Giám sát chặt việc kê khai, niêm yết giá cước vận tải

18:25' - 15/02/2022
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu rà soát các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá tại pháp luật chuyên ngành trước khi ban hành, bảo đảm không có quy định chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá.

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tham mưu, Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các Cục quản lý chuyên ngành triển khai công tác điều hành giá năm 2022 theo văn bản số 882/VPCP- KTTH ngày 10/2/2022 của Văn phòng Chính phủ.

 

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị đánh giá, sửa đổi hoàn thiện thể chế pháp luật về giá để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện. Đồng thời, chủ động rà soát các quy định pháp luật về giá và thẩm định giá tại pháp luật chuyên ngành trước khi ban hành, bảo đảm không có quy định chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Giá.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu thuộc lĩnh vực quản lý để có biện pháp điều hành, bình ổn giá; chủ động gỡ khó cho sản xuất kinh doanh và lưu thông phân phối hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bên cạnh đó các đơn vị phải đẩy mạnh kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; tăng cường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động có kế hoạch hoặc lồng ghép vào các kế hoạch nhiệm vụ chuyên môn để tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

“Các cơ quan, đơn vị phối hợp với các đơn vị liên quan tính toán các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động có phương án điều hành phù hợp khi có dư địa, nhất là đối với các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, các dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý cần tận dụng các tháng có CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tăng thấp để điều chỉnh nhằm hạn chế lạm phát kỳ vọng”, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo.

Đối với Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành: Hàng hải Việt Nam, Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, báo cáo Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trên báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị về Bộ trước ngày 10/03/2022.

Tại công văn số 882/VPCP-KTTH của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2022, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh, rà soát biến động chi phí đầu vào đối với các dịch vụ do Bộ quản lý, trường hợp cần thiết phải điều chỉnh tăng thì báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét, quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát.

Trong một diễn biến liên quan đến vận tải, Bộ Giao thông Vận tải cũng vừa yêu cầu các đơn vị trong ngành, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an toàn giao thông sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt nam có trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông, chủ động xả trạm (mở barie) để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài. Đồng thời yêu cầu các đơn vị vận tải tuân thủ quy tắc giao thông, phòng ngừa tai nạn trên đường đèo dốc, tại các đường ngang đường sắt; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần đôn đốc Sở Giao thông Vận tải các địa phương đẩy mạnh khai thác dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô nhằm giám sát, kịp thời cung cấp dữ liệu cho các lực lượng chức năng xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện và lái xe vi phạm; tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải, đặc biệt tập trung vào các quy định bảo đảm an toàn giao thông đối với lái xe kinh doanh vận tải

Đối với lĩnh vực hàng không, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các Cảng vụ hàng không tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn, an ninh hàng không, các dịch vụ tại cảng hàng không, sân bay và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp với các cơ quan chức năng của Tp. Hồ Chí Minh tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông không để xảy ra ùn tắc giao thông tại sân bay và khu vực lân cận.

"Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát và có biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa các sự cố uy hiếp đến hoạt động vận chuyển hàng không; chỉ đạo các hãng hàng không xây dựng phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp với diễn biến của dịch bệnh để có phương án tổ chức vận tải hành khách tối ưu, điều hành lịch bay hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến đặc biệt trong các ngày cao điểm sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022", Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục