Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong giao dịch thương mại quốc tế

15:26' - 19/01/2018
BNEWS Các doanh nghiệp nội địa có quy mô nhỏ và vừa, còn hạn chế về nguồn lực tài chính cũng như khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.
Giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp trong thương mại quốc tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Quản trị và giảm thiểu các rủi ro phát sinh trong các giao dịch thương mại quốc tế là nội dung chính được các chuyên gia đề cập tại “Hội thảo kết nối khách hàng và nhà cung ứng nước ngoài cho doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 19/1.

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2017 vừa qua, kinh tế Việt Nam có sự khởi sắc, đạt mức tăng trưởng cao hơn dự báo; trong đó, xuất khẩu đóng góp khá lớn vào sự tăng tưởng chung của nền kinh tế với giá trị gần 214 tỷ USD, xuất siêu hơn 2,7 tỷ USD.

Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn đều thuộc về các doanh nghiệp FDI. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nội địa đều có quy mô nhỏ và vừa, còn hạn chế về nguồn lực tài chính cũng như khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài.

Một số doanh nghiệp còn ngại đối mặt và chưa có biện pháp quản trị cũng như xử lý các rủi ro từ giao dịch thương mại quốc tế.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc Trường Đại học Ngoại thương cơ sở II cho rằng, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp phải đối mặt với thực tế bị thu hẹp thị phần trong nước, do cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài.

Vì vậy, muốn duy trì sản xuất và phát triển thị trường, doanh nghiệp không còn cách nào khác là phải tiếp cận các thị trường nước ngoài, đồng nghĩa với việc thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Minh, giao dịch thương mại quốc tế hiện nay đã phát sinh rất nhiều rủi ro. Có thể kể đến những rủi ro như thay đổi chính sách, sự khác biệt về hệ thống pháp lý thương mại giữa các quốc gia, những biến động về lạm phát, lãi suất hay tỷ giá…

Tuy nhiên, phổ biến nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu chính là rủi ro từ đối tác như chậm thanh toán, không có khả năng thanh toán, thậm chí lừa đảo để chiếm dụng hàng hóa.

Các chuyên gia tài chính nhận định, rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế phần lớn xuất phát từ các điều khoản thanh toán. Bà Sandy Toh, Giám đốc cấp cao giải pháp thương mại quốc Ngân hàng UOB cho biết, phương thức thanh toán phổ biến hiện nay là ghi nợ, bên mua nhận hàng trước và thanh toán sau một khoảng thời gian nhất định.

Phương thức này có lợi cho người mua khi có thể kiểm tra số lượng và chất lượng hàng hóa trước khi thanh toán nhưng lại bất lợi cho bên bán, do nhận được tiền chậm, khiến dòng vốn lưu chuyển chậm, thậm chí có thể bị khách hàng lừa đảo, không thanh toán. Ngược lại, phương thức thanh toán trước, nhận hàng sau lại chỉ có lợi cho bên bán, đẩy rủi ro về phía người mua.

Vì vậy, để tránh xung đột về quyền lợi và tránh rủi ro trong thanh toán cho cả hai bên, trước khi thực hiện giao dịch, các doanh nghiệp nên kiểm định khả năng tài chính của đối tác thông qua sao kê giao dịch tại ngân hàng; đồng thời lựa chọn các giải pháp thanh toán đảm bảo như: thư tín dụng để chắc chắn tiền hàng được thanh toán đầy đủ và đúng hạn.

Để quản trị và giảm thiểu tối đa những rủi ro trong giao dịch thương mại quốc tế, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp khi tiếp cận một thị trường mới, khách hàng mới cần tìm hiểu kỹ thông tin thị trường, đối tác, kiểm định thông tin đa chiều trước khi quyết định hợp tác.

Thêm vào đó, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cũng cần hiểu chính xác, đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng và cơ sở pháp lý để giải quyết trong trường hợp xảy ra tranh chấp./.

>>>Cơ hội cho startup và doanh nghiệp Việt Nam vươn ra thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục