Giảm 50% lệ phí trước bạ: Cú hích lớn cho thị trường ô tô nội địa

19:42' - 03/09/2024
BNEWS Việc giảm thuế trước bạ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng mà còn tạo động lực cho doanh số bán hàng của các hãng xe trong nước và lan tỏa đến các ngành liên quan khác.

Việc Chính phủ cho phép giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian 3 tháng (từ 1/9 đến 30/11/2024), không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng mà còn tạo động lực cho doanh số bán hàng của các hãng xe trong nước và lan tỏa đến các ngành liên quan khác.

Đây được xem là một trong những biện pháp kịp thời nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ các biến động toàn cầu.

* Kích thích nhu cầu mua sắm ô tô

Cụ thể, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP ngày 29/8/2024 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi sơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô mới sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký lần đầu. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024. Từ ngày 1/12/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện như cũ, ở mức từ 10 đến 12% giá trị xe.

 
Như vậy, đây là lần thứ tư, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng, nhưng lần này chỉ áp dụng trong 3 tháng thay vì 6 tháng như 3 lần trước đây.

Việc giảm lệ phí trước bạ từng được Chính phủ áp dụng 3 lần trước đây, mỗi lần 6 tháng, và đều mang lại kết quả tích cực cho thị trường ô tô nội địa. Cụ thể, lần đầu tiên được áp dụng vào nửa cuối năm 2020, doanh số xe lắp ráp trong nước tăng đột biến, đạt 398.177 xe, gấp đôi so với nửa đầu năm. Lần thứ hai, từ tháng 12/2021 đến tháng 5/2022, với doanh số đạt 232.192 xe trong nước, tăng trung bình 1,5 lần so với thời kỳ trước đó. Lần thứ ba, áp dụng vào nửa cuối năm 2023, đã giúp doanh số xe nội địa tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia trong ngành ô tô, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ lần này không chỉ đơn thuần là một biện pháp kích cầu ngắn hạn mà còn là một động thái chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Việc giảm chi phí ban đầu cho người tiêu dùng sẽ tạo ra một hiệu ứng lan tỏa lớn, từ đó kích thích nhu cầu mua sắm, thúc đẩy sản xuất và tạo ra nhiều việc làm. Đặc biệt, chính sách này đã nhận được sự đồng tình lớn từ cộng đồng người tiêu dùng, khi mà chi phí trước bạ luôn là một trong những gánh nặng tài chính đáng kể khi mua xe.

Tại thị trường ô tô Việt Nam, giá xe rẻ nhất là Kia Morning MT đang có giá bán 349 triệu đồng, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, mức giảm sẽ tương đương 17,45 triệu; và mẫu xe hạng sang như Mercedes-Benz E 300 AMG FL có giá 3,209 tỷ đồng, sẽ có mức giảm đến 192 triệu đồng. Với mức giảm như vậy và tùy theo địa phương áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 10% hoặc 12% nên sẽ giúp người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể.

Theo các chuyên gia, việc giảm một nửa lệ phí trước bạ lần này chắc chắn sẽ tạo ra cú hích mạnh mẽ cho thị trường, nhất là khi chỉ áp dụng trong 3 tháng cuối năm 2024. Đây có thể là cơ hội để các hãng xe và người tiêu dùng tận dụng chính sách này để đẩy mạnh doanh số và sở hữu những chiếc xe mong muốn với chi phí hợp lý hơn. Đặc biệt, mức phí trước bạ vốn được coi là một khoản tiền không nhỏ, khi chính sách này được áp dụng đủ để người tiêu dùng cân nhắc nâng cấp lên một phiên bản xe cao cấp hơn hoặc trang bị thêm các tùy chọn khác.

Ông Thế Đạt, một chuyên gia trong ngành ô tô đánh giá, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước sẽ góp phần kích thích nhu cầu mua sắm ô tô, đặc biệt là trong bối cảnh sức mua trên thị trường ô tô có dấu hiệu chững lại do tác động của lạm phát và khó khăn kinh tế. "Chính sách này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí ban đầu cho người mua xe, từ đó khuyến khích người tiêu dùng mạnh dạn hơn trong việc ra quyết định mua sắm", ông Đạt chia sẻ.

Bên cạnh đó, Nghị định này không chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng mà còn giúp các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cải thiện tình hình kinh doanh. "Khi nhu cầu tăng lên, các doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để duy trì và nâng cao sản xuất, tạo ra nhiều việc làm hơn và đóng góp tích cực vào GDP của quốc gia", ông Đạt cho hay.

* Tác động lan tỏa đến các ngành liên quan khác

Ngoài tác động trực tiếp đến thị trường ô tô, Nghị định 109/2024/NĐ-CP còn được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều tác động lan tỏa đến các ngành liên quan khác như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và ngành sản xuất phụ trợ.

Theo các chuyên gia tài chính, việc giảm lệ phí trước bạ sẽ thúc đẩy người tiêu dùng vay vốn để mua xe, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng và doanh thu cho các ngân hàng.

Bên cạnh đó, chính sách này có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền tích cực, không chỉ tăng trưởng doanh thu cho ngành ô tô mà còn tạo động lực cho các ngành công nghiệp phụ trợ, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển trong giai đoạn cuối năm.

Thực tế cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam trầm lắng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng xe đã chủ động điều chỉnh giá bán, ưu đãi lệ phí trước bạ không chỉ cho xe lắp ráp trong nước mà còn cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc hoặc giảm tiền trực tiếp cho khách hàng từ vài chục đến cả hàng trăm triệu đồng.

Đại diện Honda Việt Nam cho hay, trong những tháng cuối năm, với mục tiêu thúc đẩy thị trường xe trong nước, bên cạnh việc Chính phủ giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, Liên doanh này cũng điều chỉnh giá bán lẻ đề xuất mới áp dụng từ 1/9 cho xe sản xuất trong nước với mức giảm từ 40 - 80 triệu đồng cho xe City và CR-V; đồng thời từ ngày 7 đến hết ngày 30/9 hãng khuyến mại 50% lệ phí trước bạ cho xe nhập khẩu BR-V và HR-V, giảm 220 triệu đồng cho xe Accord…

Tương tự, cũng trong tháng 9 này, Mercedes-Benz Việt Nam ưu đãi cho khách hàng bằng việc giảm tiền mặt từ 130 triệu đến 250 triệu đồng đối với các mẫu sedan hạng sang cỡ trung E-Class; đồng thời điều chỉnh giá bán cho 3 dòng xe AMG, với mức giảm từ 182 - 490 triệu đồng.

Còn theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong 7 tháng qua đạt 163.804 xe, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng tính đến hết tháng 7/2024, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước đạt 81.637 xe, giảm 12% trong khi xe nhập khẩu là 82.167 xe, tăng 19% so với cùng kì năm ngoái…

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thị trường ô tô ảm đạm như trên, việc Chính phủ ban hành Nghị định 109/2024/NĐ-CP giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước là một quyết định có tầm ảnh hưởng lớn, không chỉ giúp kích cầu tiêu dùng mà còn hỗ trợ ngành sản xuất trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đặc biệt, để cạnh tranh với xe sản xuất lắp ráp trong nước, các dòng xe nhập khẩu cũng phải điều chỉnh lại giá bán hoặc có các chương trình khuyến mại, giảm giá tương đương để thu hút khách hàng. Qua đó, chính sách dù chỉ trong ngắn hạn nhưng người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi và tác động lan tỏa đến các ngành liên quan khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục