Giải quyết thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may

13:27' - 28/07/2022
BNEWS Ngày 28/7, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hội thảo "Giải pháp chuyển đổi số cho thách thức về nguồn nhân lực ngành dệt may" tại Tp. Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chuỗi Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp Dệt May - Thiết bị và nguyên phụ liệu 2022 (SaigonTex và SaigonFabric 2022) đang diễn ra ở Trung tâm Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7.

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, hiện trạng ngành dệt may Việt Nam đối mặt với những thách thức như thiếu vải, chưa chủ động nguồn nguyên phụ liệu.

 

Doanh nghiệp trong ngành cũng thiên về xuất khẩu với tỷ lệ khoảng 80%, chưa chú trọng thị trường nội địa và chưa bán B2C (mô hình kinh doanh, sử dụng riêng trong lĩnh vực thương mại điện tử) trên thương mại điện tử.

Ngành dệt may Việt Nam còn làm gia công nhiều với tỷ lệ 60%, FOB (giá tại cửa khẩu bên nước của người bán) khoảng 25%-30%, ODM (nhà sản xuất thiết kế gốc) khoảng 9%.

Ngoài ra, logistics của ngành cũng gặp nhiều khó khăn như thiếu công rỗng, giá cước tăng cao và phụ thuộc vào các hãng tàu. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 80% toàn ngành, nên hạn chế tiếp cận vốn để đầu tư chuyển đối và đầu tư sản xuất xanh.

Bên cạnh đó, xu thế xanh hóa dệt may với sự tham gia của những thương hiệu may mặc toàn cầu đã đặt ngành trước thách thức mới, nhất là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, doanh nghiệp phải đáp ứng minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu sản xuất phải nội địa hóa; tuân thủ cam kết lao động và môi trường...

Dự báo trong thời gian tới, nguồn nhân lực không chỉ rất cạnh tranh trong nội bộ ngành giữa các doanh nghiệp, mà còn với những ngành nghề, lĩnh vực khác. Dịch COVID-19 đã thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam phải nội địa hóa và tìm kiếm chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu, nguồn nhân lực, chuyên gia nội địa...

Theo một số chuyên gia, chuyển đổi số trong ngành dệt may cần giải pháp thay đổi hoàn toàn cục diện và nâng cao vị thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hơn thế nữa, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, doanh nghiệp nào đủ tiềm lực và khả năng đầu tư thì đơn vị ấy thích ứng được với yêu cầu đa dạng nhãn hàng.

Điển hình, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa sẽ liên quan trực tiếp đến nguồn lực con người. Doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có tầm nhìn, tập trung đào tạo nguồn nhân lự và có khả năng thích ứng với chuyển đổi số.

Liên quan đến chuyển đổi số trong ngành dệt may, ông Phạm Xuân Trình, Giám đốc điều hành Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) chia sẻ, chuyển đổi số là một trong những vấn đề mà ngành dệt may tập trung thúc đẩy qua từng năm cùng với giải quyết năng suất, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm chi phí quản trị/vận hành...

Trong đó, kỹ thuật số và tự động hóa là nền tảng chuyển đổi số, giải quyết vấn đề công nghệ và lao động cho ngành dệt may.

Đây cũng là giải pháp doanh nghiệp ngành dệt may đã chuẩn bị và theo đuổi trong thời gian dài với chiến lược bền vững. Chuyển đổi số trong ngành dệt may Việt Nam đã ứng dụng công nghệ ghi nhận toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh, đồng thời hiện nay đang chuyển sang giai đoạn xử lý thông tin từ sản xuất đến toàn chuỗi cung ứng đến bán lẻ, người tiêu dùng.

Cụ thể, doanh nghiệp dệt may đã và đang ứng dụng công nghệ kiểm soát trực tuyến chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề nội tại như hệ thống kế toán, quản lý khách hàng...

Nếu trước đây, doanh nghiệp ngành dệt may dựa vào lợi thế nguồn lao động giá rẻ chưa chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ cao, thì hiện nay trước sức ép cạnh tranh giá nhân công đòi hỏi nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh phải chủ động tích luỹ nội lực đầu tư công nghệ./. 

>>Khó khăn nhưng xuất khẩu dệt may vẫn “nhắm” đích 43 tỷ USD

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục