Giảm ô nhiễm không khí có thể cứu 3 triệu người Trung Quốc mỗi năm

15:49' - 15/03/2017
BNEWS Trung Quốc có thể tránh được 3 triệu ca tử vong sớm mỗi năm nếu giảm ô nhiễm bụi trong không khí xuống mức mà Liên hợp quốc đưa ra.
Giảm ô nhiễm không khí có thể cứu 3 triệu người Trung Quốc mỗi năm. Ảnh minh họa: Wall Street Journal

Đây là đánh giá được đưa ra trong một nghiên cứu công bố ngày 15/3 trên tạp chí y học BMJ, cho thấy việc chấp nhận và thực hiện các tiêu chuẩn không khí chặt chẽ hơn sẽ đem lại những lợi ích lớn cho sức khỏe cộng đồng.

Trong nghiên cứu tập trung vào loại bụi được đặt tên khoa học là PM10, nhỏ hơn 10 micron (1 micron = 1 phần triệu m), nhỏ hơn sợi tóc người vài lần, các nhà nghiên cứu cho rằng độ bụi PM10 cứ tăng lên 10 ug/m3 sẽ làm tăng 0,44% số trường hợp tử vong hàng ngày chủ yếu do các bệnh tim phổi như hen hay bệnh phổi mãn tính. 

Trong nghiên cứu kéo dài 3,5 năm, các nhà nghiên cứu cho biết đã có 350.000 trường hợp tử vong liên quan vấn đề này tại 38 thành phố được chọn ở Trung Quốc.

Tính chung cho cả nước, Trung Quốc có thể cứu 3 triệu người không bị chết sớm mỗi năm nếu giảm mức bụi PM10 hàng ngày xuống chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Mật độ bụi trung bình ngày ở 38 thành phố lớn nhất Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 7/2013 ở vào khoảng 93 ug/m3 (microgam/m3) không khí, cao hơn rất nhiều so với chuẩn của WHO là 20 ug/m3.

Cái chết sớm được các nhà nghiên cứu định nghĩa là chết trước khi đạt được độ tuổi nhất định của nhóm người nào đó. Nhiều cái chết trong số này được đánh giá là có thể ngăn chặn. Các nhà nghiên cứu cho biết những người trên 60 tuổi có nguy cơ tử vong do ô nhiễm bụi cao hơn, trong khi phụ nữ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nam giới.

Phát sinh từ đốt than, dầu xe hơi và các nhà máy điện, cháy rừng, núi lửa phun trào hoặc bão bụi, các hạt bụi bay trong không khí có thể thâm nhập vào đường thở và gây ra các vấn đề hô hấp. Chúng cũng có thể làm đen các tòa nhà và góp phần gây ra mưa axít.

Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Indonesia là những nước bị tác động mạnh nhất của ô nhiễm không khí. Chẳng hạn thành phố New Delhi đã vượt mức mật độ bụi PM10 700 ug/m3.

Một số đo ô nhiễm không khí quan trọng khác là các hạt bụi PM2.5 có đường kính 2,5 micron hoặc nhỏ hơn. Những hạt bụi này nhỏ và nhẹ và thậm chí có thể vào sâu trong phổi hơn. Tuy nhiên nghiên cứu trên chỉ tập trung vào ô nhiễm PM10./.

>>> Trung Quốc đặt mục tiêu về chất lượng không khí

>>> Châu Âu "ngạt thở" do ô nhiễm khói mù dày đặc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục