Giải quyết sự bất hợp lý về chính sách thuế

17:16' - 22/07/2016
BNEWS Việc khó thu thuế đối với doanh nghiệp đa quốc gia có phát sinh thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử thương mại đang là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của DN Việt.
Thiếu công bằng trong chính sách thuế giữa DN Việt và DN đa quốc gia. Ảnh minh họa: Hoàng Hùng/TTXVN

Giao dịch điện tử thương mại có thể nói là lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp Việt đang nỗ lực hết mình để cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia trong việc chiếm thị phần khách hàng.

Tuy nhiên, qua quá trình hoạt động, việc khó thu thuế đối với doanh nghiệp đa quốc gia có phát sinh thu nhập từ hoạt động giao dịch điện tử thương mại tại Việt Nam đang là một trong những nguyên nhân làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Sự thiếu công bằng

Là đơn vị tiên phong tại Việt Nam trong việc cung cấp các nền tảng tiện ích cho điện thoại thông minh, hướng tới lĩnh vực: phát hành Game, Quảng cáo và Thanh toán, Công ty Cổ phần Appota hiện đang cộng tác với 15.000 đơn vị phân phối ứng dụng và có 30 triệu khách hàng sử dụng dịch vụ tính trên quy mô toàn thế giới.

Thế nhưng, công ty này cũng đang phải chịu những bất lợi nhất định do sự thiếu công bằng về chính sách thuế giữa doanh nghiệp Việt và doanh nghiệp đa quốc gia.

Chia sẻ về sự phát triển của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối di động tại Việt Nam, Giám đốc Marketing Công ty Cổ phần Appota, Đặng Thái Sơn cho rằng, với 50 triệu thuê bao internet và 35 triệu điện thoại thông minh, Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh hàng đầu châu Á. Đi kèm với đó là sự phát triển của ngành phân phối nội dung di động đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.

Theo ông Sơn, mô hình phân phối cũng có sự chuyển biến liên tục từ những hình thái phân phối đơn thuần ban đầu như kho, tải. Hiện đã xuất hiện nhiều các hình thức phân phối khác nhau tham gia toàn bộ hoặc một phần quá trình phân phối như: liên kết tiếp thị; ứng dụng trả thưởng, phân phối qua OTT, mạng xã hội.

Thị trường phân phối rất tiềm năng nhưng cũng đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp trong nước và cả từ công ty đa quốc gia như Google, Facebook, Apple. Chi phí phân phối nội dung số ngày càng lên cao theo thời gian, buộc doanh nghiệp phải có những cái nhìn tiên tiến về công nghệ và hướng tiếp cận khách hàng.

“Thay bằng trực tiếp coi các công ty đa quốc gia là đối thủ, công ty hợp tác với các công ty này để tận dụng lợi thế của họ. Bởi các công ty đa quốc gia sở hữu một lượng người dùng rất lớn, công nghệ phân phối vượt trội. Do vậy việc hợp tác với công ty nước ngoài là xu thế chung, giúp chính công ty mở rộng số lượng người dùng”, Giám đốc Appota cho biết.

Bên cạnh đó, trước sự cạnh tranh quyết liệt không chỉ với doanh nghiệp trong nước mà cả với doanh nghiệp đa quốc gia nên những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử đang phải tự “lột xác”.

Giám đốc Công ty Appota cho biết, công ty đang phải tự đổi mới mình bằng cách chuyển từ số lượng, sang chất lượng. Bên cạnh đó cũng đầu tư nghiên cứu khách hàng bởi hiểu về hành vi người tiêu dùng là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của các doanh nghiệp phân phối trong nước so với công ty nước ngoài. Công ty còn không ngừng sáng tạo, tiếp cận khách hàng theo nhiều hướng khác nhau; tạo cộng đồng người dùng theo hành vi, sở thích.

Chia sẻ quan điểm về dịch vụ taxi Uber (những xe ô tô tham gia dịch vụ vận tải hành khách sử dụng nền ứng dụng (phần mềm) do Uber cung cấp), Chủ tịch Đại lý Thuế Tâm Việt, Vũ Tiến Dũng thẳng thắn thừa nhận, kinh doanh theo hình thức Uber là mới, nên ngành thuế cũng chưa thể xoay kịp. Trong khi đó, bản chất của Uber là kinh doanh theo vốn cá nhân, tận dụng vốn có sẵn trong xã hội.

Hiện đối với kinh doanh theo hình thức Uber, trước khi khách hàng lên xe thì quãng đường và số tiền phải trả được cập nhật đầy đủ trên phần mềm ứng dụng này.

Để giải quyết sự thiếu công bằng trong chính sách thuế cần sự vào cuộc của cơ quan nhà nước. Ảnh minh họa: TTXVN

Các công ty phân phối Việt cũng có lợi thế khi cung cấp nhiều dịch vụ mang lại giá trị gia tăng: thanh toán nội địa, chăm sóc khách hàng, bản địa hóa ngôn ngữ.

Ngoài ra, ứng dụng phân phối bởi các công ty trong nước cũng được người tiêu dùng tin tưởng hơn khi có thể giải quyết bất kỳ thắc mắc và khiếu nại của khách hàng trong quá trình sử dụng ứng dụng.

Tuy nhiên, bất lợi ở chỗ là công nghệ thua kém các công ty đa quốc gia. Trong khi, các công ty đa quốc gia lại không chịu sự quản lý và đóng thuế từ nhà nước. Do đó họ có lợi thế cạnh tranh hơn các công ty phân phối ứng dụng trong nước.

Trước vấn đề này, ông Sơn cho rằng, nỗ lực nếu chỉ đến từ phía các doanh nghiệp là chưa đủ mà còn cần sự ủng hộ, trợ giúp từ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế. Hiện thị trường Việt Nam có rất nhiều công ty đa quốc gia tham gia trực tiếp hoặc một phân đoạn của quá trình phân phối nội dung số.

Cụ thể, 2 công ty Google (Alphabet) và Apple là 2 công ty đa quốc gia lớn nhất đang phân phối ứng dụng thông qua 2 kho tải nổi tiếng toàn cầu là Google Play và App Store.

Ngoài ra còn một số các đơn vị tham gia vào một phần của quá trình phân phối như Facebook, KakaoTalk. Họ đang tận dụng lợi thế có lượng người dùng lớn ở Việt Nam để đưa ra các sản phẩm Game/ứng dụng đến tay người tiêu dùng.

Mặc dù được “thi đấu” trên sân nhà nhưng doanh nghiệp Việt Nam đang phải mất hai lần thuế. Ví dụ trong lĩnh vực quảng cáo, để tìm kiếm người dùng ngay tại Việt Nam, các doanh nghiệp Việt thường hay phải sử dụng các dịch vụ từ công ty nước ngoài như Facebook, Google.

Ngoại trừ việc tuân thủ các quy định đóng thuế tại Việt Nam , các doanh nghiệp lại phải “cõng” thêm một khoản thuế là thuế nhà thầu cho các công ty nước ngoài (do họ không có trụ sở ở Việt Nam ).

Như vậy, các doanh nghiệp muốn quảng cáo ứng dụng qua Facebook, Google phải chịu những hai lần thuế. Nếu doanh nghiệp Việt Nam tuân thủ theo quy định hiện hành thì sẽ không có lợi nhuận và dẫn đến không thể hoạt động tiếp được.

Nói về vấn đề này, Chủ tịch Đại lý Thuế Tâm Việt, Vũ Tiến Dũng cho rằng, bản chất của ngành thuế chính là quản lý giữa con người và con người. Do vậy, khi thực tiễn phát sinh mới có thể đưa ra giải pháp. Vậy muốn quản lý được chỉ có cách là: thu trực tiếp.

Thu trực tiếp tức là thu qua tài khoản cá nhân và tài khoản doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có hoạt động, đặc biệt lại giao dịch điện tử đương nhiên là có tài khoản cá nhân, doanh nghiệp. Bài toán đặt ra chính là làm thế nào ngành thuế nắm được tài khoản của cá nhân và doanh nghiệp ?

Có như vậy, khi có phát sinh giao dịch qua tài khoản, doanh nghiệp, cá nhân có thuyết minh, giải trình nguồn gốc của số tiền đó. Làm như vậy, cơ quan thuế mới quản lý được tận gốc của vấn đề.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thẳn nêu ra, thông thường có phát sinh thu nhập từ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam tất yếu sẽ phải đóng thuế. Tuy nhiên, đây là phần thu nhập phát sinh từ hoạt động giao dịch điện tử thương mại, lẽ dĩ nhiên là vẫn có đầu vào và đầu ra.

Tuy nhiên, bài toán này sẽ được giải khi Bộ Tài chính và ngành thuế đưa ra được phương pháp thu hợp lý.

Nhưng thực tế cho thấy, để làm được điều này cần có một lộ trình nhất định. Việt Nam phải ưu tiên chi ngân sách để cán bộ quản lý lĩnh vực này có điều kiện học hỏi kinh nghiệm từ những quốc gia đã thực hiện thành công thu thuế của các công ty đa quốc gia. Từ đó mới có thể đưa ra giải pháp thu hợp lý với điều kiện của Việt Nam. /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục