Giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy

08:05' - 06/04/2018
BNEWS Từ nhiều năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy trên địa bàn tỉnh Hà Nam luôn ở mức báo động, gây bức xúc trong nhân dân.

Để hạn chế gia tăng ô nhiễm, đầu tháng 11/2016, tỉnh Hà Nam đã ban hành Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, địa bàn các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng nhằm giải quyết dứt điếm tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động sản xuất, kinh doanh đặc biệt do sản xuất vật liệu xây dựng gây ra.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, kết quả đạt được mới chỉ ở mức bước đầu, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được giải quyết triệt để nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn được cải thiện nhiều.
Thực hiện Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy, địa bàn các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu trong giai đoạn 2016-2018 xử lý 100% rác thải tồn đọng tại khu vực bãi rác cũ, không để tình trạng ô nhiễm phát sinh từ bãi rác cũ; 100% các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản thực hiện nghiêm những nội dung đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản tiến hành phục hồi môi trường theo đúng kế hoạch trong các đề án, phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt; 100% các cơ sở thực hiện đo kiểm soát ô nhiễm môi trường định kỳ gửi cơ quan quản lý Nhà nước; 100% các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống quan trắc tự động hệ thống khí thải, truyền tải số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường và vận hành thường xuyên hệ thống xử lý khí thải; đảm bảo các xe vận chuyển vật liệu chở đúng trọng tải, chạy đúng tốc độ; chấm dứt hoạt động của các máng rót tự phát không phù hợp quy hoạch được duyệt trên sông Đáy...
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, các sở, ngành và 2 huyện Thanh Liêm, Kim Bảng đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao như: xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, tuyên truyền, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra về công tác bảo vệ môi trường khu vực Tây Đáy.

Tuy nhiên đây mới chỉ là kết quả đạt được ở mức bước đầu, chưa đáp ứng được mục tiêu của Đề án, vẫn còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần phải giải quyết.
Ông Đinh Xuân Thông - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: Một số sở, ngành, địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm được giao trong Đề án để tình trạng phần lớn các cơ sở khai thác, chế biến đá trong khu vực Tây Đáy chưa thực hiện đúng thiết kế mỏ đã phê duyệt; tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động khai thác, chế biến vật liệu xây dựng, hoạt động sản xuất xi măng, hoạt động cầu cảng và vận tải… khu vực Tây Đáy vẫn diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

Công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong khu vực Tây Đáy chưa được triển khai đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức.

Các địa phương chưa chú trọng trong việc kiểm tra, rà soát thủ tục môi trường, thủ tục đầu tư của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về vận tải trong khu vực Tây Đáy còn hạn chế, xe chở vật liệu xây dựng vẫn chở quá tải trọng, chạy quá tốc độ gây ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở khu vực phía Tây sông Đáy chưa xây dựng đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đã đi vào hoạt động; chưa đóng góp đầy đủ kinh phí để hỗ trợ các đơn vị dịch vụ môi trường thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Nhiều doanh nghiệp khai thác, chế biến đá chưa thực hiện đúng, đủ các giải pháp xử lý bụi, khí thải, nước thải, chất thải rắn theo cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt và chưa lập báo cáo hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp khai thác, chế biến đá đã thực hiện đo kiểm môi trường nhưng chưa đủ tần suất, rất ít doanh nghiệp gửi báo cáo kết quả về cơ quan quản lý Nhà nước. Một số doanh nghiệp khai thác đá không đúng thiết kế mỏ, vượt công suất, lập hộ chiếu nổ mìn không đầy đủ…
Các doanh nghiệp cầu cảng chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình xuất, nhập hàng hóa; chưa chấm dứt hoạt động của một số cầu cảng, máng rót tự phát. Hiện mới có Công ty cổ phần Xi măng Xuân Thành lắp đặt xong hệ thống quan trắc tự động đối với khí thải, còn 4 nhà máy xi măng khác trên địa bàn vẫn chưa hoàn thành.

Đáng ngại nhất là tình trạng các xe chở vật liệu trong khu vực Tây Đáy thường xuyên quá tải trọng, bạt che phủ không kín và chạy thường quá tốc độ cho phép nên vật liệu xây dựng rơi vãi xuống đường và gây bụi…
Để Đề án tổng thể giảm thiểu ô nhiễm môi trường khu vực phía Tây sông Đáy địa bàn các huyện Kim Bảng, Thanh Liêm phát huy hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Minh Hiến đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được phân công trong Đề án.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các sở, ngành, địa phương duy trì công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp khu vực Tây sông Đáy.

Sở Giao thông Vận tải đề xuất giải pháp quản lý, điều tiết giao thông đường thủy trên sông Đáy; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận tải vật liệu xây dựng tại khu vực mỏ, bãi chế biến, cảng; phối hợp với các địa phương quản lý các tuyến đường trong khu vực thực hiện Đề án.

Sở Công Thương tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh trong khai thác khoáng sản; kiểm tra, giám sát hoạt động sử dụng vật liệu nổ công nghiệp của các doanh nghiệp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiẻm soát và phải xử lý nghiêm các trường hợp xe chở vật liệu xây dựng quá tải trọng trong khu vực phía Tây sông Đáy.

Các nhà máy sản xuất xi măng khẩn trương lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, hoàn thành trong quý II năm 2018. Các cơ quan chức năng tiếp tục siết chặt, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường.

Các doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường và lập báo cáo hoàn thành gửi về cơ quan quản lý kiểm tra, xác nhận theo quy định của pháp luật; nghiêm túc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khai thác đúng công suất, thiết kế mỏ đã được phê duyệt; nghiêm túc thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; khai thác đúng công suất, thiết kế mỏ đã được phê duyệt. các doanh nghiệp sử dụng vật liệu nổ theo đúng hộ chiếu nổ mìn, đảm bảo an toàn lao động; duy trì thường xuyên hoạt động của các công trình bảo vệ môi trường…/.

>>>Phú Thọ xử phạt doanh nghiệp nhiều lần gây ô nhiễm môi trường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục