Giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động tín dụng

10:58' - 27/04/2016
BNEWS Ngày 27/4, tại Hà Nội, Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Hiệp hội ngân hàng Việt Nam tổ chức hội thảo "Xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án".
Giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động tín dụng. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Sự kiện thu hút mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia nghiên cứu kinh tế, tài chính và ngân hàng, cùng giới luật gia.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam nhận định, tranh chấp tín dụng là vấn đề diễn ra khá thường xuyên trong các hoạt động thương mại, hợp đồng kinh tế... khi một trong các bên không đạt tới sự đồng thuận và thống nhất về việc thực thi các điều khoản cam kết.

Hội thảo được tổ chức nhằm cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng có hoạt động cấp tín dụng về những vấn đề pháp lý đang vướng mắc được tổng hợp từ các vụ việc tranh chấp tín dụng cụ thể tại tòa án và trọng tài.

Đặc biệt là những vướng mắc lớn mà doanh nghiệp thường gặp phải trong quá trình thu hồi các khoản tín dụng cấp cho khách hàng.

Từ đó, rút ra những lưu ý và khuyến nghị cho các doanh nghiệp hội viên, nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động tín dụng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học pháp lý VIAC đã chia sẻ nhiều thực tiễn qua việc thụ lý các hồ sơ cụ thể tại tòa án.

Qua đó, cho thấy thực trạng giải quyết tranh chấp tín dụng tại Việt Nam; các kinh nghiệm xử lý; phân tích những điểm xử lý còn chưa đồng nhất trong quá trình một tổ chức tín dụng khởi kiện để đòi lại các khoản nợ từ khách hàng vay vốn tại tòa án; nhiều điều cần lưu tâm đối với doanh nghiệp khi tham gia giải quyết các tranh chấp, cùng các khuyến nghị đối với phía ngân hàng nhằm phòng tránh các rủi ro pháp lý...

So sánh phương thức trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp thương mại nói chung và tranh chấp tín dụng nói riêng, Luật sư Vũ Ánh Dương cho rằng, ưu điểm của việc xử lý tranh chấp tín dụng tại trọng tài và tòa án là thủ tục khá linh hoạt, đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận giữa các bên tranh chấp, thời gian giải quyết ngắn, không công khai, đặc biệt là phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm và được chuyển thẳng sang cơ quan thi hành án để cưỡng chế thi hành.

Trọng tài thương mại là phương thức hiệu quả trong việc giải quyết các tranh chấp tín dụng hiện nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục