Giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị lớn

14:00' - 22/02/2020
BNEWS Công tác quan trắc nhằm đánh giá diễn biến chất lượng môi trường, góp phần đưa ra các giải pháp kịp thời để quản lý, tăng cường chất lượng môi trường.
Năm 2020, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường. Ảnh minh họa: TTXVN

Bởi vậy, năm 2020, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) tập trung thực hiện tốt chương trình quan trắc, giám sát chất lượng môi trường, đặc biệt tăng cường quan trắc, giám sát chặt chẽ diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị lớn, các điểm nóng về môi trường.

Trung tâm tiếp tục nâng cao vai trò đầu mối hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, tập trung đẩy mạnh hoạt động công bố thông tin quan trắc chất lượng môi trường; tổ chức các chương trình thử nghiệm liên phòng theo ISO/IEC 17025:2017; thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn các thiết bị quan trắc môi trường cho các đơn vị thuộc mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia, địa phương và doanh nghiệp; tổ chức hoạt động đánh giá chất lượng hệ thống quan trắc tự động, gắn với việc thực hiện lấy mẫu phân tích đối chứng, giúp các doanh nghiệp đảm bảo chất lượng số liệu theo đúng quy định; phối hợp kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường; tăng cường quản lý chất lượng không khí, chất lượng môi trường nước mặt trong các khu đô thị, khu dân cư, các vùng kinh tế trọng điểm.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức, năm 2020, ngành môi trường vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, trong đó có vấn đề về chất lượng môi trường không khí. Bên cạnh đó, đòi hỏi của người dân là được sống trong môi trường không khí trong lành, nên cán bộ ngành môi trường phải làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường nói riêng và quan trắc môi trường nói chung với những yêu cầu ngày càng cao hơn. Trung tâm cần phân tích, xây dựng bộ dữ liệu quan trắc môi trường có chất lượng tốt, khách quan, qua đó, đánh giá được chất lượng môi trường.

Do Trung tâm là cơ quan môi trường quốc gia nên cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm soát các đơn vị khác trong thực hiện quan trắc và phân tích môi trường; nâng cao công tác tự cập nhật thông tin, tự đào tạo chuyên môn đối với các cán bộ làm công tác quan trắc và phân tích môi trường.

Năm 2020, Trung tâm cần bổ sung nhiệm vụ xây dựng báo cáo quan trắc thường niên về diễn biến chất lượng môi trường cho từng địa phương, khu vực và quốc gia; phối hợp với 2 Trung tâm Quan trắc môi trường miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam xây dựng báo cáo môi trường giai đoạn 2016 - 2020 để báo cáo Quốc hội; sớm đưa phần mềm thông báo chất lượng môi trường trên thiết bị di động vào vận hành; rà soát lại các chương trình quan trắc môi trường các lưu vực sông, khu kinh tế; xây dựng báo cáo kết quả quan trắc môi trường các lưu vực sông, khu kinh tế bao hàm sự so sánh, đánh giá, từ đó đưa ra các đề xuất, giải pháp để tăng cường chất lượng môi trường cho các lưu vực sông, khu kinh tế.

Trung tâm chủ trì, phối hợp thực hiện rà soát các chương trình quan trắc môi trường định kỳ hiện nay, gộp các chương trình này lại thành một chương trình, đồng thời chia việc thực hiện chương trình quan trắc môi trường theo 3 vùng cho 3 Trung tâm thực hiện nhằm chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa công tác quan trắc môi trường.

Đồng thời, Trung tâm nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, dự án mới về kiểm soát, tăng cường chất lượng không khí tại một số đô thị lớn; bổ sung phương pháp phân tích, quan trắc đối với các thông số môi trường mới phù hợp với công tác quản lý môi trường hiện nay; xây dựng dự án tăng cường đầu tư trang thiết bị để áp dụng các phương pháp phân tích, quan trắc đối với các thông số môi trường mới; xây dựng đề án về tiếp quản các hệ thống quan trắc môi trường từ các dự án đã triển khai./.

Xem thêm:

>>Chất lượng không khí ở Bắc Bộ có hại cho sức khỏe

>>Phóng thành công vệ tinh địa tĩnh quan trắc môi trường đầu tiên trên thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục