Giảm lãi suất điều hành: Hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

15:58' - 15/03/2023
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, sẽ không tiếp tục thắt chặt và trở lại hỗ trợ nền kinh tế.

Trao đổi với báo chí, ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư tài chính LCTV Investment cho rằng, trong bối cảnh lạm phát của thế giới và Việt Nam đang tăng cao, nỗ lực giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là cố gắng rất lớn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc kìm chế lạm phát cũng như đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế, khiến lãi suất giảm, giúp doanh nghiệp tiết giảm được chi phí, tiếp cận vốn vay, từ đó thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cao phục vụ cho kiểm soát lạm phát, nhưng cũng khiến nhiều thị trường rơi vào khó khăn, vì vậy động thái giảm lãi suất điều hành sẽ hỗ trợ nền kinh tế thời gian tới.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện Ngân hàng Nhà nước mới giảm lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm, do đó sẽ cần thời gian để tác động tới lãi suất thị trường cho vay các thành phần kinh tế khác.

Để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường; nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Bên cạnh đó, theo dõi các trường hợp tổ chức tín dụng tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các tổ chức tín dụng này; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường.

 

Trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng thương mại khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,4%/năm; trong đó nhiều ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cho biết đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho từng tổ chức tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; chỉ đạo tổ chức tín dụng kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong cả năm với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Tính đến 9/3/2023, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 0,45% và tín dụng toàn hệ thống tăng 1,12% so với cuối năm 2022.

Vì vậy, theo Ngân hàng Nhà nước việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ, qua đó định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 5%/năm tạo điều kiện để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ không chủ quan với áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát 2 tháng đầu năm 2023 đã tăng sát mức mục tiêu 4,5% ngay từ đầu năm 2023; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao, đặc biệt là động thái của Fed trong cuộc họp tới đây (ngày 21-22/3/2023) trước mức độ ảnh hưởng của sự kiện Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản tại Mỹ.

Trước động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, ngay trong sáng ngày 15/3, nhóm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đồng loạt giảm 0,2% kỳ hạn 12 tháng xuống còn 7,2% so với mức niêm yết tuần trước. Đây là mức lãi suất huy động thấp nhất thị trường có cùng kỳ hạn ở các ngân hàng thương mại cổ phần khác.

Ông Nguyễn Ngọc An, giám đốc công ty chuyên về vận tải tại Hà Nội cho biết việc ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất sẽ giúp công ty có thêm cơ hội để có thể mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Nhận định về thị trường thời gian tới, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong năm 2023 dựa vào 3 yếu tố gồm nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn; Chính phủ thúc đẩy giải ngân đầu tư công giúp bơm thanh khoản vào nền kinh tế; Ngân hàng Nhà nước sẽ chủ động hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở, mua vào ngoại tệ…

Thời gian gần đây, cùng với động thái giảm lãi suất huy động, một số ngân hàng thương mại cũng công bố hàng loạt chương trình ưu đãi lãi suất, chủ yếu hướng đến cho vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong lĩnh vực bất động sản, 4 ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh thống nhất dành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để cho vay phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Các dự án nhà ở xã hội đạt yêu cầu có thể được hưởng lãi suất thấp hơn từ 1,5 - 2% so với lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước để tiếp tục điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, qua đó góp phần thực hiện chủ trương giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế của Quốc Hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục