Giảm gần 66% số ổ dịch tả lợn châu Phi

17:36' - 25/10/2023
BNEWS Trong 9 tháng năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục kiểm soát tốt. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm gần 66% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm trên 72%.

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng năm 2023, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi tiếp tục kiểm soát tốt. Riêng bệnh dịch tả lợn châu Phi có số ổ dịch giảm gần 66% và số lợn bị chết, tiêu hủy giảm trên 72%.

Cụ thể, trong 9 tháng, cả nước xảy ra 389 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 153 huyện của 41 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn mắc bệnh, chết và tiêu hủy là trên 15.000 con. 

Hiện nay, cả nước có 92 ổ dịch thuộc 46 huyện của 21 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày; số lợn mắc bệnh là 3.870 con, số lợn chết và tiêu hủy là 4.252 con.

Năm 2019, khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn.

Với sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà khoa học Mỹ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam đã sản xuất ra sản phẩm vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi.

 
Để chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi an toàn, hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các cấp của địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh và xem xét, quyết định việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi.

Trong quá trình triển khai tiêm phòng vaccine dịch tả lợn châu Phi, có thể các đàn lợn của địa phương đã nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi thực địa và các mầm bệnh khác, nhưng chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, nên khi đàn lợn được tiêm vaccine rất có thể có phản ứng, phát bệnh, bị chết và buộc phải xử lý ổ dịch, tiêu hủy lợn bệnh theo quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành chăn nuôi tăng trưởng khoảng 4,5%/năm, chiếm 26,7% tổng giá trị của ngành nông nghiệp. Riêng ngành chăn nuôi lợn chiếm tỉ lệ 67-70% cơ cấu giá trị ngành chăn nuôi. Đàn lợn của Việt Nam có quy mô khoảng 28 triệu con.

Do đó, việc phòng chống dịch bệnh là yếu tố quan trọng, là giải pháp hàng đầu để phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, các địa phương cần xem xét giảm bớt thủ tục khi tiêm vaccine tả lợn châu Phi để việc tiêm phòng được thuận lợi hơn, quy mô lớn hơn.

Hiện có 2 loại vaccine dịch tả lợn châu Phi là NAVET-ASFVAC của Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO và AVAC ASF LIVE của Công ty cổ phần AVAC Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và được cấp Giấy chứng nhận lưu hành.

Đây là những vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi thương mại đầu tiên được cấp phép lưu hành, đặc biệt trong bối cảnh sau hơn 100 năm qua chưa có vaccine thương mại trong phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi được cấp phép trên thế giới.

Mới đây, Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam (AVAC) ký kết hợp tác xuất khẩu vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE với 5 đối tác là: Kpp Power Commodities Inc (Philippines), PT Putra Perkasa Genetika (Indonesia), Yenher Agro-Products Snd Bhd (Malaysia), Indian Immunologicals Ltd (India), Earlybirds Delivery service limited (Myanmar).

Tính tới 31/6/2023, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) đã ghi nhận khoảng 10.000 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 37 quốc gia thuộc 3 châu lục: châu Á, châu Phi và châu Âu. Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất với số động vật mắc bệnh gần 450.000 con, tiếp đến là châu Á với xấp xỉ 100.000 con. Ba Lan, Croatia và Bosnia là ba nước có số lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi cao nhất.

Khu vực Đông Nam Á có báo cáo từ 7 quốc gia, bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục