Giảm tổn thất điện năng – Bài 3: Xây dựng phương thức vận hành tối ưu

06:30' - 04/09/2016
BNEWS Nhiều giải pháp giảm tổn thất điện năng đã được Tổng Công ty Điện lực TP.HCM thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Trung tâm điều khiển hệ thống điện Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, Tp Hồ Chí Minh cũng phải quản lý hệ thống lưới điện bao gồm nhiều cấp điện áp, từ hạ thế (0,4kV) đến trung thế (15/22kV) và cao thế (110/220kV) với khối lượng hơn 2.500 km lưới điện 22kV, hơn 3.800 km lưới điện 12kV, gần 11.800 km đường dây hạ thế, gần 14.500 trạm biến áp phân phối….

Tăng trưởng sản lượng điện thương phẩm của Tp Hồ Chí Minh trong 7 tháng qua cũng đạt mức 11,12%, gần bằng mức tăng trưởng điện của cả nước là 11,56%. Trong đó, tỷ trọng điện sử dụng trong công nghiệp và xây dựng là 40%, sinh hoạt cũng 40%, dịch vụ là 13%...

Mặc dù vậy, trong giai đoạn 5 năm qua (2011-2015) tỷ lệ tổn thất điện năng của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm đáng kể, từ 5,76% xuống còn 4,66%. Ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty nhận xét, đây là một trong những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói chung và của Tổng Công ty nói riêng.

Ông Nguyễn Văn Lý cho biết, tổn thất điện năng hiện nay của Tp. Hồ Chí Minh đang dần tiệm cận đến ngưỡng tổn thất kỹ thuật. Nhiều giải pháp giảm tổn thất đã được Tổng Công ty thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.

Trong đó phải kể đến việc đưa vào vận hành các công trình đầu tư xây dựng như các trạm biến áp 220kV Bình Tân, Hiệp Bình Phước và Củ Chi 2 cùng với đẩy nhanh tiến độ khai thác 100 đường dây trung thế đã góp phần giảm tổn thất trên lưới điện cao thế trong phạm vi Tổng Công ty quản lý từ 0,71% năm 2011 xuống còn 0,53% năm 2015, đồng thời rút ngắn bán kính cấp điện, giảm tải cho các khu vực lân cận.

Không những thế, Tổng công ty còn ngầm hóa lưới điện một số khu vực, cải tạo các khu vực có lưới điện cũ nát, tổn thất cao, vừa giảm tổn thất điện năng, vừa giảm sự cố về điện. Hay xây dựng phương thức vận hành tối ưu cho hệ thống điện cũng như lắp mới tụ bù trung, hạ thế để nâng cao chất lượng điện áp, giảm tổn thất điện năng.

Thực hiện Chương trình nâng cấp điện áp từ 15kV lên 22kV, trong năm nay, các Công ty Điện lực trên địa bàn thành phố sẽ nâng cấp 258/539 tuyến dây 15kV với tổng chiều dài 3.809 km. Đồng thời kiểm tra, hoán chuyển hơn 3.200 các trạm biến áp non, quá tải để vận hành hệ thống điện được hiệu quả nhất.

Việc từng bước ứng dụng công nghệ vào quản lý tổn thất điện năng, đặc biệt là tổn thất khu vực như triển khai hệ thống thu thập dữ liệu công tơ từ xa, bản đồ thông tin địa lý lưới điện trên GIS, lắp khoảng 800 máy biến áp siêu tiết kiệm Amorphous… đã góp phần nâng cao hiệu quả giảm tổn thất.

Trung tâm Chăm sóc khách hàng TCT Điện lực Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Hiện thành phố đã lắp đặt khoảng 20% công tơ điện tử trên tổng số 2,1 triệu khách hàng, vừa nâng cao năng suất lao động cho ngành điện, vừa thuận lợi cho cả bên mua và bán điện.

“Trên thực tế, trên địa bàn thành phố mỗi năm có hàng nghìn vụ ăn cắp điện, truy thu hàng chục tỷ đồng/năm. Qua việc lắp đặt công tơ điện tử, đa số khách hàng có hành vi tiêu cực không có cơ hội lấy cắp điện năng, từ đó ngăn ngừa hành vi trộm cắp điện”, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Lý nói.

Thực tế là việc triển khai hệ thống thu thập dữ liệu từ xa đối với thế giới không mới nhưng với Tp Hồ Chí Minh sẽ ảnh hưởng đến hơn 90 triệu dân nếu có sai sót hay vướng mắc xảy ra. Bởi bài học từ năm 2005 khi vội vàng triển khai công tơ điện tử đã cho Tổng Công ty thêm kinh nghiệm triển khai cho giai đoạn sau với sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông và các đoàn thể ban ngành tại địa phương với trên 2.000 khu phố trên địa bàn.

Bên cạnh đó, hiệu quả mang lại từ các giải pháp tuyên truyền ngăn chặn vi phạm sử dụng điện trong nhân dân cũng góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm sử dụng điện.

Thống kê của Tổng Công ty cho thấy, các nội dung sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, các quy định của pháp luật về xử phạt các hành vi vi phạm trong lĩnh vực điện lực… đều được hướng dẫn và phổ biến thông qua các phương tiện truyền thông, qua các Hội nghị khách hàng, Hội nghị ngành điện với địa phương, tuyên truyền đến từng khu phố.

Từ đó mang lại hiệu quả rất tốt trong quản lý tổn thất của Tổng Công ty. Chỉ riêng giai đoạn 5 năm qua, qua kiểm tra vi phạm sử dụng điện trên địa bàn, Tổng Công ty đã xử lý, truy thu được 48,88 triệu kWh. Nếu tính theo giá mua điện của EVN là 1.293 đồng/kWh thì số tiền truy thu được cũng lên đến hơn 63,2 tỷ đồng.

Để tiếp tục giảm sâu tỷ lệ tổn thất điện năng trong thời gian tới, đạt mức 3,48% vào năm 2020, Tổng Công ty sẽ tăng cường đầu tư xây dựng và hiện đại hóa lưới điện cũng như triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về công nghệ và quản lý.

Từ nay đến năm 2020, theo lộ trình EVN đã phê duyệt, Tổng Công ty Điện lực miền Nam tiếp tục ngầm hóa lưới điện và xây dựng lộ trình thay thế công tơ điện tử đo xa. Mục tiêu là đến năm 2020 sẽ thay thế toàn bộ công tơ cơ bằng công tơ điện tử có hệ thống đo xa trên địa bàn toàn thành phố.

Chương trình nâng cấp các tuyến đường dây có điện áp từ 15 lên 22kV sẽ được các Công ty điện lực hoàn thành vào năm 2017.

Tổng Công ty Điện lực Tp.Hồ Chí Minh cho biết, khi giảm tổn thất về mức dưới 4,5% là đã gần tiệm cận với tổn thất kỹ thuật, còn muốn giảm tổn thất kỹ thuật thì lại liên quan đến đầu tư công nghệ mới như lắp máy biến áp siêu tiết kiệm Amorphous…. Tuy vậy vẫn phải tính lợi ích trên chi phí nếu phải bỏ ra số tiền quá lớn để mang lại tỷ lệ tổn thất điện năng quá nhỏ ?

Khu Chế xuất Linh Trung 1 được lấp đầy từ năm 1997 và lớn nhất trong 3 khu công nghiệp của quận Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Cùng với Khu chế xuất Tân Thuận, đây là 2 khu công nghiệp-chế xuất đầu tiên của cả nước có sản lượng điện tiêu thụ hàng năm gần 15 triệu kWh.

Ông Nguyễn Đức San, Phó Trưởng ban điều hành Khu chế xuất Linh Trung 1 và 2 cho biết, sau 22 năm đi vào hoạt động, nhờ Công ty Điện lực Thủ Đức đảm bảo cung cấp điện với chất lượng điện và dịch vụ tốt nên 29 doanh nghiệp đầu tư trong khu đều yên tâm sản xuất kinh doanh.

Đánh giá về việc nâng cấp điện áp thành chuẩn 22kV của Công ty Điện lực Thủ Đức, ông San cho rằng đơn giá tiền điện chắc chắn giảm xuống. Cụ thể, vào giờ bình thường, nếu điện áp 15kV, đơn giá tiền điện là 1.453 đồng/kWh thì lên 22kV, đơn giá giảm xuống là 1.405 đồng/kWh. Từ đó, tổn thất điện năng cũng giảm theo.

Trên thực tế, cách đây 20 năm, Khu chế xuất đã phải đầu tư máy biến áp với 2 cấp điện áp 15 và 22kV nên hiện nay, đối với những khách hàng khi chuyển đổi sang cấp điện áp 22kV thì chi phí không nhiều, chỉ mất vài chục triệu đồng.

Do đó, theo kế hoạch của Tổng Công ty, trước mắt đơn vị đảm bảo đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng quá tải cục bộ, gây tổn thất điện năng cũng như ảnh hưởng đến chất lượng cung cấp điện cho khách hàng.

Bên cạnh đó tính toán triển khai lắp mới tụ bù trên các đường dây trung và hạ thế tùy theo tăng trưởng phụ tải và thực tế quản lý vận hành. Đồng thời tiếp tục xử lý các trạm biến áp có tổn thất cao. Đối với các khu vực có tổn thất cao thì di dời công tơ ra ngoài nhà khách hàng để ngành điện dễ kiểm soát mức tiêu thụ điện năng của khách hàng./.

>> Đón đọc: Bài 4: Chống quá tải lưới điện cao áp 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục