Giám sát không để người dân sử dụng vốn chính sách sai mục đích

17:44' - 19/03/2021
BNEWS Việc cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những chương trình tín dụng đem lại hiệu quả cao trong việc thoát nghèo bền vững.

Tại Hội nghị Tổng kết chính sách cho vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 – 2020 do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạc Liêu và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bạc Liêu phối hợp tổ chức ngày 19/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam cho biết, Ban Quản lý Tổ tiết kiệm vay vốn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, UBND các cấp phải làm tốt việc xác nhận đối tượng thụ hưởng, không qua loa, cảm tính.

Sau khi cho vay phải quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, không để người dân  sử dụng vốn vay sai mục đích dẫn đến thất thoát vốn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng của nguồn vốn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ban ngành, đoàn thể phải phối hợp nhịp nhàng với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc cấp vốn, xây dựng đề án tạo việc làm đến việc hướng dẫn cách thức làm ăn, giải pháp kỹ thuật, mô hình sản xuất… cho hộ vay trong sử dụng vốn.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, huyện phải tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương một cách rõ ràng, cụ thể từng nội dung, đi vào chiều sâu, tránh hình thức.

Ông Vương Phương Nam yêu cầu các đơn vị có liên quan giữ vững và phát triển Quỹ quốc gia phát triển việc làm, tăng trưởng dư nợ, nâng suất đầu tư, qua đó cung cấp đủ nguồn vốn cho người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh.

Theo ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bạc Liêu, việc cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là một trong những chương trình tín dụng đem lại hiệu quả cao trong việc thoát nghèo bền vững.

Cụ thể, trong 5 năm (2016 – 2020), tổng nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh gần 2.200 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn thực hiện cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 196 tỷ đồng, chiếm 9% nguồn vốn tín dụng chính sách, tăng 123 tỷ đồng so với năm 2015. Số lao động được giải quyết việc làm gần 113.800 lao động; xuất khẩu lao động gần 1.500 người.

Từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm này xuất hiện nhiều dự án, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao: mô hình trồng nhãn, trồng măng tây và đầu tư nuôi tôm (thành phố Bạc Liêu); dự án cơ sở mộc, dự án mua bán nhôm sắt (thị xã Giá Rai); dự án đan đát chổi, nuôi cua đinh, mô hình sản xuất bún – phở (huyện Phước Long); dự án mua bán, sản xuất chậu kiểng  (huyện Hồng Dân)…

Tuy nhiên, ông Bùi Minh Túy cũng nhận định nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm tăng trưởng hàng năm còn thấp so với nhu cầu vay vốn thực tế của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh.

Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường, dịch bệnh, tại nạn, ốm đau và các nguyên nhân khách quan bất khả kháng khác dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro trong quá trình sử dụng vốn tín dụng.

Đồng thời, những món nợ do người vay bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ. Hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ với hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội từng lúc chưa cao, làm cho hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước trong việc tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn còn một số mặt hạn chế nhất định.

Thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội Bạc Liêu cho biết tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với từng đối tượng vay vốn, đặc biệt là đối với người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội khác.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nhất là Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách”, Nghị định 78 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Nghị định 61 năm 2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm…

Ngoài ra, tỉnh tăng cường nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của người dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo chính sách thực hiện đúng đối tượng và hiệu quả nguồn vốn cho vay; hạn chế tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu phát sinh.

Dịp này, 8 tập thể và 26 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen vì đã có những đóng góp xuất sắc cho Chương trình cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì và mở rộng việc làm giai đoạn 2016 – 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục