Hải quan Thừa Thiên - Huế xây dựng quan hệ đối tác với 9 doanh nghiệp

10:07' - 19/01/2018
BNEWS Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và phát triển quan hệ đối tác với 9 doanh nghiệp trên địa bàn trong đó, bao gồm 6 doanh nghiệp đã ký kết năm 2016 và 3 doanh nghiệp phát triển mới.

Năm 2018, Cục Hải quan tỉnh Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu ngân sách đạt 420 tỷ đồng.

Để đạt được kết quả này, Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thủ tục đơn giản, công khai minh bạnh, hiệu quả; phát triển và hiện đại hoá hải quan; tăng cường thanh kiểm tra chuyên ngành; chú trọng quản lý hải quan, quản lý thu thuế đối với hàng xuất nhập khẩu, thực hiện thu đúng, thu đủ, nộp ngân sách nhà nước.

Hải quan Thừa Thiên - Huế phấn đấu thu ngân sách đạt 420 tỷ đồng. Ảnh minh họa: TTXVN

Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế cũng thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực thu thập, xử lý thông tin; đẩy mạnh kiểm soát nhằm hạn chế hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và ma tuý, không để phát sinh điểm nóng.

Ông Hoàng Văn Hiển, Cục trưởng Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế cho biết, năm 2017 với chủ đề "Đồng hành và đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh", Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế tiếp tục vận hành ổn định, có hiệu quả hệ thống thông quan tự động (VNACCS) tại tất cả các chi cục hải quan cửa khẩu trực thuộc. Cùng với đó, việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu luôn thuận lợi, thông suốt nhờ sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ hải quan…

Để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất, Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Nếu vướng từ phía thủ tục hải quan, hoặc nếu vướng từ cơ chế chính sách, đơn vị sẽ đề xuất lên các cấp có thẩm quyền cùng vào cuộc tháo gỡ.

Đáng chú ý, Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế đã xây dựng và phát triển quan hệ đối tác với 9 doanh nghiệp trên địa bàn; trong đó, bao gồm 6 doanh nghiệp đã ký kết năm 2016 và 3 doanh nghiệp phát triển mới là Công ty cổ phần Chế biến Lâm sản Xuất khẩu Pisico Huế, Công ty TNHH HanesBrands Việt Nam Huế, Công ty TNHH Thương Mại Carlsberg Việt Nam.

Nội dung quan hệ đối tác, phía cơ quan hải quan đã chú trọng việc tiếp cận doanh nghiệp; chủ động mời doanh nghiệp tham gia để trao đổi, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan đến lĩnh vực hải quan…

Ngược lại, phía doanh nghiệp, nhiều công ty đã thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình và kế hoạch sản xuất, kinh doanh với cơ quan hải quan; tích cực tham gia ý kiến và đề xuất các giải pháp xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật hải quan, phối hợp thực hiện tốt thủ tục hải quan trên hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; tham gia nộp thuế xuất nhập khẩu và đóng góp nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước.

Các hoạt động nêu trên góp phần thực hiện hiệu quả cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP; đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hoá và xây dựng lực lượng Hải quan trong sạch vững mạnh; tăng cường quản lý, phấn đấu đạt chỉ tiêu thu nộp ngân sách cho nhà nước.

Theo Công ty cổ phần Dệt may Huế, doanh nghiệp chuyên sản xuất ngành hàng may mặc xuất khẩu lớn, hàng năm đóng góp trên 50 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước; sự phối hợp của cơ quan hải quan với doanh nghiệp hiện đã được nâng lên một tầm cao mới.

Ông Nguyễn Thanh Tý, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Huế khẳng định, hiện tại, hải quan Thừa Thiên - Huế coi doanh nghiệp là đối tác. Sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính ở hải quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp thông quan nhanh, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Trong năm 2017, Cục Hải quan Thừa Thiên - Huế đã thực hiện làm thủ tục cho 105 doanh nghiệp, 380 lượt phương tiện, 135.300 lượt người, tăng hơn 40% so với năm trước; thu ngân sách được trên 410 tỷ đồng, đạt 103% chỉ tiêu pháp lệnh được giao.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục