Giảm nợ cho các nước nghèo - vấn đề không đơn giản

07:00' - 22/04/2020
BNEWS Các vụ vỡ nợ đã bắt đầu diễn ra và trên khắp châu Phi, nơi WHO cảnh báo sẽ có 10 triệu ca mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng, các nước đang đứng trước nghĩa vụ thanh toán tổng cộng 44 tỷ USD nợ
Một số chủ nợ công lớn đang phát đi tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng trong việc hỗ trợ các nước nghèo bằng việc giảm nợ trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Tuy nhiên, nhiều người thận trọng cho rằng điều đó thực tế sẽ không đơn giản. 

Thỏa thuận vào tuần trước của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về việc giãn nợ cho 77 nước nghèo từ nay đến hết năm đạt được cùng với cảnh báo từ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass rằng các nhà đầu tư tư nhân không nên cho rằng điều này sẽ dễ dàng.

Các vụ vỡ nợ đã bắt đầu diễn ra và trên khắp châu Phi, nơi Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo sẽ có 10 triệu ca mắc COVID-19 trong vòng sáu tháng, các nước đang đứng trước nghĩa vụ thanh toán tổng cộng 44 tỷ USD nợ chỉ riêng trong năm nay. Các nhóm từ thiện đã ước tính rằng một nhóm 121 chính phủ các nước thu nhập thấp và trung bình đã chi cho việc thanh toán nợ nước ngoài trong năm ngoái nhiều hơn cho hệ thống y tế hiện đang trong tình trạng mất kiểm soát.

Giám đốc quản lý phụ trách các thị trường mới nổi của công ty quản lý quỹ TCW, David Loevinger, cho rằng giảm nợ cuối cùng chính là việc tái cơ cấu nợ, điều vốn phức tạp. Do đó, các nước thuộc Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) sẽ phải quyết định việc có tiếp tục thanh toán nợ hay dừng lại để dành tiền chi cho máy thở và thuốc men. Với nhiều nước, việc không thanh toán nợ là quyết định đúng đắn, nhưng điều này sẽ được xem là vỡ nợ trên quan điểm của các cơ quan xếp hạng tín nhiệm.

Viện Tài chính Quốc tế (IIF) ước tính tổng số nợ nước ngoài của các nước tham gia Sáng kiến Dừng thanh toán nợ của G20 đã tăng gấp đôi kể từ năm 2010, lên hơn 750 tỷ USD. Mức nợ trung bình hiện tương đương hơn 47% GDP ở các nước này.

Ông Loevinger thận trọng cho rằng vỡ nợ có thể khiến các nước dễ tổn thương trước sự tranh thủ của "các quỹ kền kền", khi trước đây đã có một số quỹ đã chớp cơ hội để mua tài sản của các chính phủ.

Các nhóm vận động đã hối thúc việc sửa đổi tạm thời các quy định về quản lý các hợp đồng nợ công để bảo vệ các chính phủ trước những rủi ro đó.

IIF vốn đi đầu trong những nỗ lực kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân cũng cho rằng bất kỳ một sự giảm nợ nào từ lĩnh vực này cũng cần sự tự nguyện và chỉ được xem xét với những nước chính thức đề nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục