Giảm mạnh 72% số tài khoản lừa đảo sau "chiến dịch" xác thực sinh trắc học

19:48' - 26/09/2024
BNEWS Số vụ việc gian lận, lừa đảo mất tiền và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo đã giảm đáng kể sau "chiến dịch" xác thực sinh trắc học.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, số vụ việc gian lận, lừa đảo mất tiền và số lượng tài khoản có phát sinh nhận tiền lừa đảo ở các tổ chức tín dụng đã giảm đáng kể sau khi quy định về xác thực sinh trắc học trong các giao dịch ngân hàng trực tuyến chính thức được áp dụng.

Cụ thể, qua theo dõi số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, số lượng vụ việc khách hàng bị lừa đảo mất tiền trong tháng 8/2024 giảm khoảng 50% so với số vụ việc trung bình 7 tháng năm 2024; số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm khoảng 72% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Đặc biệt, tại một số đơn vị đã không có phát sinh vụ việc lừa đảo trong tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua.

 
Trước đó, ngày 18/12/2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 2345/QĐ-NHNN về triển khai các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Theo quy định, các giao dịch chuyển tiền điện tử của cá nhân có giá trị trên 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch chuyển tiền điện tử trong ngày vượt 20 triệu đồng phải áp dụng một trong các biện pháp xác thực sinh trắc học.

Quy định trên hướng tới mục tiêu bảo đảm người giao dịch ngân hàng trực tuyến là chính chủ nhằm bảo vệ khách hàng, góp phần giảm thiểu tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của khách hàng, cũng như phòng ngừa những vụ việc cho thuê, mượn, mua bán tài khoản thanh toán, ví điện tử sử dụng cho mục đích bất hợp pháp.

Sau 2 tháng triển khai Quyết định 2345, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có khoảng 37,4 triệu lượt khách hàng đăng ký thông tin sinh trắc học thành công. Trong hai tháng 7 và 8/2024, theo báo cáo của Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) trung bình một ngày có khoảng 25 triệu giao dịch; trong đó có khoảng 1,6 triệu giao dịch trên 10 triệu đồng. Theo đó, hoạt động thanh toán vẫn diễn ra bình thường.

Mặc dù số lượng giao dịch trung bình hàng ngày không thay đổi đáng kể so với thời điểm trước ngày 1/7/2024 nhưng sự giảm mạnh về số vụ lừa đảo cho thấy quy định mới đã có tác động tích cực đáng kể.

Để tiếp tục tăng cường hiệu quả của biện pháp này, ông Phạm Anh Tuấn kêu gọi các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các trung gian thanh toán đẩy mạnh thu thập dữ liệu sinh trắc học và đối chiếu với dữ liệu từ thẻ căn cước công dân gắn chip.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho biết, từ 1/1/2025, tất cả những tài khoản mà chưa được ngân hàng, chưa được các trung gian thanh toán thu thập thông tin sinh trắc học để kiểm tra đảm bảo chính chủ thì những khách hàng này sẽ chỉ được cung cấp dịch vụ tại quầy.

"Đây là điều kiện để đăng ký sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, không phải mọi giao dịch đều phải kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học. Giá trị các giao dịch được kiểm tra, đối chiếu thông tin sinh trắc học tiếp tục được thực hiện theo Quyết định 2345. Dự kiến trong tháng 10, Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành thông tư thay thế Thông tư 35/2016/TT-NHNN quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên Internet.. Thông tư này ban hành sẽ nâng tầm pháp lý để tuân thủ các văn bản quy phạm pháp luật", đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, cả nước hiện có trên 84 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 50 tổ chức triển khai thanh toán qua điện thoại di động. Thanh toán, chuyển tiền qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản ngân hàng đạt 87,08%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục