Sẽ sửa đổi chính sách về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

07:00' - 11/04/2022
BNEWS Trong thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về an toàn vệ sinh lao động, tập trung vào sửa đổi chính sách về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí về Tháng hành động an toàn vệ sinh an lao động cũng như chế độ, chính sách hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động. 

- Phóng viên (PV): Thưa thứ trưởng, trong bối cảnh hiện nay vì sao vấn đề là cải thiện điều kiện lao động lại trở nên cấp thiết?

- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Chúng ta biết rằng đại dịch COVID-19, đặc biệt từ năm 2020 đến nay, đã ảnh hưởng hết sức nặng nề làm thay đổi rất nhiều về điều kiện làm việc, cũng do dịch bệnh nên việc quan tâm điều kiện làm việc có lúc chưa được đúng mức. Chính vì thế, chúng ta phải quan tâm, cải thiện đến việc cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa rủi ro về tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp để từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, chăm lo sức khỏe của người lao động.

- PV: Năm nay, tháng hành động an toàn vệ sinh lao động thì có điểm gì khác và có mục tiêu nào mà ban chỉ đạo đang hướng tới đặc biệt khác so với thời gian kiểm soát dịch COVID-19?

- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Tháng hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2022 có nhiều điểm mới. Sau dịch COVID-19, chúng ta đã thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả, trong khi điều kiện lao động có thay đổi, chúng ta tăng cường giảm thiểu rủi ro tai nạn lao động và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Năm nay sẽ làm quyết liệt hơn, mạnh hơn để điều kiện làm việc của người lao động tốt hơn.

- PV: Xin Thứ trưởng cho biết chính sách giải quyết hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động để họ vơi bớt khó khăn?

- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Chính sách đã có rồi, chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường hoàn thiện chính sách chế độ về tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp là nguồn chính để hỗ trợ cho những người bị tai nạn lao động và nhân nhân của họ. Theo quy định của luật, điều kiện mức hỗ trợ có mức độ nên chúng ta sẽ đánh giá nghiên cứu theo hướng nâng mức hỗ trợ người bị tai nạn lao động và thân nhân của họ cao hơn để đúng với ý nghĩa an sinh xã hội.

- PV: Vậy việc mở rộng áp dụng cho đối tượng lao động ở khu vực không có quan hệ lao động, chúng ta đã tính đến chưa thưa Thứ trưởng?

- Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu về bảo hiểm tự nguyện cho người lao động không có quan hệ lao động, xây dựng một nghị định về bảo hiểm tự nguyện tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp để những người không có quan hệ lao động có thể đóng vào quỹ và được hưởng như người có quan hệ lao động.

 Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Trong thời gian tới chúng ta sẽ tập trung vào các giải pháp trọng tâm về công tác an toàn vệ sinh lao động, trước tiên, thực hiện tổng kết 5 năm triển khai luật an toàn vệ sinh lao động, tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách về an toàn vệ sinh lao động, theo hướng tập trung vào sửa đổi chế độ chính sách về quỹ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, nâng mức hỗ trợ cho người lao động và gia đình nhân thân của họ. Đồng thời khai thác hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Thứ hai, các bộ ngành địa phương xây dựng và ưu tiên nguồn lực triển khai hiệu quả chương trình quốc gia về an toàn vệ sinh lao động 2021-2025 trong đó chú trọng đến hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cải thiện điều kiện làm việc chăm sóc sức khỏe của người lao động và phòng ngừa tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến và ứng dụng công nghệ số để quản lý rủi ro. 

Thứ ba là chúng ta tăng cường công tác truyền thông thông tin tư vấn huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, trong đó chú trọng vào đối tượng người lao động không có quan hệ lao động. 

Thứ tư là chúng ta tăng cường đối thoại với doanh nghiệp người lao động, luôn lắng nghe tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp và người lao động 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục