Gian lận thương mại, vận chuyển trái phép qua biên giới diễn biến phức tạp

12:20' - 26/10/2023
BNEWS Những tháng cuối năm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đoạn tiếp giáp giữa Kiên Giang và Campuchia diễn biến phức tạp.
Kiên Giang có 56,8 km đường biên giới bộ tiếp giáp với Vương quốc Campuchia và có cửa khẩu Giang Thành và cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Những tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao và đây cũng là thời điểm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến phức tạp. Trước tình hình này, tỉnh tập trung nhiều giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.

Theo ông Nguyễn Quốc Thơ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình vi phạm pháp luật của thương nhân kinh doanh trên địa bàn vẫn còn xảy ra, các hành vi vi phạm chủ yếu như kinh doanh hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhãn hàng hóa, vi phạm quy định trong kinh doanh, an toàn thực phẩm,... các vụ việc vi phạm được phát hiện xử lý, đúng quy định pháp luật, nhưng không phát sinh điểm nóng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Kiên Giang cũng cho hay, thị trường hàng hóa phục vụ dịp cuối năm rất dồi dào nên tình hình buôn lậu và gian lận thương mại như mua bán hàng giả, hàng nhái, không đảm bảo chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ… thường xảy ra. Vậy nên Cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

 
Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội khảo sát, giám sát nắm chắc để có báo cáo và thống kê tất cả các điểm kinh doanh các mặt hàng nhạy cảm có nguy cơ là hàng lậu, hàng giả… trong dịp Tết để kiểm tra, xử lý kịp thời. Trong số đó, đặc biệt chú ý những đối tượng vi phạm trước đây, cũng như địa bàn biên giới, các thành phố lớn như Rạch Giá, Hà Tiên, những địa bàn có những kho bãi trung gian tập kết, vận chuyển tiêu thụ.

“Cùng với đó, đơn vị chú trọng thông tin, tuyên truyền về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động người dân tố giác tội phạm, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật này; vận động hộ kinh doanh ký cam kết “nói không với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, ông Nguyễn Quốc Thơ nhấn mạnh.

“Nhờ cán bộ quản lý thị trường, công an thường xuyên nhắc nhở mình những hành vi, thủ đoạn của các đối tượng mua bán hàng nhập lậu, hàng giả nên cửa hàng bách hóa tổng hợp của tôi đề cao cảnh giác. Thời gian qua cũng có nhiều người chở hàng như thuốc lá điếu, đường cát… không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ muốn bỏ sỉ cho cửa hàng, nhưng tôi từ chối hết vì cửa hàng đã ký cam kết “nói không với buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả”, bà Nguyễn Diệu Như, Chủ cửa hàng bách hóa Diệu Như, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang cho biết.

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, vào những tháng cuối năm, tình hình vận chuyển hàng nhập lậu thường diễn biến phức tạp, chủ yếu các mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, pháo nổ…

Các đối tượng cũng thường lợi dụng những thời điểm thay ca đổi gác, thời tiết bất lợi… để lén lút vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới xảy ra ở nhiều địa bàn với phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động gây khó khăn cho các lực lượng trong đấu tranh, ngăn chặn.

“Chúng tôi thực hiện nghiêm các kế hoạch chống buôn lậu mà cấp trên chỉ đạo, đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, ngành chức năng thành phố Hà Tiên trao đổi thông tin, nắm chặt tình hình, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu”, Trung tá Danh Phong, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Giang Thành cho biết.

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong 9 tháng của năm 2023, các lực lượng đã xử lý 998 vụ việc liên quan đến buôn lậu và đã khởi tố 36 vụ với 16 người.

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra theo kế hoạch định kỳ và đột xuất 895 vụ, phát hiện 209 vụ vi phạm, xử lý 260 vụ vi phạm hành chính, chuyển xử lý hình sự 01 vụ; thu nộp ngân sách trên 9,8 tỷ đồng, chủ yếu là buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hàng cấm, hàng nhập lậu.

Trưởng Ban chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho hay, những tháng cuối năm 2023, tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn như, cảnh sát biển, Hải quân vùng 5, Hải đội 28 cũng như các lực lượng biên phòng, công an, quân sự để lập các kế hoạch cao điểm tuần tra kiểm soát, ngăn chặn, xử lý buôn lậu.

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các ngành chức năng tỉnh và huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không; các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu, khu kinh tế cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới; các chợ, trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sông, đường biển, cảng hàng không nội địa, quốc tế trên địa bàn.

Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tỉnh chú trọng giám sát, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng như thịt gia súc, gia cầm, đường cát, rượu, bia, thuốc lá, hoa quả, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu…

Ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra về điều kiện kinh doanh, chấp hành nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa… Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường việc kiểm tra các hoạt động hội chợ, triển lãm thương mại, trưng bày, giới thiệu hàng hóa, nhất là hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài.

“Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không sử dụng hàng cấm, không tiếp tay, bao che và kịp thời tố giác đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, thực hiện tích cực cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết thêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục