Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh- Bài 2: Trao “cần câu”, thay “xâu cá”

11:40' - 25/10/2020
BNEWS Thành phố Hồ Chí Minh đã có các hoạt động trao sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm để hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, có sinh kế ổn định.

Với mục tiêu hỗ trợ người nghèo thoát nghèo bền vững, có sinh kế ổn định, Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm phù hợp với chủ trương “trao cần câu, không cho con cá”, tránh tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân.

Đó cũng là các hoạt động trao sinh kế, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người nghèo

*Chú trọng giúp dân giảm nghèo bền vững

Hướng tới mục tiêu xóa nghèo bền vững cho người dân, trong thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ vốn, giới thiệu việc làm, tổ chức các lớp dạy nghề cho hội viên, đoàn viên, thanh niên, người dân, tạo sinh kế, nhằm thiết thực tặng “cần câu thay cho xâu cá” giúp các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Văn Năm, ngụ tại tổ 7, ấp An Hòa, xã An Phú, huyện Củ Chi cho biết, gia đình ông là một trong những hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò giống từ chương trình trao tặng sinh kế do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố tổ chức trong năm 2020.

Việc được cung cấp bò giống, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sẽ giúp gia đình ông yên tâm phát triển sản xuất, bớt cảnh chạy vạy lo vốn làm ăn, từng bước tạo nguồn thu cho gia đình để không còn đói nghèo.

Từ thực tiễn, nhiều địa phương đã chuyển đổi giải pháp hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, trao các phương tiện sinh kế hay nói cách khác là trao cơ hội, không cho tiền, nhằm khơi gợi sự nỗ lực, vươn lên, giúp hộ gia đình thoát nghèo bền vững.

Nhiều địa phương hay các đơn vị, mạnh thường quân cũng dựa trên nguyện vọng, hoàn cảnh thực tế của từng cá nhân hộ nghèo để trao tặng xe gắn máy, máy may, xe bánh mì, xe nước mía… tạo động lực, giúp hộ nghèo mưu sinh phù hợp với bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Điển hình như hộ ông Huỳnh Văn Sơn, ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi được hỗ trợ công cụ sản xuất sinh kế - máy phun thuốc trừ sâu. Với hoàn cảnh khó khăn của ông Sơn thì chiếc máy này có ý nghĩa rất lớn, là điều gia đình mong mỏi từ rất lâu để gia tăng canh tác.

Ông Huỳnh Văn Sơn cho biết, từ khi nhận chiếc máy phun thuốc trừ sâu, mảnh vườn nhà ông đã hạn chế được rất nhiều sâu bệnh, hoa màu trở nên tươi tốt hơn, cho năng suất cao hơn; đồng thời giúp nhà ông có thu nhập tốt hơn, cuộc sống từng bước đi vào ổn định.

Cũng tại huyện Củ Chi, trong quá trình thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững đã hình thành nên các mô hình tự quản, tổ tự quản giúp nhau thoát nghèo.

Thông qua hoạt động của các tổ tự quản này, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo được trợ nghề, trợ vốn, hướng dẫn thay đổi cách chăn nuôi, trồng trọt, canh tác hoa màu phù hợp với xu thế mới để… vươn lên thoát nghèo.

Nhiều hộ nghèo ở ấp Bình Hạ Đông, xã Thái Mỹ, Củ Chi sau khi tham gia tổ tự quản đã học được nghề nuôi cá bột cung cấp cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu làm từ thiện, phóng sinh…

Anh Nguyễn Văn Nam, ngụ tại ấp Bình Hạ Đông cho biết, từ khi được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật làm nghề này, đời sống của gia đình và nhiều hộ khác trong khu vực đã thay đổi.

Nghề nuôi cá bột không cần diện tích đất lớn, không phải đào ao thả cá, ngược lại chi phí đầu tư thấp… nên rất phù hợp với hộ nông dân nghèo tự làm chủ hơn đi làm thuê.

Theo bà Trương Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi, trong những năm qua, thực hiện chủ trương chung tay cùng Đảng bộ, chính quyền chăm lo, hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, Mặt trận Tổ quốc đã tăng cường các chương trình hoạt động mang tính hiệu quả, thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.

Thông qua các chương trình như trao tặng phương tiện sinh kế là phương tiện, trang thiết bị kinh doanh, sản xuất, hỗ trợ nguồn vốn… đến nay hộ nghèo trên địa bàn Củ Chi đã giảm từ 851 hộ (năm 2019) còn 288 hộ, hộ cận nghèo giảm từ 2.653 (năm 2019) còn 1.384 hộ.

Việc cấp học bổng Nguyễn Hữu Thọ cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học trên địa bàn Thành phố đã tạo nguồn động viên, tiếp sức cho các em vượt qua những khó khăn về kinh tế để tiếp tục con đường học vấn, trở thành những lao động chính trong gia đình, tạo nguồn thu nhập ổn định giúp gia đình cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.

Là một trong hàng trăm nghìn trường hợp được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình, em Cao Minh Hiền, sinh năm 1989 (Quận 1) cho biết, xuất thân từ một gia đình nghèo,  bố mẹ là thương binh nhưng với sự giúp đỡ của học bổng Nguyễn Hữu Thọ, em đã tốt nghiệp Đại học và hiện đang công tác tại Đảng ủy phường Bến Nghé.

Nguồn hỗ trợ từ học bổng Nguyễn Hữu Thọ đã kịp thời giúp trang trải chi phí học tập, phương tiện đi học, tạo thành động lực giúp em nỗ lực học tập, phấn đấu trau dồi kiến thức để hôm nay đã trở thành lao động chính, mang lại nguồn vui cho gia đình khi vượt qua cảnh nghèo đói.

* Cả hệ thống vào cuộc

Theo bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, trong những năm qua,  hệ thống Mặt trận Tổ quốc toàn Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình sáng tạo, có hiệu quả thiết thực góp phần hỗ trợ người nghèo vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thông qua các chương trình phối hợp, Mặt trận đã triển khai các hoạt động xây mới, sửa chữa nhà tình nghĩa, tình thương cho người nghèo, hỗ trợ vốn, đào tạo nghề, tặng phương tiện sinh kế, tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Từ đó đã động viên, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm phát triển kinh tế, tạo lập cuộc sống ổn định với chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn để hướng đến thoát nghèo bền vững.

Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tại nhiều quận trong nội đô thành phố cũng đã có những hoạt động thiết thực tham gia chương trình giảm nghèo. Quận 1 có mô hình “Khu ẩm thực thí điểm kinh doanh có thời gian” trên đường Nguyễn Văn Chiêm của phường Bến Nghé; phường 5, Quận 6 có mô hình “Kết nối doanh nghiệp đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm, học phí và giao hàng gia công cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”; phường 1, quận Phú Nhuận có mô hình 2 chi bộ và 1 đoàn thể “Đồng hành, giúp đỡ đưa các hộ thoát nghèo bền vững” hay mô hình “Tổ hợp tác rau sạch an toàn” của xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi… đã giúp nhiều hộ thoát nghèo căn cơ, bền vững.

Đẩy mạnh phát huy vai trò của các cơ sở Đảng, đoàn thể trong các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, Quận 3 thực hiện mô hình: “Kéo giảm các chiều thiếu hụt xã hội cơ bản cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”, “Mỗi cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị đỡ đầu một hộ nghèo”, trọng tâm hỗ trợ bằng giải pháp căn cơ trao cần câu thay vì con cá.

Theo bà Vũ Thị Mỹ Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Quận 3, đạt được kết quả trên là nhờ vào sự nỗ lực, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân, các đơn vị, nhà tài trợ đã đồng hành cùng các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân cùng các tổ chức, cá nhân, hội, đoàn thể đã thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đánh giá cao giải pháp trao cần câu, thay vì con cá, việc huy động sức mạnh tổng hợp thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, bà Vũ Thị Mỹ Ngọc tin tưởng hộ cận nghèo, hộ nghèo chung tay, chung sức, nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong những năm qua, công tác vận động và chăm lo các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo và các hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức ảnh hưởng trong toàn xã hội. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp của Thành phố đã tiếp nhận được hơn 2.329 tỷ đồng.

Từ nguồn lực này, Thành phố đã xây dựng hơn 30.208 căn nhà và sửa chữa hơn 17.327 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; trao tặng hơn 500.000 suất học hổng Nguyễn Hữu Thọ, tặng hơn 11.020 phương tiện đi học, hơn 2.000 phương tiện làm ăn cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Những việc làm thiết thực đó đã góp phần thiết thực vào thực hiện 2 chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đã phát động mỗi chi hội phụ nữ hỗ trợ một hộ nghèo thoát nghèo bền vững; đồng hành cùng phụ nữ vượt khó, nắm gạo nghĩa tình, tình thương - trách nhiệm hay chương trình ai cần đến lấy trong thời điểm dịch bệnh vừa qua, góp phần làm phong phú thêm hoạt động giảm nghèo, làm ấm lòng những hộ nghèo, hộ cận nghèo hay phụ nữ đơn thân.

Đoàn Thanh niên các địa phương cũng năng động sáng tạo với nhiều hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng như: Chương trình mỗi tháng một niềm tin, đồng hành cùng thanh niên lập nghiệp.

Hội Chữ Thập đỏ đẩy mạnh hoạt động xã hội cộng đồng, các hoạt động từ thiện, giúp hộ nghèo, gia đình bị nhiễm chất độc da cam đã thu hút nhiều mạnh thường quân mở rộng lòng thương yêu, san sẻ với tinh thần mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo...

Chặng đường 20 năm đã thực hiện công tác chăm lo an sinh xã hội, thực hiện chăm lo học bổng Nguyễn Hữu Thọ trên 2.000 tỷ đồng. Các hoạt động đó đã chắp cánh ước mơ cho hàng triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó, học giỏi được tiếp tục đến trường.

Hàng triệu ngôi nhà tình nghĩa, tình thương được hình thành và lan tỏa hạnh phúc của mái ấm gia đình. Hàng triệu phương tiện sinh kế tạo nên nguồn thu nhập ổn định; hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các hộ khó khăn.

Đó là những con số “biết nói” thể hiện một cách thuyết phục phẩm chất nghĩa tình của nhân dân Thành phố mang tên Bác kính yêu hướng đến xây dựng Thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân./. 

>>>Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh: Bài 1: Khơi gợi ý chí tự lực thoát nghèo

>>>Giảm nghèo ở TP Hồ Chí Minh - Bài 3: Điểm sáng giữa đại dịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục