Giảm điểm xuất hiện hầu hết ở các thị trường chứng khoán châu Âu

09:36' - 08/06/2018
BNEWS Tuy nhiên, sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán phần nào bị hạn chế nhờ tâm lý lạc quan đối với kinh tế thế giới sau số liệu khả quan của Mỹ.
Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall lại chuyển biến trái chiều nhau trong phiên giao dịch ngày 7/6. Ảnh: TTXVN
Trong phiên giao dịch ngày 7/6, các thị trường chứng khoán châu Âu giảm điểm khi đồng euro và đồng bảng Anh mạnh lên, cũng như tình hình căng thẳng thương mại trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tuy nhiên, sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán phần nào bị hạn chế nhờ tâm lý lạc quan đối với kinh tế thế giới sau số liệu khả quan của Mỹ.

Tại châu Âu, việc đồng euro mạnh lên đã “phủ bóng” lên triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu, từ đó đẩy các thị trường chứng khoán đi xuống. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại thị trường London (Vương quốc Anh) giảm 0,1% xuống còn 7.704,40 điểm và chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) cũng sụt mất 0,2% và đóng phiên ở mức 12.811,05 điểm. Điều này cũng diễn ra ở thị trường Paris (Pháp), khi chỉ số CAC 40 giảm 0,2% xuống 5.448,36. Tuy nhiên, chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 lại “đi ngang” và giữ ở mức 3.461,96 điểm.

Trong khi đó, các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán Phố Wall lại chuyển biến trái chiều nhau. Chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,7% xuống còn 7.635,07 điểm, khép lại ba phiên liên tiếp ghi nhận các mức cao kỷ lục, do giới đầu tư đồng loạt bán cổ phiếu của các công ty và doanh nghiệp công nghệ lớn như Microsoft và Alphabet, công ty mẹ của Google. Chỉ số S&P 500 cũng tụt mất 0,1% xuống còn 2.770,37 điểm, trong lúc chỉ số công nghiệp Dow Jones ghi thêm 0,4% lên 25.241,41 điểm sau sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu có liên quan đến dầu mỏ.

Lãnh đạo các nền kinh tế G7 dự kiến sẽ nhóm họp trong hai ngày 8-9/6 tại Quebec (Canada), trong đó vấn đề chính chi phối hội nghị thượng đỉnh lần này là thương mại toàn cầu, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp thuế mới đối với các mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU), từ đó khơi mào các động thái trả đũa từ các quốc gia này.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và người đồng cấp Đức Angela Merkel dự đoán sẽ có những phiên thảo luận căng thẳng, trong khi Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã gọi hội nghị thượng đỉnh G7 lần này là "G6+1", cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các nền kinh tế lớn.

Trong diễn biến mới nhất, ông Trudeau mới đây còn cho rằng lý do áp thuế của Tổng thống Trump là “nực cười”, trong khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng chính phủ các nước không nên e ngại việc đi đến các thỏa thuận mà không có sự góp mặt của Washington.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục