Buôn lậu thuốc lá và đường cát vẫn diễn biến phức tạp

19:15' - 18/10/2023
BNEWS 9 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng đã xử lý 998 vụ việc liên quan đến buôn lậu thuốc lá và đường cát và đã khởi tố 36 vụ với 16 người.
Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức ngày 18/10 tại Kiên Giang đã ghi nhận hàng chục ý kiến đánh giá thực trạng và những đề xuất, kiến nghị nâng cao hiệu quả đối với hoạt động này trong tình hình hiện nay.

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Kiên Giang, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp chống buôn lậu thuốc lá và đường cát với những kết quả đáng ghi nhận. Trong 9 tháng của năm 2023, các lực lượng đã xử lý 998 vụ việc liên quan đến buôn lậu và đã khởi tố 36 vụ với 16 người.

 
"Mặc dù tỉnh đã rất quyết liệt trong phòng chống buôn lậu, tuy nhiên, tình hình vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và trên biển ở Kiên Giang gần đây có chiều hướng gia tăng và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, bởi các đối tượng rất tinh vi nhằm qua mặt các lực lượng", ông Lê Quốc Anh nhận định.

Theo Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tại tuyến biên giới phía Tây Nam, người dân hai bên thường lợi dụng việc qua lại trao đổi hàng hóa để vận chuyển nhỏ lẻ thuốc lá, đường cát bằng xe máy trên đường bộ và bằng ghe xuồng trên tuyến sông.

Đặc biệt là vào các dịp lễ, Tết hoặc giá các mặt hàng chênh lệch khá cao, tình trạng vận chuyển hàng nhập lậu càng diễn ra phức tạp. Các đối tượng cũng thường lợi dụng những thời điểm thay ca đổi gác để lén vận chuyển hàng lậu, hàng giả qua biên giới. Ở nhiều địa bàn,  phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại của các đối tượng ngày càng tinh vi, manh động, gây nhiều khó khăn cho các lực lượng trong đấu tranh, ngăn chặn.

"Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Công an, Hải quan, Cảnh sát biển trên cơ sở những quy chế phối hợp đã đặt ra và hàng tháng, hàng quý đều có những thông tin trao đổi, bàn bạc thống nhất nội dung trong phòng chống buôn lậu, hàng giả", Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn cho biết.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, trong nước tình trạng trưng bày công khai thuốc lá điếu nhập lậu có giảm nhưng vẫn còn khá phổ biến. Các điểm kinh doanh thường chia nhỏ lượng hàng và giấu tại các hộ nhỏ lẻ, cửa hàng tạp hóa, cà phê, để chung với thuốc lá sản xuất trong nước... khi có người hỏi mua sẽ mang ra bán.

Thuốc lá giả các nhãn hiệu nổi tiếng được làm giả và đưa về Việt Nam tiêu thụ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, sức khỏe người tiêu dùng và thất thu ngân sách.

"Thuốc lá lậu ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp thuốc lá trong nước. Hiện nay, thuốc lá hợp pháp phải chịu rất nhiều các loại thuế phí trong khi thuốc lá lậu không phải chịu bất kỳ loại thuế, phí nào. Vậy nên, thuốc lá lậu làm thất thu ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm", Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hà Quang Hòa nhấn mạnh.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đề xuất nâng cao hơn nữa vai trò, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh phòng, chống buôn lậu của các lực lượng chức năng tuyến đầu như Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an… trên các tuyến biên giới.

Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường các địa phương bên cạnh các đợt cao điểm kiểm tra điểm bán thuốc lá cũng đưa việc kiểm tra mặt hàng thuốc lá lậu tại điểm bán vào công việc thường xuyên, đột xuất và đồng loạt ở nhiều địa phương, kết hợp thông tin chế tài xử lý nếu buôn bán thuốc lá lậu nhằm tác động và hình thành tâm lý tuân thủ.

Đối với Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cùng các đơn vị thuốc lá trong ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, yêu cầu cam kết đến toàn bộ hệ thống phân phối, cán bộ công nhân viên và các đối tác không tiếp tay vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc lá lậu.

Các địa phương có tình trạng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lập phức tạp và các lực lượng chức năng tuyến đầu có kiến nghị bằng văn bản với Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Y tế về việc trích một phần Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá để hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, đãi ngộ cho lực lượng trực tiếp thực hiện chống buôn lậu.

Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam Hà Quang Hòa cũng cho biết, với chính sách thuế đối với sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, trước khi có sự điều chỉnh, các cơ quan chức năng cần xem xét, đánh giá toàn diện tác động kinh tế, xã hội, điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành thuốc lá, có tính công bằng giữa các phân khúc sản phẩm nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh các sản phẩm thuốc lá.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, những năm trước đây, đường nhập lậu với nguồn gốc từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất mía đường trong nước.

Từ đầu năm 2022 đến nay, các hoạt động thương mại đường nhập lậu gia tăng đột biến tại các khu vực biên giới Tây Nam như tỉnh An Giang, Tây Ninh, Long An, Bình Phước, Kiên Giang và tỉnh Quảng Trị.

Tại các thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, việc vận chuyển, giao nhận vẫn bằng hình thức sang từ xe vận chuyển lớn sang các xe trung chuyển nhỏ trong đêm tại các bãi xe nằm vùng ven như huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn, Quận 12, Bình Dương…

Các đối tượng thực hiện gian lận thương mại qua các phương thức thủ đoạn như lợi dụng việc đấu giá đường nhập lậu bị tịch thu để đưa hàng hóa trở lại thị trường một cách hợp pháp. Ngoài ra, lợi dụng phương thức chỉ xử lý hành chính các hành vi nhập lậu, gian lận thương mại đường lậu, lợi dụng hoạt động san chia, đóng gói hoặc sản xuất đường phèn. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng tiêu hủy tất cả đường nhập lậu đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ - bị tịch thu (căn cứ quy định tại mục 3 điều 55 Luật An toàn thực phẩm).

Chấm dứt việc đấu giá để tiếp tục lưu thông đường đóng trong bao bì sản xuất tại Thái Lan nhưng không có chứng từ chứng minh nhập khẩu và nguồn gốc xuất xứ; tổ chức giám sát kiểm tra các cơ sở san chia, đóng gói mặt hàng đường và sản xuất đường phèn bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về mặt hàng đường.

Thực hiện kiểm tra, điều tra đối với các vụ việc hành vi khai khống giá và khối lượng đường qua các cửa khẩu Tây Nam cũng như hoạt động chuyển tiền qua biên giới để buôn lậu đường và sử dụng đường lậu để khai báo tái xuất.

Đồng thời, cho phép Hiệp hội Mía đường Việt Nam tham gia cơ chế huy động nguồn kinh phí đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng đường để hình thành Quỹ hỗ trợ kinh phí tiêu hủy đường nhập lậu bị tịch thu.

Theo ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát trong thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các văn bản chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả mặt hàng thuốc lá, đường cát.

Chủ động trong nắm tình hình, nhận diện phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động, đối tượng, đường dây, tuyến địa bàn trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để triển khai các biện pháp đấu tranh phòng chống.

Đối với Hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc lá, đường cát tăng cường tuyên truyền, phổ biến, đề nghị các đối tác, hệ thống phân phối thuộc hiệp hội, doanh nghiệp cam kết không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép và không sử dụng thuốc lá, đường cát ngoại nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát ngoại. 

"Cùng với đó, các Hiệp hội, doanh nghiệp phối hợp với các lực lượng chức năng, địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, kinh doanh, tàng trữ trái phép thuốc lá, đường cát ngoại", Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đỗ Hồng Trung nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục