Giảm bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm trong chăn nuôi lợn

13:02' - 28/04/2017
BNEWS Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe liên quan đến thực phẩm chủ yếu là do lây nhiễm vi sinh thay vì ô nhiễm hóa chất.
Vận động chính sách để phòng nguy cơ bệnh tật trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn. Ảnh minh họa: TTXVN.
Ngày 28/4, tại Nghệ An, Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp với Trường Đại học Y tế Công cộng và Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo Báo cáo kết quả nghiên cứu trong khuôn khổ dự án "Giảm thiểu nguy cơ bệnh tật và cải thiện an toàn thực phẩm của chuỗi giá trị chăn nuôi lợn quy mô nông hộ tại Việt Nam".

Đây là diễn đàn đối thoại giữa các đối tác triển khai dự án và các cơ quan, ban ngành cùng chia sẻ những kết quả nghiên cứu về thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm và nguy cơ bệnh tật trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn. Qua đó, vận động chính sách nhằm đẩy mạnh quản lý và tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về an toàn thực phẩm một cách hiệu quả hơn.

Các diễn giả tại hội thảo đều cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề sức khỏe liên quan đến thực phẩm chủ yếu là do lây nhiễm vi sinh thay vì ô nhiễm hóa chất. Ô nhiễm vi sinh và ô nhiễm hóa chất có thể giảm thiểu được bằng cách tăng cường vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị thực phẩm.

Ông Hoàng Quốc Sơn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn Thực phẩm Nghệ An cho biết: "Vấn đề an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục là thách thức lớn nhất trong thời gian tới. Chúng tôi đánh giá cao kết quả nghiên cứu mà dự án mang lại. Những bằng chứng khoa học này rất cần thiết để chúng tôi có thể đẩy mạnh quản lý và hoạch định chính sách nhằm cải thiện tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn".

Ông Fred Unger, điều phối viên dự án đến từ ILRI cho biết: "Dự án đã đưa ra được những đánh giá sâu rộng về tình hình an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh. Những kết quả nghiên cứu này là điều kiện cần thiết để đưa ra được những giải pháp khả thi trong thời gian tới".

Cũng tại hội thảo, các đại biểu cũng đề xuất một số khuyến nghị nhằm cải thiện tình hình an toàn thực phẩm như: xác định rõ vai trò và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan; đẩy mạnh sự tham gia và cam kết của tất cả các tác nhân trong chuỗi giá trị; đồng thời, tăng cường hơn nữa trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp.

Các đại biểu cũng xác định, truyền thông đóng vai trò quan trọng giúp cải thiện tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, bao gồm việc xây dựng một chiến lược truyền thông và tăng cường sự hợp tác giữa các cơ quan nhà nước và các bên có liên quan để cung cấp thông tin an toàn thực phẩm đáng tin cậy đến công chúng.

Ngoài ra, thông tin tại hội thảo cũng cho thấy, sau 5 năm triển khai, dự án đã hoàn thành tổng quan hệ thống tài liệu về các mối nguy cơ, bệnh lây truyền qua thực phẩm, bệnh ở lợn và đánh giá chuỗi giá trị tại Nghệ An.

Dự án đã phát triển được mô hình hệ thống động giúp đánh giá tác động của các can thiệp lên lợi ích của các tác nhân trong chuỗi. Đã hoàn thành việc thu thập và phân tích vi sinh, hóa học trên các mẫu thịt lợn. Bên cạnh đó, dự án cũng đã có những công bố quan trọng trên những tạp chí khoa học uy tín quốc tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục