Gian nan đường doanh nghiệp tới Châu Âu

09:30' - 13/05/2017
BNEWS “Đã có một số khách hàng đặt vấn đề về kí kết hợp đồng, một số khác nói sẽ trao đổi qua email”, bà Hồ Thanh Loan, CEO của hãng cà phê Vàng Ban Mê nói với phóng viên TTXVN tại Hội chợ.

“Rất nhiều người khen cà phê Việt Nam ngon. Tôi cảm thấy rất tự tin với chất lượng cà phê Việt”, bà Hồ Thanh Loan, CEO của hãng cà phê Vàng Ban Mê chia sẻ. Bà cảm thấy hết sức phấn chấn khi gian hàng của công ty bà tại Tuttofood 2017, Hội chợ về khách hàng thực phẩm lớn nhất Châu Âu ở Milan, Italy, luôn có khách hàng đến uống thử cà phê và hỏi thông tin về sản phẩm.

Ngoài những cuộc gặp gỡ trao đổi đã được ban tổ chức Hội chợ thu xếp từ trước, gian hàng cũng thường xuyên đón những khách vãng lai đi qua, dừng lại khi ngửi thấy mùi cà phê Việt rất thơm từ máy pha, đề nghị được thưởng thức và không ít trong số đó đã ngồi lại với bà Loan để tìm hiểu thông tin về sản phẩm trước khi quyết định kí kết các hợp đồng kinh tế.

Đối với Vàng Ban Mê, đây là lần đầu tiên công ty này tham dự một Hội chợ quốc tế và thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm cà phê này là thị trường Ý nói riêng và Châu Âu nói chung rất “sành”, rất khó tính và đòi hỏi đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhất là đối với các thành phẩm xuất khẩu.

Mặc dù nhập khẩu khá nhiều cà phê Việt ở dạng hạt thô, nhưng Italy vẫn luôn là một thách thức vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp cà phê Việt Nam muốn xuất khẩu các sản phẩm của họ sang đây. Vàng Ban Mê là mộ t trong số sáu doanh nghiệp Việt Nam tham gia Tuttofood 2017, Hội chợ lớn nhất Châu Âu về khách hàng thực phẩm.

Đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp Việt Nam tham dự Hội chợ theo hình thức B2B này (doanh nghiệp tới doanh nghiệp), với sự tham gia trưng bày sản phẩm của gần 3 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực này trưng bày sản phẩm.

Không mở cửa cho khách thông thường đến tham quan, Tuttofood, được tổ chức hai năm một lần, chỉ đón tiếp đại diện của các công ti chuyên nhập khẩu và phân phối thực phẩm của EU và thế giới đến giao lưu, tìm đối tác và kí các hợp đồng kinh tế trong các lĩnh vực thực phẩm, từ thực phẩm đông lạnh, sữa, thịt, các sản phẩm ngọt, bổ dưỡng, hải sản, đồ uống, rau, bánh mỳ, thực phẩm organic, bánh ngọt, dầu ăn và các loại mỳ.

Trong 4 ngày của sự kiện, từ 8 đến 11/5, Tuttofood 2017 đã đón tiếp hơn 80 nghìn người là đại diện các doanh nghiệp hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm từ 141 nước trên thế giới, trong đó gần một nửa từ các nước ngoài EU.

Hàng loạt khách hàng mới từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Châu Phi và các đại diện từ những thị trường lớn như Mỹ, Pháp, Nga , Ấ n Độ , các nước vùng Vịnh, Nam Mỹ và Mexico cũng đến tìm kiếm đối tác tại Hội chợ lần này, cho phép mở rộng hơn các mối quan hệ giữa các doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu. Hơn 30 nghìn cuộc gặp giữa các doanh nghiệp và các khách hàng tiềm năng đã diễn ra trong khuôn khổ Tuttofood 2017.

Thông qua sự sắp xếp của Fieramilano, Ban tổ chức của Tuttofood 2017, các doanh nghiệp Việt Nam đã có hàng chục cuộc gặp gỡ và trao đổi với các đối tác tiề m năng, chưa kể những cuộc tiếp xúc khác bên lề Hội chợ.

Tiềm năng thâm nhập và khai thác thị trường Italy nói riêng và Châu Âu cho các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam là rất lớn, nhất là với các sản phẩm truyền thống như cà phê, hồ tiêu, hạt điều cũng như các sản phẩm mới mẻ như thanh long, vốn được bán rất đắt tại đây, tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đăng kí tham gia Hội chợ quá ít.

Theo đại diện tại Tuttofood của Phòng Thương mại Ý-Việ t (ICHA M), cơ quan thương mại của Italy và là đơn vị tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tới Hội chợ lần này, trong vòng 6 tháng trước khi tổ chức Tuttofood, ICHAM đã liên hệ tới hơn 100 doanh nghiệp thực phẩm lớn nhỏ trong cả nước, nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp đồng ý tham gia.

“Những năm trước, doanh nghiệp Việt Nam cũng có mặt ở Hội chợ Tuttofood, nhưng với tư cách là khách hàng tìm kiếm các đối tác nhằm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Đây là lần đầu tiên họ tham gia trưng bày sản phẩm trong nỗ lực tìm đối tác để xuất khẩu ra thế giới”, ông Phạm Hoàng Nam, đại diện của ICHAM tại Tuttofood 2017 cho biết.

“Tuy nhiên, các doanh nghiệp còn chưa mặn mà với sự kiện, chủ yếu vì dè dặt trong việc tìm đường ra thị trường thế giới và thậm chí ngại đăng kí dự Hội chợ này, vì chi phí quá cao”.

Trên thực tế, Fieramilano đã hỗ trợ khá nhiều cho các doanh nghiệp tham dự Hội chợ, nhưng sự rụt rè vẫn thắng thế, để rồi các gian hàng của Việt Nam tại Tuttofood không chỉ lọt thỏm trong số rất nhiều các gian hàng đậm tính địa phương và quốc gia của các nước dự Hội chợ, mà còn trở nên nhạt nhoà và khó xác định danh tính do không có biển hoặc cờ quốc gia.

Kiếm tìm những đối tác nhập khẩu và phân phối ở thị trường Châu Âu luôn là một điều không đơn giản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mới chân ướt chân ráo tìm đường ra nước ngoài.

Theo ông Nam, ngoài việc thiếu thông tin và rất ngại bỏ ra chi phí lớn để dự các Hội chợ, còn có một xu hướng chi phối không ít các doanh nghiệp: tư tưởng ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ra sân chơi lớn.

Do đó, ngoài Vinamilk là một tập đoàn lớn đã có tên tuổi và được biết đến trên thế giới tham dự Hội chợ, việc các doanh nghiệp khác đến với Tuttofood, từ kinh doanh cà phê như Vàng Ban Mê cho đến kinh doanh trái cây ép khô và đặc biệt là xuất khẩu thanh long như Lavite, đến với Tuttofood 2017 được họ coi là một sự “dũng cảm”.

Việc tham gia Tuttofood 2017 trên thực tế là một trong số khá nhiều các hoạt động hội chợ quốc tế trên lĩnh vực thực phẩm của các doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nông sản của chúng ta từng bước tìm đường ra thế giới.

Tuy nhiên, những thị trường lớn, chẳng hạn như Châu Âu, cho thấy những cuộc cạnh tranh hết sức khốc liệt trong khi yêu cầu về tiêu chuẩn rất cao là thách thức vô cùng lớn.

Nhưng đôi khi, vấn đề lại nằm ở việc người ta có dám chấp nhận rủi ro và thực hiện những chuyến đi lớn để tìm kiếm các cơ hội hay không. Điều ấy thì những doanh nghiệp không lớn và mới hoạt động được chưa đầy 10 năm như Vàng Ban Mê đã làm được.

Bà Loan coi việc lần đầu dự một Hội chợ quốc tế lớn như Tuttofood là rất thành công, bởi khả năng kí kết các hợp đồng nhằm xuất khẩu cà phê của công ti ra thị trường nước ngoài là rất cao, sau hàng loạt các cuộc tiếp xúc đã được thực hiện trong thời gian diễn ra Tuttofood 2017.

Và không loại trừ khả năng, doanh nghiệp ấy sẽ tiếp tục dự những Hội chợ khác nữa trong tương lai, khi con đường ra thị trường thế giới đã mở ra./.

Xem thêm:

>>Quy hoạch vùng cà phê Tây Nguyên thích nghi với biến đổi khí hậu

>>Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong ngành hàng cà phê, hồ tiêu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục