Giảm áp lực tiêu thụ khi nông sản hợp tác xã đến vụ

09:07' - 01/07/2023
BNEWS Đã có một thời gian khá dài nhiều loại nông sản của Việt Nam rơi vào cảnh nông sản dư thừa, ùn ứ

 

Khắc với những năm trước, năm nay tại khu vực cửa khẩu không còn tình trạng xe hàng kéo dài đợi thông quan, thị trường trong nước cũng không phải liên tiếp đón những “cơn mưa” hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Để khắc phục được tình trạng này, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống trong hoàn thiện chính sách, dự báo sớm thị trường còn có sự chủ động của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã nhằm khơi thông điểm nghẽn, mở rộng đầu ra cho sản phẩm.

Đã có một thời gian khá dài nhiều loại nông sản của Việt Nam rơi vào cảnh nông sản dư thừa, ùn ứ. Đơn cử như hành tím, thanh long, dưa hấu, củ cải, cà chua… Nhiều nơi, nông dân phải bán đổ bán tháo nông sản với giá 1.000 đồng/kg, thậm chí đổ bỏ vì không có người mua. Đáng buồn hơn, thực tế này lại tái đi diễn lại như một bài toán cũ chưa tìm được lời giải.

Là một trong những vựa rau nổi tiếng khu vực miền Bắc nhưng không ít lần hợp tác xã tại huyện Mê Linh (Hà Nội) rơi vào cảnh thừa cung và phải nhờ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm từ nhiều phía.

Lý giải nguyên nhân này, giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế thị trường tuy có những biến động khó lường nhưng khâu dự báo thị trường vẫn còn thiếu và yếu nên hợp tác xã vẫn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu và tiêu thụ ra sao.

 

Thực tế cho thấy, không phải hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là hộ cá thể nào cũng có thể tự nghiên cứu thị trường do không có điều kiện, năng lực để nghiên cứu phân tích thị trường thường xuyên, chính xác.

Vì thế, người dân tự sản xuất, tự mở rộng diện tích và bán hàng theo kinh nghiệm là chuyện phổ biến. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa một số sản phẩm nông nghiệp thường xuyên diễn ra, thậm chí nhiều sản phẩm phải kêu gọi hỗ trợ.

Mận là một trong những nông sản có thời gian thu hoạch ngắn nhưng sản lượng lớn. Dự báo sản lượng mận năm 2023 của tỉnh Sơn La khoảng 90.000 tấn. Nhiều năm liền, khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ xảy ra tình trạng tiêu thụ khó khăn, giá không cao.

Ông Đào Văn Lâm, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Vân Hồ tỉnh Sơn La cho biết, sản lượng mận hậu trên địa bàn tỉnh hàng năm rất lớn, quá trình chăm sóc của người dân rất vất vả nhưng khi đến mùa thu hoạch vẫn gặp tình trạng rớt giá, đầu ra bấp bênh. Đó là chưa kể có thời điểm, mận Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam làm ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng, giảm khả năng cạnh tranh trái mận địa phương.

Không chỉ với quả mận, hiện tại cũng là thời điểm thu hoạch của rất nhiều loại nông sản như vải, xoài, dưa lê, dưa bở, đào…ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Đơn cử như ở Tây Nguyên dự kiến sản lượng vải đạt khoảng 900.000 tấn và trùng với mùa thu hoạch vải ở Bắc Giang. Trong khi giá vải năm nay tại các vùng trồng lại giảm 40% so với năm ngoái (năm ngoái có thời điểm bán 130.000 đồng/kg).

Còn sản phẩm vải thiều khi vào vụ thu hoạch rộ chỉ trong vòng một tháng. Điều này không tránh khỏi tình trạng trượt giá. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, 1 tạ vải chỉ được tính khoảng 80 kg vì đơn vị thu mua trừ cân đầu chùm, vải rụng.

Nhằm giảm áp lực cho nông sản vào vụ, trung tuần tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Central Retail Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác với UBND tỉnh Bắc Giang về tiêu thụ vải thiều mùa vụ 2023.

Theo đó, Tập đoàn Central Retail Việt Nam phối hợp và xem xét đưa sản phẩm vải thiều và nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị GO!, Big C, Tops Market. Dự kiến, năm 2023, Central Retail Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 300 tấn vải thiều Lục Ngạn.

Tương tự, ngay những ngày đầu tháng 6, Tuần lễ Mận và nông sản Sơn La và các tỉnh, thành phố được tổ chức tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (Hà Nội).

Ông Nguyễn Đình Hướng - Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh, tỉnh Sơn La cho hay, ngay trong phiên khai mạc của Tuần lễ, doanh số bán hàng của hợp tác xã đã đạt hơn 20 triệu đồng. Đây là cơ hội để hợp tác xã giới thiệu sản phẩm đặc trưng tới người tiêu dùng và hệ thống bán lẻ hiện đại.

Để mở rộng thị trường, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, nhiều siêu thị trên địa Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai các gian hàng, khu vực trưng bày, quảng bá trái cây, đặc sản vùng miền. Đồng thời, triển khai nhiều đợt ưu đãi, giảm giá, khuyến mãi dành cho sản vật địa phương.

Mới đây, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Sài Gòn (Saigon Co.op) đã phối hợp cùng UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Tuần lễ xoài Đồng Tháp. Ngoài ra, hệ thống siêu thị MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh cũng “bắt tay” với Đồng Tháp giới thiệu “Tuần hàng xoài Đồng Tháp”nhằm thu hút, kích cầu tiêu dùng cũng như phát triển kênh quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương.

Cùng với kênh phân phối, để giải quyết bài toán tiêu thụ, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Toàn Phát (Sơn La) đang phát triển 50 ha mận hậu theo tiêu chuẩn VietGAP. Các thành viên đã áp dụng kỹ thuật tỉa tán, hạ cành, kích cho mận ra hoa sớm, ra hoa muộn để rải vụ mận.

Do đó, thời gian thu hoạch mận đã kéo dài khoảng 4-5 tháng thay vì chỉ tập trung vào một tháng như trước. Mặt khác, thành viên hợp tác xã còn đầu tư thêm nhà lưới nhằm hạn chế mưa đá tác động đến mận, tránh thất thu.

Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trung bình mỗi ha mận của hợp tác xã đạt 25-30 tấn. Thu hoạch kéo dài cũng giúp hợp tác xã giảm áp lực mùa vụ, có thời gian tìm kiếm đối tác để giá trị kinh tế cao hơn.

Không chỉ đẩy mạnh tiêu thụ trong nước mà mở rộng thị trường xuất khẩu ra các thị trường khác cũng đang được ngành công thương đặc biệt chú trọng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, nhất là sản phẩm nông sản có tính mùa vụ luôn là một trong những trọng tâm ưu tiên của Bộ Công Thương.

Với nguyên tắc hỗ trợ sớm nhất có thể, đón đầu các mùa vụ, Bộ Công Thương tập trung cao việc triển khai hoạt động xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua đa dạng các kênh phân phối truyền thống và hiện đại ở trong nước cũng như nước ngoài.

Đặc biệt, Bộ Công Thương đã và đang thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài về đánh giá thị trường; nghiên cứu cơ chế chính sách mới của nước sở tại; hỗ trợ xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch. Điều này nhằm hướng đến mục tiêu xuất khẩu rau, quả của Việt Nam năm 2023 cán mốc 4 tỷ USD.

Chung tay hỗ trợ, những tháng đầu năm 2023, Bộ Công Thương cũng lên kế hoạch chương trình hướng dẫn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, hộ kinh doanh tại Bắc Giang, Sơn La…Việc này góp phần thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm địa phương.

Cùng đó, giúp người tiêu dùng tiếp cận được các loại nông sản chất lượng và đa dạng từ vùng như vải, mận, xoài; đồng thời, giải đáp khó khăn, hạn chế trong tiêu thụ nông sản cũng như quản lý, ứng dụng thương mại điện tử./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục