người lao động và đơn giản hóa các yêu cầu phê duyệt nhằm cải thiện hệ sinh thái kinh doanh của Việt Nam; tạo sức hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn”, ông Seck Yee Chung khuyến nghị.

Trong khi đó, ông Colin Blackwell, Trưởng Nhóm Nguồn Nhân lực VBF nêu những bất cập trong quy trình cấp giấy phép lao động cho các giám đốc điều hành và chuyên gia nước ngoài. Vấn đề này là mối quan tâm lớn đối với toàn bộ cộng đồng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cũng như các phản hồi thường xuyên được từ các thành viên của hiệp hội cho thấy quy trình cấp giấy phép lao động tiếp tục là thách thức, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp mong muốn điều chuyển các giám đốc điều hành và chuyên gia tới Việt Nam, những người sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn trong những ngành nghề nhất định.

Đại diện VBF mong muốn có sự linh hoạt trong các tài liệu cần thiết để cấp giấy phép lao động cho các ngành công nghệ cao và tăng trưởng xanh. Sự linh hoạt trong quy định về tài liệu chứng minh bằng cấp, kinh nghiệm trong lĩnh vực này này sẽ giúp Việt Nam thu hút nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực mới nổi. Đảm bảo việc áp dụng nhất quán quy định pháp luật trên các tỉnh/ thành phố. Điều này sẽ tạo ra khả năng dự đoán tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động tại nhiều địa phương khác nhau. Hiện nay, tuy cùng một nội dung pháp luật nhưng các địa phương lại có thể có cách diễn giải khác nhau khiến doanh nghiệp bối rối, không biết làm thế nào mới đúng.

“Cho phép các trường hợp ưu tiên xử lý nhanh hồ sơ cấp giấy phép lao động đối với các dự án có tác động lớn, có khoản đầu tư lớn hoặc dự án có hồ sơ tuân thủ tốt giúp giảm thời gian chờ đợi và cho phép các giám đốc điều hành và chuyên gia bắt đầu công việc một cách nhanh chóng. Ngoài các vấn đề về giấy phép lao động, việc xem xét các quy trình hành chính khác cũng rất cấp thiết, đặc biệt là sự thống nhất trong quy trình cấp thị thực và thẻ tạm trú giữa các tỉnh thành. Việc diễn giải pháp luật nhất quán giữa các cơ quan cấp tỉnh sẽ đảm bảo giảm thiểu sự chậm trễ trong hoạt động của các doanh nghiệp ở nhiều địa phương.”, ông Colin Blackwell chia sẻ thêm.

Ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, ông Võ Văn Hoan cho biết, UBND sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát lại quy trình, thủ tục hành chính cấp phép đầu tư, cấp giấy phép lao động. Với các vấn đề thuộc khung khổ quy định chung, Tp. Hồ Chí Minh sẽ sớm kiến nghị với bộ, ngành để xem xét điều chỉnh kịp thời.

Ông Võ Văn Hoan cho biết: Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành "Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 – 2030"; xây dựng các định hướng và chính sách nhằm tạo động lực cho tăng trưởng bền vững, tối ưu hóa kinh tế, công nghệ và năng lượng. Những thách thức về hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, chuyển đổi năng lượng mà cộng đồng doanh nghiệp đề cập đã được thành phố và các địa phương nhận diện và đang nỗ lực cải thiện. Tp. Hồ Chí Minh và các địa phương mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm và chủ động tham gia vào việc xây dựng hạ tầng cũng như kiến tạo hệ sinh thái kinh tế ở khu vực phía Nam vì sự phát triển bền vững của đôi bên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục