Lý do giảm số người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

16:08' - 23/04/2022
BNEWS Việc số người hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm có nguyên nhân do tác động từ diễn biễn dịch COVID - 19.

Theo báo cáo mới được Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố, trong năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) năm 2021 TNLĐ, BNN hằng tháng đối với 2.378 người, giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần đối với 4.737 người.

 

Trung bình mỗi tháng giải quyết đối với gần 200 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng và giải quyết đối với gần 400 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần.

Số người giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN trong năm 2021 có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2020, cụ thể: Số người giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng giảm 11% và giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần giảm 17%.

Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN một lần năm 2021 là 180 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020 tương ứng với giảm 22,3 tỷ đồng.

Tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng tính đến hết năm 2021 là 697 tỷ đồng, trong đó, số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng năm 2021 là 2,5 tỷ đồng, giảm 12% so với năm 2020 tương ứng giảm 254 triệu đồng.

Tổng số tiền hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro, chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là 1.1 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2020 tương ứng khoảng 400 triệu đồng.

Việc số người hưởng chế độ TNLĐ, BNN năm 2021 giảm so với cùng kỳ năm trước có một phần nguyên nhân do tình hình dịch COVID - 19 làm giảm số người đi khám giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động do TNLĐ, BNN.

Bên cạnh đó, số lượng các đơn vị ngừng hoạt động, cắt giảm số lượng nhân công do dịch bệnh COVID - 19 cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến số người hưởng chế độ TNLĐ, BNN trong năm 2021.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2021 trên toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) (giảm 1.876 vụ, tương ứng với 22,4% so với năm 2020) làm 6.658 người bị nạn (giảm 1.952 người, tương ứng với 22,67% so với năm 2020) (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Tình hình TNLĐ năm 2021 trong khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động giảm so với năm 2020 cả về số người chết và số vụ TNLĐ chết người.

Đa số các vụ TNLĐ đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; số biên bản nhận được chỉ chiếm 23,5 % tổng số vụ TNLĐ chết người.

Trong năm 2021, Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Thọ, Lai Châu, Quảng Ngãi là những địa phương báo cáo kịp thời biên bản điều tra TNLĐ theo quy định về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp theo dõi. 

Trong năm 2021, 63/63 địa phương đã thực hiện việc báo cáo tình hình TNLĐ theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ. Một số địa phương báo cáo chậm: Kon Tum, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu.

Tỷ lệ báo cáo của các doanh nghiệp về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn thấp, mới có khoảng 5,31% doanh nghiệp báo cáo về tình hình TNLĐ. Số doanh nghiệp chấp hành báo cáo tình hình TNLĐ chưa đầy đủ. Do vậy, việc tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ trên toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn. 

Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do TNLĐ xảy ra như sau: chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương,... là trên 3.954 tỷ đồng (giảm 2.049 tỷ đồng so với năm 2020); thiệt hại về tài sản trên 18 tỷ đồng (tăng 14,117 tỷ đồng so với năm 2020); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 116.377 ngày (giảm 33.947 ngày so với năm 2020)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục