Giảm giá dịch vụ lĩnh vực chứng khoán là cần thiết và kịp thời

19:42' - 20/03/2020
BNEWS Đánh giá về việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC; trong đó, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường.

Đánh giá về việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC; trong đó, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, giới phân tích cho rằng, đây là việc làm cần thiết và đúng thời điểm, nhưng có lẽ cần thêm những giải pháp mạnh tay và đồng bộ từ các Bộ, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp niêm yết, từ đó tạo động lực hồi phục thị trường.

* Hành động tích cực

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) cho biết, hai tháng qua, thị trường chứng khoán suy giảm lớn khiến giá trị vốn hóa thị trường giảm mạnh, nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư chịu ảnh hưởng tiêu cực từ những biến động này. Thực tế cho thấy, đa số tổ chức và cá nhân đầu tư trong giai đoạn này là thua lỗ, thị trường suy giảm cả về điểm số và thanh khoản, tạo tâm lý bi quan đối với nhà đầu tư.

Tiếp nối những chính sách kịp thời hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ, các chính sách của Bộ Tài chính trong việc miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thành viên thị trường và nhà đầu tư hiện nay là rất kịp thời (trên thế giới hiện chưa có thị trường nào ban hành các chính sách tương tự).

Điều này thể hiện sự quan tâm và sẵn sàng hành động để hỗ trợ thị trường trong giai đoạn khó khăn vì tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Việc miễn, giảm giá dịch vụ chứng khoán sẽ phần nào hỗ trợ cho các nhà đầu tư gắn bó với thị trường và khi giai đoạn khó khăn này qua đi, thị trường hồi phục trở lại thì lợi ích từ các chính sách sẽ thực sự giúp nhà đầu tư tối ưu về chi phí và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Đối với thị trường phái sinh, đây là thị trường mà nhà đầu tư có thể giao dịch mua đi bán lại nhiều lần ngay trong phiên, nhiều nhà đầu tư đầu cơ trên thị trường này chịu áp lực chi phí lớn do tần suất giao dịch nhiều nên việc giảm phí sẽ đem lại nhiều lợi ích cho họ trong việc tối ưu chi phí giao dịch.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, về tổng thể việc miễn, giảm phí là cần thiết vào lúc này, nhất là đối với công ty chứng khoán.

Đối với nhà đầu tư, việc hỗ trợ rõ rệt nhất là cho những người tham gia thị trường phái sinh, tức giảm chi phí vốn cho họ, nhưng vì thị trường này vẫn cho bán khống nên việc hỗ trợ có khi còn khiến nhà đầu tư bán khống mạnh hơn.

“Điều tôi thấy tiếc là Thông tư này chỉ có hiệu lực ngắn hạn (đến hết tháng 8/2020). Qua tháng 9, mọi giá phí lại quay về như trước, tức theo Thông tư cũ 127/2018. Có thể một số khoản miễn thu thì qua tháng 9 có thể thu trở lại, nhưng có những khoản như giảm phí nộp Sở giao dịch chứng khoán, đăng ký lưu ký, phái sinh… thì nên áp dụng lâu dài”, ông Lân nêu quan điểm.

Dưới góc nhìn nhà đầu tư, anh Trần Văn Toản, nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Hà Nội cho biết, anh không để ý nhiều về thông tin giảm phí giao dịch này. Dù vậy, anh cho rằng phí giao dịch mua bán giảm sẽ làm cho việc mua bán dứt khoát hơn và đối với nhà đầu tư giao dịch nhiều cũng có những lợi ích.

“Dù gì thì nhà đầu tư cũng cảm thấy bớt nặng gánh trong bối cảnh thị trường giảm mạnh như hiện nay nếu phí giao dịch giảm”, anh nói.

Anh Toản cho biết thêm, tôi quan tâm hơn đến việc giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vì việc này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp niêm yết. Doanh nghiệp có làm ăn tốt thì giá cổ phiếu mới tăng theo và thị trường chứng khoán sẽ có cơ hội hồi phục.

* Cần chính sách tác động lên doanh nghiệp niêm yết

Phó Tổng giám đốc CSI, ông Đỗ Bảo Ngọc nhìn nhận, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thông tin liên lạc nhanh chóng truyền đi các diễn biến tiêu cực của bệnh dịch tại từng quốc gia. Chính điều này cũng khiến sự quan tâm, thậm chí gây tâm lý hoang mang với người dân và các thị trường tài chính cũng chịu tác động tiêu cực, nhiều thị trường sụt giảm nhanh và mạnh nhất trong lịch sử.

Mức độ lan rộng của dịch bệnh COVID-19 đã làm đình trệ kinh tế toàn cầu, là tác nhân chính có thể gây ra suy thoái kinh tế trong năm 2020. Theo ông, suy thoái do đình trệ sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ toàn cầu là khá rõ.

Tuy nhiên, sự suy thoái do yếu tố bệnh dịch có gây ra khủng hoảng tài chính toàn cầu hay không thì vẫn chưa rõ ràng, nếu bệnh dịch sớm được kiểm soát và đẩy lùi thì nền kinh tế thế giới sẽ sớm hồi phục trở lại khi sản xuất, thương mại, du lịch và dịch vụ được tái lập trạng thái bình thường.

Theo ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của VDSC, dịch bệnh COVID-19 đang được so sánh nhiều nhất với dịch SARS 2003, nhưng diễn biến của các chỉ số chứng khoán thế giới và Việt Nam hiện xấu hơn nhiều so với thời điểm đó. Do vậy, các biện pháp hỗ trợ cũng sẽ phải khác thời điểm diễn ra dịch SARS.

Theo chuyên gia này, cách tiếp cận thị trường chứng khoán lúc này không đơn giản là giảm thuế, phí cho các đối tượng tham gia thị trường, thậm chí ngừng giao dịch một thời gian cũng không phải là biện pháp hay.

Cổ phiếu đang xuống, nhiều nhà đầu tư cũng biết điều đó, nhưng vì khối ngoại còn bán mạnh nên họ vẫn đang chờ thời điểm mua thích hợp. Ông Lân dự đoán lúc này có không ít lực cầu đang được “nén” chờ thời điểm “bung” ra.

Ông Lân cũng cho rằng, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không phải làm gì thêm lúc này. Tuy nhiên, thế giới đang nói nhiều đến cụm từ “suy thoái”, chứng khoán thế giới giảm mạnh cũng vì cụm từ “suy thoái” nên nếu chấp nhận quan điểm đó thì các biện pháp hỗ trợ thị trường đến từ cấp cao hơn Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thậm chí không chỉ Bộ Tài chính mà phải có sự phối hợp của nhiều Bộ, ngành mới có tác động lên doanh nghiệp niêm yết, từ đó thị trường sẽ có phản ứng tích cực.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc giảm thuế và phí là hành động tích cực của cơ quan quản lý, nhưng có lẽ cũng chưa có tác dụng nhiều cho thị trường.

Ông Hải nhận định, thị trường cần có giải pháp mạnh. Ví như Luật Chứng khoán sửa đổi đã ban hành việc tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thay vì được áp dụng vào ngày 1/1/2021 thì có thể áp dụng sớm hơn vào ngày 1/7/2020, từ đó giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút nhanh dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng, để thu hút vốn và công nghệ cho hệ thống ngân hàng có thể nới sở hữu nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 35%. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua 10% cổ phiếu không có quyền biểu quyết lên 10%.

Ông nhận định, chi ngân sách tới đây có thể tăng thêm nhiều và để hạn chế thâm hụt ngân sách thì cần đẩy mạnh bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện cắt giảm chi tiêu như mua sắm ô tô, xây trụ sở mới, giảm chi ngân sách những việc chưa cần thiết để chuyển sang những việc cần thiết hơn.

Thông tư số 14/2020/TT-BTC vừa được Bộ Tài Chính ban hành; trong đó, giảm giá và miễn hoàn toàn không thu đối với 15 loại dịch vụ chứng khoán nhằm hỗ trợ thị trường chứng khoán trước ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Giảm từ 15% - 20% đối với 2 dịch vụ bao gồm: dịch vụ quản lý vị thế, quản lý tài sản ký quỹ trên thị trường chứng khoán phái sinh.

Giảm từ 30% - 50% đối với 4 dịch vụ là dịch vụ quản lý niêm yết chứng quyền có bảo đảm; dịch vụ thực hiện quyền; dịch vụ chuyển khoản chứng khoán; dịch vụ đấu giá, chào bán cạnh tranh.

Thông tư cũng nêu rõ, không thu đối với 6 dịch vụ bao gồm: dịch vụ đăng ký niêm yết; đăng ký chứng khoán; dịch vụ kết nối trực tuyến lần đầu; dịch vụ vay, cho vay chứng khoán qua hệ thống của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD); đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh; đăng ký thành viên bù trừ.

Trên cơ sở mức giảm giá dịch vụ quy định tại Thông tư này, các tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Điều 2 Thông tư số 128/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 thực hiện ngay việc giảm giá dịch vụ do đơn vị mình cung cấp tương ứng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ, quy định của pháp luật về giá và pháp luật có liên quan.

Thời gian áp dụng mức giảm giá và miễn thu tiền sử dụng dịch vụ quy định tại Thông tư ít nhất trong vòng hơn 5 tháng (từ ngày 19/3/2020 đến hết ngày 31/8/2020). Trường hợp tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ xem xét, quyết định kéo dài thời gian áp dụng Thông tư này trong trường hợp cần thiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục