Giải quyết đầu ra nông sản - Bài cuối: Chiến lược phát triển dài hơi

10:57' - 20/03/2020
BNEWS Việc xuất khẩu sản phẩm rau quả, nông sản tươi sẽ gặp khó nhưng sản phẩm chế biến như đồ hộp, đông lạnh, rau củ sấy sẽ được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường nhờ tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng.

Mặc dù những mô hình, ý tưởng đưa nông sản vào các sản phẩm truyền thống của một số doanh nghiệp thực phẩm đã tạo nên tín hiệu lạc quan nhưng khó có thể tiêu thụ hết lượng nông sản tồn đọng hiện tại và bao tiêu được toàn bộ nông sản sản xuất thời gian tới.

Do đó, chìa khóa giải quyết đầu ra lâu dài cho nông sản phải là thúc đẩy tiêu thụ nội địa và đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến một cách bài bản.

Tổ chức sản xuất – tiêu thụ hợp lý

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nhu cầu tiêu thụ nông sản, rau quả trong nước là rất lớn nhưng do hiệu ứng từ quá trình hội nhập vẫn có hiện tượng doanh nghiệp mải mê với xuất khẩu mà ít quan tâm tới thị trường trong nước.

Đến khi xuất khẩu gặp vấn đề mới loay hoay tìm về sân nhà thì đã phải cạnh tranh với rất nhiều sản phẩm ngoại nhập.

"Người sản xuất và cả doanh nghiệp thương mại cần thay đổi quan niệm cho rằng thị trường trong nước là thị trường "dễ tính", yêu cầu chất lượng thấp.

Thực tế hiện nay người dân rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm và có nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng cao, đó là lý do ngày càng nhiều sản phẩm nhập khẩu được ưa chuộng", ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, nhu cầu tiêu dùng ở một số thị trường giảm cục bộ do việc giao thương bị hạn chế, các địa phương cần tổ chức sản xuất theo hình thức rải vụ, áp dụng các kỹ thuật để điều tiết cân đối nguồn cung hợp lý.

Ví dụ như cây thanh long rất dễ để điều tiết sản lượng, mùa vụ theo chu kỳ chiếu đèn, tùy vào nhu cầu thị trường cần tổ chức chiếu đèn luân phiên để cân đối cung cầu, giữ được giá bán và lợi nhuận cho người nông dân.

Nhưng việc rải vụ, điều tiết sản xuất phải được phối hợp thực hiện giữa nhiều địa phương mới mang lại hiệu quả cao.

Thông tin về tiềm năng tiêu thụ trong nước, ông Nguyễn Vũ Toàn, Giám đốc kinh doanh hàng Thực phẩm Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, nhu cầu sử dụng rau củ quả của người dân Việt Nam ngày càng tăng.

Trung bình, mỗi ngày hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm của Saigon Co.op ghi nhận mức tiêu thụ hơn 200 tấn rau củ quả.

Nếu cộng dồn khối lượng tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị bán lẻ khác thì con số sẽ cao hơn nhiều lần, nhưng số lượng này cũng mới phản ánh khoảng 15 -20% tổng nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa vì kênh phân phối chợ truyền thống vẫn đang chiếm hơn 80% thị phần.

Tuy nhiên, việc kết nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam vẫn đang gặp nhiều thách thức, cụ thể, phần lớn nông sản được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún nên thiếu sự đồng đều và khó kiểm soát được chất lượng.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cả chủ động và bị động vẫn còn phổ biến khiến nông sản không đủ tiêu chuẩn tiếp cận các hệ thống phân phối hiện đại và làm giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người dân đổ xô sản xuất theo phong trào một vài loại cây trồng mà không quan tâm đến đầu ra khiến sản lượng tăng vọt, cung vượt cầu, nông sản rớt giá.

Do đó, muốn thúc đẩy tiêu thụ nội địa, nông dân, doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất hợp lý, dựa trên nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường, đảm bảo sự đồng đều và ổn đinh về chất lượng cũng như sản lượng; phải cắt giảm được chi phí trung gian trong việc thu mua, vận chuyển, bảo quản thì nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh với nông sản nhập khẩu.

Đầu tư tương xứng cho chế biến

Bộ Công Thương dự báo, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu các sản phẩm rau quả, nông sản tươi sẽ gặp khó khăn nhưng sản phẩm chế biến như đồ hộp, đông lạnh, rau củ sấy sẽ được tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường trong thời gian tới nhờ tiện lợi trong vận chuyển và tiêu dùng.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nêu thực tế, hiện nay tỷ lệ rau quả chế biến của Việt Nam mới chiếm khoảng 5% tổng sản lượng trồng được.

Mặc dù công suất thiết kế các nhà máy chế biến có thể đạt 10% nhưng do nguồn nguyên liệu không tập trung, giá cả và chất lượng nguyên liệu không ổn định nên chưa vận hành hết công suất.

"Chế biến nông sản của Việt Nam đang rất yếu vì chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn đã đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại thì lại chưa có sự tương thích giữa cơ sở chế biến với vùng nguyên liệu. Nhà máy chế biến chỉ có thể đặt cố định một chỗ nhưng vùng nguyên liệu lại phân tán trên diện rộng khiến việc thu mua nguyên liệu từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ rất khó khăn. Điều này dẫn đến tình trạng khập khiễng khi chưa có nhà máy thì nông sản dư thừa không có nơi tiêu thụ nhưng khi đầu tư xây dựng nhà máy công suất lớn lại không đủ nguyên liệu để chế biến", ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) nêu vấn đề, khi sản xuất đạt đến quy mô nhất định thì việc thu mua, tiêu thụ nông sản tươi không thể đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân.

Điển hình như tại Đồng Nai, dù các hợp tác xã có ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp thương mại nhưng khi vào vụ thu hoạch chính sầu riêng, chôm chôm, bơ…vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ do doanh nghiệp thu mua không kịp.

Thực tế là doanh nghiệp thu mua không có kho bảo quản, không có cơ sở chế biến mà chỉ thu gom phân phối, xuất khẩu tươi.

Ngược lại, cũng vì thiếu kho dự trữ, bảo quản mà nhiều nhà máy chế biến chỉ hoạt động đúng công suất trong thời điểm thu hoạch chính vụ. Điều này khiến hiệu suất vận hành thấp, chi phí vận hành, khấu hao dây chuyền tăng lên.

Chính vì vậy, các chuyên gia nhấn mạnh, để giải quyết các bất cập trên, thúc đẩy công nghiệp chế biến phát triển, ngành nông nghiệp cần tổ chức, quy hoạch lại họat động sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao; đồng thời, xây dựng các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản tại các khu vực có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi trong việc kết nối giao thông vận tải.

Song song đó, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các kho bảo quản đạt tiêu chuẩn, giúp điều tiết nguồn cung và duy trì nguồn nguyên liệu thường xuyên phục vụ phát triển chế biến sâu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục