Giải phóng mặt bằng công trình lưới điện - Bài 1: Nguy cơ chậm tiến độ
Bởi đặc thù đường dây đi qua nhiều địa phương, nhiều địa hình khác nhau và mỗi địa phương lại áp dụng đơn giá bồi thường khác nhau nên công tác đền bù giải phóng mặt bằng luôn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trên thực tế, nhiều công trình lưới điện cấp bách và đồng bộ đảm bảo cấp điện an toàn và ổn định cho miền Nam vào những năm tới đang có nguy cơ chậm tiến độ mà nguyên nhân chính là do chưa giải quyết được mặt bằng.
Đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2 là một trong những dự án lưới điện trọng điểm, cấp bách thuộc Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia và Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2020.
Công trình có tổng chiều dài 140,03 km đi qua địa bàn 9 huyện và thành phố bao gồm các huyện: Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) và các huyện: Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức, Tân Thành, thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Tổng mức đầu tư xây dựng dự án là 1.236,54 tỷ đồng, do Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVN NPT) làm chủ đầu tư và giao cho Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung quản lý dự án.
Trong quá trình triển khai dự án, mặc dù Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan bám sát, tập trung điều hành nhằm đảm bảo tiến độ được giao nhưng do gặp nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên tiến độ dự án đang bị chậm so với kế hoạch.
Đánh giá của Ban quản lý dự án tính đến ngày 5/7 cho thấy, phần móng đã kê kiểm toàn bộ 351 vị trí; trong đó, tỉnh Bình Thuận là 189 vị trí và Bà Rịa-Vũng Tàu là 162 VT. Đồng thời Ban đã bàn giao mặt bằng thi công 349 vị trí, còn vướng mắc 2 vị trí 188, 189 thuộc địa bàn xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận thuộc phạm vi sử dụng đất của ông Nguyễn Ngọc Oánh.
Về phần hành lang tuyến, Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung cho biết, về phía tỉnh Bình Thuận, các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết đã bồi thường giải phóng mặt bằng xong. Riêng huyện Hàm Tân đã trả tiền đền bù cho 352 hộ. Còn 4 hộ chưa nhận tiền và yêu cầu đền bù thu hồi đất.
Đối với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, huyện Xuyên Mộc đã trả tiền đền bù cho 124 hộ. Còn 14 hộ chưa nhận tiền bồi thường do yêu cầu bồi thường ngoài chế độ chính sách của Nhà nước. UBND huyện đang hoàn tất thủ tục để bảo vệ thi công trong đầu tháng 7 /2016, song song với tiếp tục vận động để thi công.
Các huyện Đất Đỏ, Châu Đức đã chi trả tiền tạm ứng xong. Riêng thành phố Bà Rịa, đã trả tiền bồi thường cho 174 hộ. Còn 23 hộ đang tiếp tục vận động chi trả tiền để thi công kéo dây. Huyện Tân Thành cũng đã trả tiền cho 230/326 hộ.
Các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng hành lang tuyến tại dự án này theo nhận định của Ban Quản lý dự án các công trình điện Miền Trung tập trung vào các hộ trong diện bồi thường chưa cho kéo dây và yêu cầu hỗ trợ thêm tiền ngoài chính sách; do điều chỉnh vị trí móng nên thay đổi tuyến phải kiểm kê lại số hộ dân; do UBND tỉnh đang xem xét để cho chủ trương đơn giá hỗ trợ đối với hộ nuôi yến.
UBND huyện Hàm Tân sẽ tổ chức đối thoại lần cuối tại 14 khoảng néo còn vướng trước khi bảo vệ thi công trong thời gian từ ngày 12-20/7 này. Riêng khoảng néo 301-302 còn 1 hộ chưa nhận tiền đền bù do đang tranh chấp đất nên CPMB đã chuyển tiền cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Bà Rịa và chờ UBND thành phố xem xét, giải quyết số tiền này.
Do vậy, với thực tế giải phóng mặt bằng này, các đơn vị thi công mới đúc móng 348/351 vị trí; Dựng cột 346/351 vị trí; Kéo dây khoảng 81% khối lượng. Hiện dự án đã đóng điện đoạn từ trạm biến áp 220kV Phan Thiết đến vị trí 150 rẽ vào trạm biến áp 220kV Hàm Tân (dài 58,79km).
Ông Đặng Đình Toan, Đội trưởng đội thi công Chi nhánh Sông Đà 11.5 (Công ty CP Sông Đà 11) đang kéo dây khoảng néo 317-318 thuộc xã Tân Hải, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Chi nhánh đảm nhiệm 53 vị trí móng của đường dây với tổng chiều dài khoảng 32km.
Đến đầu tháng 7 này, 100% móng đã thi công xong, Riêng vị trí 316, 316a vừa giải quyết đền bù xong phần móng. Một số vị trí móng như 287-291; 310-317 còn vướng đền bù hành lang tuyến nên chưa thể kéo dây.
“Tiến độ hiện nay đang phụ thuộc vào khâu giải phóng mặt bằng”, Đội trưởng đội thi công Chi nhánh Sông Đà 11.5 chia sẻ.
Những khó khăn, vướng mắc trên làm tiến độ đóng điện của dự án kéo dài dự kiến từ cuối năm 2015 đến tháng 6/2016 mới đóng điện được đoạn đường dây từ Phan Thiết đến Hàm Tân dài 58,79km, làm ảnh hưởng đến mục tiêu của dự án là truyền tải công suất từ các nhà máy điện Vĩnh Tân 2 và Sơn Mỹ vào hệ thống điện Quốc gia. Từ đó, tạo liên kết lưới điện 220kV khu vực duyên hải Nam Trung bộ và Nam bộ ... giai đoạn từ năm 2015.
“Với thực tế này thì trong tháng 7 mới kéo được dây và quý 3 năm nay, phải thật quyết tâm mới hoàn thành dự án.” Phó Phòng đền bù Lê Đức Ngọc cho hay.
Ông Châu Anh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý xây dựng EVN NPT cho biết, việc chậm đóng điện các công trình truyền tải điện sẽ gây thiệt hại rất lớn đến độ tin cậy cung cấp điện, ảnh hưởng lớn đến tổn thất trên lưới điện truyền tải.
Theo ông Châu Anh Tuấn, những năm trước đây, có những công trình bị chậm đóng điện đến 3 năm do chờ đợi mặt bằng thi công như các công trình đường dây 220 kV Vân Trì-Chèm, đường dây 220 kV Hà Đông-Thành Công.
Thậm chí rất nhiều công trình phải xin công điện từ Chính phủ mới có thể thúc đẩy được quá trình thực hiện thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng tại các địa phương như các công trình đường dây 500 kV Phú Mỹ - Sông Mây, Sông Mây-Tân Định…
Riêng tổng kết thực hiện kế hoạch đóng điện 6 tháng đầu năm 2016 của EVN NPT cũng đã thấy có đến 5 dự án bị chậm do khó khăn trong công tác này. Trong đó, đường dây 220 kV Bảo Thắng Yên Bái, hiện nay công trình đã thi công dựng xong cột trên toàn tuyến, đã kéo được 99km đường dây, nhưng vẫn còn 20 km nữa vẫn chưa thể kéo dây do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hành lang tuyến nên công trình đã chậm đóng điện gần 1 năm nay.
Hay như dự án Cải tạo đường dây 220 kV Phú Lâm-Cai Lây 2 (đoạn Phú Lâm-Long An). Do vướng giải phóng mặt bằng 1 vị trí cột mà đơn vị quản lý dự án đã tốn rất nhiều thời gian làm việc với các cấp chỉnh quyền địa phương để đến cuối tháng 6 vừa qua mới có thể bàn giao được mặt bằng vị trí cuối cùng này. Do đó, dự án không thể đóng điện đúng kế hoạch.
Đường dây 220 kV Cầu Bông-Hóc Môn-Rẽ Bình Tân cũng vậy. Công trình tuy chỉ có qui mô 15,9 km theo tiến độ phải đóng điện từ năm 2015, nhưng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng quá chậm, đến cuối tháng 5, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố Hồ Chí Minh, các huyện Củ Chi, Bình Tân và Quận 12 mới hoàn thành được các phương án bồi thường, vì vậy công trình sẽ phải đóng điện chậm gần 1 năm.
Đường dây 220 kV Hòa Khánh - Huế cũng trong tình trạng tương tự. Công trình có tiến độ đóng điện được duyệt là tháng 1/2016 nhưng hiện tại mới kéo dây xong 77,6 km, còn 4,5 km thuộc địa phận huyện Hòa Vang, huyện Liên Chiểu vẫn chưa thực hiện xong công tác kiểm đếm nên chưa thể có hành lang kéo dây.
Do đó, công trình này có thể phải chậm đóng điện đến tháng 8/2016. /.
Đón đọc: Bài 2: Vướng do đâu?
Tin liên quan
-
Chuyển động DN
Hoàn thành mục tiêu chống lũ 4 dự án thủy điện
08:30' - 10/07/2016
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn đã hoàn thành mục tiêu chống lũ năm 2016 của 4 dự án thủy điện là Huội Quảng, Lai Châu, Trung Sơn và Thác Mơ mở rộng.
-
Kinh tế Việt Nam
Các chỉ số độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục cải thiện
08:30' - 09/07/2016
Tính chung toàn Tập đoàn, tổng thời gian mất điện khách hàng bình quân (SAIDI) là 806 phút, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2015
-
Kinh tế Việt Nam
EVN được tham gia lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn xây dựng điện
20:39' - 07/07/2016
Các đơn vị tư vấn đầu tư xây dựng điện thuộc EVN và các doanh nghiệp thành viên của EVN được phép tham gia quá trình lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu thuộc các dự án do EVN
Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích doanh nghiệp
Chuyển mình khó khăn của doanh nghiệp thép
13:23' - 07/11/2024
Nhu cầu về tôn mạ và ống thép tăng cao cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu đã giúp các doanh nghiệp trong ngành có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng vượt trội trong quý III năm nay.