Giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp gặp khó khăn gì?

08:09' - 24/04/2022
BNEWS Việc giải quyết chế độ TNLĐ, BNN hiện nay không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, BNN.

Theo đánh giá của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) có những mặt thuận lợi như công nghệ thông tin được đưa vào ứng dụng trong giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN.

Phần mềm Xét duyệt chính sách với trên 250 chức năng, liên thông dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác đáp ứng toàn bộ quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Hệ thống giao dịch điện tử được quản lý tập trung, thống nhất đảm bảo việc giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với người lao động được nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

Công tác chi trả các chế độ TNLĐ, BNN được thực hiện kịp thời, theo đúng theo quy định của pháp luật. Các hình thức chi trả đa dạng cùng với việc đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt cũng có những thuận lợi nhất định. Việc triển khai có sự phối hợp từ các cơ quan thông tấn, báo chí, các bộ, ngành có liên quan, thực hiện lồng ghép linh hoạt với công tác tuyên truyền. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 vừa qua, việc chi trả qua tài khoản thẻ ATM đã giúp người hưởng hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn và giãn cách xã hội theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được các cấp, các ngành phổ biến kịp thời đến đơn vị sử dụng lao động và người lao động; cơ quan BHXH tại địa phương luôn chủ động biên soạn tài liệu tuyên truyền đồng thời triển khai thực hiện phổ biến thông tin phù hợp đến các doanh nghiệp có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN.

Đặc biệt trong tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hàng năm, hoạt động thông tin, tuyên truyền được tăng cường dưới nhiều hình thức như: Băng rôn, khẩu hiệu, panô, áp phích; trên hệ thống truyền thanh, thông tin đại chúng, bảng tin; lồng ghép trong các hội nghị, tổ chức truyền thông trực tiếp, tuyên truyền qua đội ngũ báo cáo viên và cổng thông tin điện tử của các đơn vị ... giúp nâng cao nhận thức cho các đối tượng liên quan về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động.

Tuy nhiên, việc giải quyết chế độ TNLĐ, BNN có những hạn chế như hiện nay không có quy định ràng buộc trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành trong việc thanh tra, kiểm tra công tác điều tra, kết luận các vụ TNLĐ, BNN. Hầu hết các trường hợp bất hợp lý được xem xét lại đều trên cơ sở ý kiến phản hồi từ cơ quan BHXH, người lao động hoặc cá nhân liên quan; đoàn điều tra TNLĐ không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm pháp lý gì khi kết luận điều tra không đúng.

Vì vậy, cần thiết phải xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ kèm theo các chế tài nghiêm khắc (như trách nhiệm bồi thường cho đơn vị, quỹ BHXH trong trường hợp kết luận không đúng...) để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật trong lĩnh vực này. 

Vẫn còn tình trạng người sử dụng lao động cố tình né tránh, chậm trễ trong việc đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ đối với người lao động, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau do thủ tục đơn giản hơn. Khi người lao động khiếu nại thì mới đề nghị cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục để giải quyết chế độ TNLĐ.

Các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm đến các chế độ về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN. Vì vậy, quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo.

Thực trạng số lượng không nhỏ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, bộ phận này phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động, nguy cơ cao mất an toàn lao động. Do số lao động này lại không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN nên khi xảy ra TNLĐ, BNN họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống, sinh hoạt bản thân. 

Người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hàng tháng qua ATM chỉ tập trung ở khu vực đô thị, tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa hạ tầng cơ sở phục vụ chưa đáp ứng được nên số người hưởng qua tài khoản cá nhân còn thấp. Mặt khác, hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM, dẫn đến cơ quan BHXH không có thông tin kịp thời khi người hưởng là chủ thẻ ATM từ trần, khó thu hồi tiền đã chi cho những tháng sau khi người hưởng từ trần.

Trong quá trình triển khai và thực hiện chính sách về chế độ TNLĐ, BNN, BHXH Việt Nam đã báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội các nội dung vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BLĐTBXH ngày 20/9/2017, cũng như tham gia ý kiến đóng góp đối với dự thảo Thông tư số 28/2001/TT- BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên, một số tồn tại trong thực tiễn chưa được khắc phục tại Thông tư số 28/2001/TT- BLĐTBXH, vẫn tiếp tục là những vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị, để phòng, tránh lạm dụng chế độ, chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN đề nghị quy định rõ trách nhiệm của người sử dụng lao động trong lập biên bản điều tra, xác nhận TNLĐ, việc lưu trữ hồ sơ, cơ sở dữ liệu gốc ... cần đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch hóa và thuận tiện cho khai thác phục vụ cơ quan quản lý khi có yêu cầu hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về mục tiêu, ý nghĩa của chế độ TNLĐ, BNN; Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phối hợp và chia sẻ dữ liệu có liên quan về chế độ TNLĐ, BNN giữa các cơ quan có thẩm quyền và cơ quan BHXH, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi trong giải quyết và kiểm tra, giám sát việc giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục