Những thách thức cho thủy sản Việt Nam những tháng cuối năm

15:13' - 28/08/2019
BNEWS Mặc dù tình hình xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi nhẹ nhưng ngành thủy sản Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm 2019.
Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất của Việt Nam trong những năm đổi mới. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN

Đây là nhận định của nhiều doanh nghiệp tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức tại Tp.Hồ Chí Minh, ngày 28/8.

Ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP cho biết, năm 2018 xuất khẩu thủy sản đạt gần 9 tỷ USD, đây là động lực để VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản giảm gần 2% so với cùng kỳ năm 2018; sang tháng 7 tình hình xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi nhẹ đưa tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7 tháng đầu năm 2019 đạt 4,7 tỷ USD, gần tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường, xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có xu hướng trăng trưởng mạnh, Mỹ và Nhật Bản tăng trưởng khá trong khi xuất khẩu sang EU và Hàn Quốc tiếp tục giảm.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu 2 sản phẩm chủ lực là tôm và cá tra đều giảm, đặc biệt sự sụt giảm sâu của ngành tôm (giảm 8% so với cùng kỳ năm 2018) là một thách thức lớn cho tăng trưởng toàn ngành.

Theo ông Ngô Văn Ích, chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam mặc dù lớn mạnh và phát triển liên tục nhưng vẫn chưa thoát khỏi một quốc gia cung cấp nguyên liệu đơn thuần.

Minh chứng với tôm và cá tra là hai mặt hàng xuất khẩu chính, chiếm đến 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nhưng mới chỉ có 25% sản phẩm tôm xuất khẩu và 10% sản phẩm cá tra xuất khẩu có giá trị gia tăng.

Thêm vào đó, thủy sản Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cho sản phẩm chủ lực do đó sản phẩm thủy sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào biến động thị trường, lợi nhuận thấp và chịu sức ép cạnh tranh lớn.

Một thách thức lớn trong nội lực thủy sản Việt Nam là chưa chủ động được nguồn nguyên liệu. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP phân tích, Việt Nam là nước có thế mạnh về nuôi trồng và khai thác thủy sản nhưng hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Trong năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 1,7 tỷ USD nguyên liệu thủy sản.

Nguyên nhân là do sự biến động của thị trường và kết quả dự báo nguồn nguyên liệu cung cấp cho chế biến thủy sản chưa chính xác, dẫn đến mất cân đối cung cầu.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH thủy sản Minh Phú (Hậu Giang ). Ảnh: TTXVN

Mặt khác ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh cũng khiến nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt. Mặc dù vấn đề con giống đã được quan tâm hơn trước nhưng kỹ thuật sản xuất giống chưa được cải thiện, chất lượng con giống bố mẹ không đảm bảo, sức đề kháng yếu dẫn đến dễ nhiễm bệnh, gây mất ổn định về nguồn nguyên liệu trong nước.

Việc phải nhập khẩu số lượng lớn nguồn nguyên liệu sản xuất và thức ăn chăn nuôi thủy sản khiến giá thành thủy sản Việt Nam cao, khó cạnh tranh và phụ thuộc vào sự lên xuống của giá nguyên liệu.

Trong khi đó, hiện nay công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh, Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa.

Với nguồn cung tương đối phong phú nên người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn hơn dẫn đến thủy sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt cả về giá và chất lượng.

Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD giảm 3% so với năm 2018.

Trong bối cảnh đó, ông Trương Đình Hòe cho biết, VASEP sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn thông qua việc vận động chính sách liên quan đến quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị thủy sản; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại như thuế chống bán phá giá, khắc phục thẻ vàng IUU…

Song song đó, VASEP cũng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho thủy sản Việt Nam với mục tiêu giữ vững các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Đông và Trung Quốc, từng bước xây dựng, củng cố thương hiệu cho các phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ.

Về lâu dài, hiệp hội phối hợp với các bộ ngành nâng cao chất lượng dự báo, phân tích thị trường để doanh nghiệp có chiến lược sản xuất, chế biến và xuất khẩu hiệu quả hơn.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản, đáp ứng tốt hơn yêu cầu truy xuất nguồn gốc, phát triển bền vững để sẵn sàng tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục