Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: Đồng hành trong chuyển dịch sang kinh tế xanh

09:37' - 16/05/2024
BNEWS Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam đã trao đổi với phóng viên TTXVN về tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam, cũng như những giải pháp tài chính được ADB sử dụng để hỗ trợ.

Rủi ro khí hậu đang hiện hữu ngày một rõ rệt, khiến việc chuyển đổi xanh trở thành mục tiêu và động lực cần thiết cho sự phát triển bền vững lâu dài của mỗi quốc gia. Là một quốc gia năng động và có trách nhiệm, Việt Nam chắc chắn không đứng ngoài xu thế đó.

Với việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Việt Nam đặt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới, nhằm hướng tới mô hình tăng trưởng bền vững.

 
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty, để tìm hiểu về tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng xanh của Việt Nam, cũng như những giải pháp tài chính được ADB sử dụng để hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp xanh ở Việt Nam.

Phóng viên: ADB đánh giá như thế nào về tiềm năng và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi xanh?

Ông Shantanu Chakraborty: Quá trình chuyển đổi xanh vừa là mục tiêu và cũng là động lực cần thiết cho sự phát triển bền vững lâu dài của Việt Nam. Chính phủ nhận thức được cả những thách thức cũng như cơ hội và đã đưa ra cam kết đáng khen ngợi nhằm hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng vào năm 2050. Trong một bối cảnh như vậy, tôi sẽ đề cập đến một số tiềm năng chính trên lộ trình phát triển xanh của Việt Nam.

Trước hết, Chính phủ Việt Nam đã cam kết và ưu tiên phát triển bền vững, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 thể hiện cam kết cấp cao trong việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng thực hành xanh.

Trong lĩnh vực năng lượng, sau một thời gian dài chờ đợi, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt vào đầu tháng 4/2024. Để thực hiện thành công kế hoạch này, Việt Nam cần khoảng 1,2 tỷ USD vốn đầu tư công và gần 140 tỷ USD đầu tư từ khu vực tư nhân và các khoản đầu tư cần thiết khác. Việc triển khai kế hoạch sẽ được hỗ trợ từ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam với cam kết tài trợ 15,5 tỷ USD nếu các cuộc thương thảo được xúc tiến và các dự án về cơ chế chuyển đổi năng lượng được xác định khẩn trương.

Một tiềm năng quan trọng nữa là tiến trình khử carbon trong các ngành công nghiệp. Chúng ta có thể kỳ vọng nhu cầu đáng kể từ các ngành công nghiệp chủ chốt phục vụ giai đoạn phát triển hiện nay của Việt Nam, chẳng hạn như sản xuất thép, xi măng, dệt may hoặc phát triển xe sử dụng động cơ điện…

Nuôi trồng cây nông nghiệp và thủy sản ít phát thải carbon cũng là một lĩnh vực nhiều tiềm năng khác. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, giao thông đô thị ít phát thải carbon thông qua các giải pháp giao thông bền vững như phương tiện cá nhân sử dụng động cơ điện, xe buýt điện và phát triển hệ thống giao thông công cộng như metro sẽ là lĩnh vực quan trọng nhiều tiềm năng.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, với dân số hơn 100 triệu người và tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh chóng, xu hướng tiêu dùng carbon thấp gia tăng đồng nghĩa với việc có rất nhiều cơ hội phát triển xanh trên thị trường tiêu dùng.

Phóng viên: Ông có những khuyến nghị gì để Việt Nam khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế xanh?

Ông Shantanu Chakraborty: Tiềm năng kinh tế xanh của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, việc thực hiện là một chặng đường dài, bắt đầu bằng những nỗ lực xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và các kế hoạch hành động. Đây là những cơ sở vững chắc để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và khuyến khích chuyển dịch sang dòng vốn xanh, phù hợp với các xu hướng mới nổi của nền kinh tế toàn cầu hướng tới đầu tư bền vững và tích cực về khí hậu.

Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng cơ hội để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi theo hướng tăng trưởng xanh.

Thứ nhất, tăng cường khung pháp lý cho nền kinh tế xanh. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam về nền kinh tế xanh và tài chính xanh vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các quy định rõ ràng và nhất quán, các biện pháp khuyến khích đầu tư xanh, và cơ chế quản trị tốt là rất cần thiết để khuyến khích các tổ chức tài chính tham gia vào hoạt động bền vững. Bên cạnh đó, cần ban hành chính thức hệ thống phân loại xanh của Việt Nam và có cơ chế giám sát để đánh giá từ bên ngoài.

Thứ hai, mở rộng quy mô các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và khử carbon. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các nguồn năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch và các ngành công nghiệp khai thác như khai thác than và thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, gần đây Việt Nam đã chứng tỏ năng lực mạnh mẽ để nhanh chóng triển khai các nguồn tài nguyên tái tạo. Việc chuyển đổi từ các ngành sử dụng nhiều carbon sang các ngành thay thế bền vững hơn có thể mở ra những cơ hội mới và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Thứ ba, khuyến khích áp dụng công nghệ xanh. Việc phát triển và triển khai các công nghệ sạch có ý nghĩa quan trọng để đạt được các mục tiêu về khí hậu của Việt Nam. Tuy nhiên, những công nghệ này có thể có chi phí cao và yêu cầu mức độ cơ sở hạ tầng hỗ trợ nhất định. Hợp tác quốc tế và chuyển giao kiến thức, đặc biệt là trong việc thực hiện các dự án xanh có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh việc áp dụng chúng.

Thứ tư, khai thác các nguồn tài chính xanh. Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và thực hiện các sáng kiến phát triển bền vững thường đòi hỏi đầu tư ban đầu đáng kể vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và các chương trình xây dựng năng lực. Là một nước đang phát triển, Việt Nam vẫn cần được hỗ trợ để phân bổ đủ vốn từ ngân sách quốc gia cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Thứ năm, cần hiểu rõ hơn về lợi ích và cơ chế của tài chính xanh và nền kinh tế xanh. Do đó, cần xây dựng năng lực chuyên môn thẩm định xanh trong lĩnh vực tài chính. Một thách thức đáng kể nằm ở năng lực hạn chế trong việc đánh giá các khía cạnh “xanh” của giao dịch. Việc xây dựng năng lực này thông qua các chương trình giáo dục và đào tạo vẫn là một thách thức.

Cuối cùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng và khuyến khích thay đổi hành vi theo hướng thực hành bền vững. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhằm thúc đẩy xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường, nhưng một bộ phận đáng kể dân số vẫn có thể cần thêm kiến thức hoặc động lực để áp dụng các hành vi và lối sống theo hướng bền vững.

Phóng viên: ADB có những công cụ và giải pháp tài chính nào để hỗ trợ các dự án và doanh nghiệp xanh ở Việt Nam?

Ông Shantanu Chakraborty: Là ngân hàng khí hậu của khu vực châu Á và Thái Bình Dương, chúng tôi nhận thức được vai trò then chốt mà chúng tôi phải đảm nhận trong việc hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xanh hóa nền kinh tế. ADB tự hào là đối tác lâu dài trong tiến trình phát triển của Việt Nam, và chúng tôi luôn kiên định với cam kết hỗ trợ các mục tiêu khí hậu và khát vọng tăng trưởng xanh của Việt Nam.

Trong Chiến lược Đối tác Quốc gia 2023-2026 của ADB dành cho Việt Nam, ADB đã hoạch định cách tiếp cận nhằm hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, khai thác khu vực tư nhân và thúc đẩy công bằng xã hội. Phần lớn hoạt động của chúng tôi theo thỏa thuận với Chính phủ là các dự án liên quan đến khí hậu trong các lĩnh vực phát triển đô thị, nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên, ước tính tài trợ khí hậu khoảng 800 triệu USD. ADB đã phân bổ khoảng 300 triệu USD từ số tiền thu được từ trái phiếu xanh gần đây cho các dự án giao thông phát thải carbon thấp và thích ứng với khí hậu ở Việt Nam.

Trong hoạt động tài trợ dành cho khu vực tư nhân, ADB đã và đang thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam thông qua một số khoản vay xanh dành cho các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, phát triển xe điện..., đáp ứng các tiêu chuẩn nguyên tắc trái phiếu xanh quốc tế. Cụ thể hơn, trong lĩnh vực năng lượng, ADB đã thực hiện nhiều giao dịch với các doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ phát triển nguồn năng lượng tái tạo với các dự án năng lượng gió, Mặt Trời, xử lý chất thải thành năng lượng, cũng như đề xuất hỗ trợ tăng cường lưới điện để có thể truyền tải các nguồn năng lượng tái tạo một cách ổn định và hiệu quả.

Trong lĩnh vực giao thông, ADB cũng hỗ trợ sản xuất ô tô điện, xe máy sử dụng động cơ điện, pin, cũng như thúc đẩy giao thông đô thị phát thải carbon thấp thông qua các dự án tàu điện đô thị (metro) và các giải pháp giao thông công cộng khác.

ADB cũng đang thúc đẩy tăng trưởng xanh và hỗ trợ cam kết mạnh mẽ về khí hậu của Việt Nam liên quan đến mục tiêu “phát thải ròng bằng không vào năm 2050” thông qua các sáng kiến chuyển đổi năng lượng. Để hỗ trợ Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam (JETP), ADB đã cam kết tài trợ lên tới 1 tỷ USD cho khu vực công và lên tới 1,1 tỷ USD tài trợ không có bảo lãnh của chính phủ để tài trợ cho các khoản đầu tư thích hợp. ADB đang triển khai Cơ chế chuyển đổi năng lượng (ETM) - một công cụ tài chính mới để các nhà máy nhiệt điện chạy than sớm ngừng hoạt động, sử dụng các nguồn năng lượng sạch hơn. Việt Nam cũng là một trong những nước triển khai thí điểm ETM.

Tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương, ADB đã hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển trong khu vực phát triển thị trường trái phiếu bền vững, như phát triển khuôn khổ và phân loại trái phiếu; hỗ trợ chuẩn bị và phát hành trái phiếu xanh (của các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp nhà nước); và đầu tư vào trái phiếu xanh. ADB cũng là đơn vị tham gia chính vào thị trường vốn bền vững với tư cách là đơn vị phát hành: chúng tôi đã phát hành tổng cộng 10 tỷ USD trái phiếu xanh tương đương và cũng đã phát hành trái phiếu xanh đầu tiên trị giá 300 triệu USD vào năm 2021. ADB cũng đang huy động kinh nghiệm sâu rộng của mình trong khu vực để hỗ trợ phát triển tài chính xanh ở Việt Nam.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về vai trò của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam và ông có lời khuyên gì dành cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tham gia nền kinh tế xanh?

Ông Shantanu Chakraborty: Để chuyển đổi xanh thành công, sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân là không thể thiếu, đặc biệt là trong việc huy động các nguồn lực cho quá trình chuyển đổi xanh.

Theo ước tính gần đây, Việt Nam có thể cần khoảng 368 tỷ USD cho đến năm 2040, tương đương 68% GDP hàng năm để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Trong bối cảnh nguồn đầu tư công dành cho tăng trưởng xanh còn hạn hẹp, nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò quan trọng trong quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế xanh nói chung và tăng trưởng xanh nói riêng.

Để khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng xanh và bền vững, Chính phủ cần có những chính sách dài hạn nhằm khuyến khích những sáng kiến, giải pháp mang tính đột phá để huy động đầu tư tư nhân vào các dự án thân thiện với khí hậu tại Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ các ngân hàng thương mại trong nước cũng như các thể chế tài chính quốc tế.

Con đường hướng tới nền kinh tế phát thải thấp của Việt Nam là một cam kết đầy tham vọng nhưng là cần thiết vì xanh hóa nền kinh tế và tăng trưởng xanh, bền vững là một xu hướng phát triển toàn cầu mà Việt Nam không thể đứng ngoài.

Để tham gia nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp Việt Nam là một chủ thể có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đầu tư chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm phát thải carbon, đóng góp đáng kể cho chuyển đổi xanh nền kinh tế và mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Việt Nam.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và các thị trường quan trọng đưa ra các tiêu chí khuyến khích sản xuất và tiêu dùng xanh thì các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo phục vụ xuất khẩu, cần nhận thức được việc lồng ghép các mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh của quốc gia vào quá trình đầu tư, phát triển của doanh nghiệp.

Nói đơn giản hơn, chỉ doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chí xanh mới có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, và ngược lại, nếu không đầu tư chuyển đổi xanh thì sẽ không có thị trường.

Thực tế đã cho thấy, rất nhiều các doanh nghiệp đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình chuyển đổi xanh nền kinh tế, tích cực, chủ động tham gia bảo vệ môi trường theo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế cho doanh nghiệp phát triển xanh. Việc tối ưu hóa sản xuất kinh doanh thông qua tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính, tham gia nền kinh tế tuần hoàn…cũng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục