Vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo ở Kon Tum

08:24' - 10/09/2020
BNEWS Kon Tum là tỉnh có tỉ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao (chiếm hơn 53%), nhận thức còn nhiều hạn chế nên kinh tế chậm phát triển, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Những năm qua, nhờ tuyên truyền, vận động, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đến được với nhiều bà con nhân dân và được sử dụng một cách có hiệu quả. Nhờ đó, kinh tế phát triển, tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Chị Y Kum (sinh năm 1988, trú thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) lập gia đình năm 2006, khi mới 18 tuổi. Do không có công ăn việc làm ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào trồng cây nông nghiệp, thiếu kiến thức chăm sóc nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2013, khi đã có ba người con, vợ chồng chị vẫn không có của ăn, của để, gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Được sự giới thiệu và tư vấn của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đăk La, chị đã tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng chính sách, vay 20 triệu đồng để nuôi trâu sinh sản. Nhờ sự hỗ trợ của các Hội đoàn thể và quyết tâm vượt khó của mình, đến năm 2016, gia đình chị đã trả được số tiền vay trước đó, tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cải tạo và chăm sóc vườn cà phê.
“Bây giờ mình đã có 1,5 ha cây cà phê rồi, thu nhập hàng năm được trên 100 triệu đồng. Cuộc sống gia đình bây giờ sung túc hơn, xây được nhà, mua được xe, nuôi con cái ăn học và thoát được nghèo năm 2017. Mình cũng tích cực tuyên truyền cho bà con trong thôn vay vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, chị Y Kum vui mừng nói.
Theo ông Nguyễn Quang Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đăk La, toàn xã có 57% là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại 6/10 thôn của xã. Những năm qua, nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các Hội, đoàn thể trong công tác vận động, tuyên truyền người dân tham gia vay vốn và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, kinh tế của người dân trên địa bàn xã đã có những bước phát triển đáng kể.
Đến nay, trong khoảng 2.000 hộ của xã thì có trên 1.000 hộ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ gần 40 tỷ đồng; trong đó, có 7,7 tỷ đồng cho vay nhóm đối tượng hộ nghèo, 2,7 tỷ đồng cho vay hộ cận nghèo và 429 triệu cho vay hộ thoát nghèo.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần không nhỏ trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 16,1% từ năm 2016 xuống còn 8,97% vào cuối năm 2019. Phấn đấu đến hết năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo của Đăk La chỉ còn 5,49%, đạt tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn mới của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Nguyễn Quang Thịnh cho biết thêm.
Còn vợ chồng chị Y Mên (sinh năm 1989, trú xã Đăk BLà, thành phố Kon Tum) có tới 7 người con, trong khi thu nhập của gia đình bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào công đi làm thuê của người chồng. Năm 2017, khi đang thuộc diện hộ nghèo, chị được Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho vay 15 triệu đồng.

Cùng với số tiền 5 triệu đồng nhận hỗ trợ của chính quyền địa phương, chị đã mua một con bò sinh sản. Nhờ chăm chỉ, một năm sau chị đã bán được bò con, trả nợ ngân hàng và tiếp tục vay thêm 50 triệu đồng theo diện hộ nghèo để trồng cao su và tiếp tục chăm sóc bò.
“Bây giờ mình cũng có được 1 ha cao su, đàn bò cũng đã nâng lên thành 6 con. Năm 2018, mình xây được nhà và thoát nghèo năm 2019. Gia đình mình rất cảm ơn nguồn vốn chính sách đã giúp cuộc sống ổn định hơn, và hứa sẽ cố gắng nuôi bò thật tốt để phát triển kinh tế gia đình”, chị Y Mên chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND xã Đăk BLà cho biết, dù xã thuộc thành phố Kon Tum xong lại có điều kiện kinh tế hết sức khó khăn, bởi tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, chiếm trên 74%. Xã có 9 thôn thì có tới 6 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 13,36%.

Với nguồn vốn tín dụng chính sách, xã có 4 Hội, đoàn thể nhận ủy thác và có 19 tổ vay vốn tại tất cả các thôn. Đến nay, dư nợ của xã đạt trên 30 tỷ đồng, với 875 hộ vay.
“Có thể khẳng định, sự hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp nguồn vốn của nhà nước kịp thời đến với người dân, hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình khó khăn có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã.

Với các tổ vay vốn phân bổ rộng khắp, đã kịp thời nắm bắt nhu cầu, tâm tư, kiến nghị của người dân, nhanh chóng giúp họ tiếp cận được nguồn vốn, không phải vay tiền bên ngoài. Nhờ đó, kinh tế gia đình của các hộ dân trên địa bàn xã đã ổn định hơn, góp phần giúp xã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích năm 2020”, ông Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định.
Theo thống kê của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum, hiện đơn vị đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách. Đến 31/8, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum đạt gần 3.000 tỷ đồng.

Qua từng năm, chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho trên 1.850 lao động được tạo việc làm, xây dựng gần 300 căn nhà cho hộ nghèo, gần 8.000 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng, sửa chữa, nâng cấp.

Đặc biệt, nguồn vốn đã góp phần không nhỏ hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, củng cố lòng tin của nhân dân đối với chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, để giảm bớt khó khăn cho bà con nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Kon Tum đã chủ động điều chỉnh nợ đến hạn trong tháng 4/2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đồng thời, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và nguồn vốn cho vay thu hồi để tập trung cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến thời điểm hiện nay,đơn vị đã giải ngân được 620 tỷ đồng cho trên 15.500 lượt hộ vay, tăng 212 tỷ đồng so với đầu năm.
“Mục tiêu của ngân hàng là từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giải ngân trên 250 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để vay vốn sản xuất, kinh doanh; trong đó trình Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam bổ sung 150 tỷ đồng và 100 tỷ đồng từ nguồn vốn thu hồi cho vay quay vòng; đồng thời, tập trung tuyên truyền, lồng ghép một cách đồng bộ, hiệu quả vốn tín dụng chính sách với các nguồn vốn khác của địa phương; các chương trình, dự án khác để nguồn vốn phát huy được hiệu quả cao nhất, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum”, ông Nguyễn Văn Chung nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục