Giáo sư Mie Oba: Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ với Việt Nam

18:24' - 29/04/2022
BNEWS Theo bà Mie Oba, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ hai bên cùng có lợi.

Sáng 29/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã rời Tokyo để công du nước ngoài. Trong chuyến công du nước ngoài dài ngày đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Kishida sẽ tới thăm 3 nước ở Đông Nam Á là Indonesia (từ ngày 29-30/4), Việt Nam (từ ngày 30/4-1/5) và Thái Lan (từ ngày 1-2/5). Sau đó, ông sẽ tới thăm Italy và Vương quốc Anh, rồi trở về Nhật Bản vào ngày 6/5.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo trước chuyến đi quan trọng này của Thủ tướng Kishida, Giáo sư, Tiến sĩ Mie Oba của Đại học Kanagawa nói: “Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng quan hệ với Việt Nam. Điều đó được phản ánh trong việc Nhật Bản hỗ trợ hàng hóa và vật tư quốc phòng cho Việt Nam, cũng như hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải”.

Theo bà Oba, quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản là mối quan hệ hai bên cùng có lợi. Vị chuyên gia này nói: “Đối với Việt Nam, quan hệ với Nhật Bản cũng rất quan trọng để duy trì sự cân bằng tốt giữa các cường quốc. Ngược lại, việc tăng cường các mối quan hệ của Việt Nam cũng sẽ mang lại lợi thế lớn cho Nhật Bản”.

Đề cập tới quan hệ giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tiến sĩ Oba nhận định: “Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang trở nên gay gắt và trật tự khu vực thay đổi, Nhật Bản và ASEAN đều ở trong hoàn cảnh giống nhau”.

Trong bối cảnh đó, bà Oba cho rằng đối với cả Nhật Bản và các nước ASEAN, khuyến khích sự tự chủ chiến lược của ASEAN nói chung và các nước ASEAN là rất quan trọng.

Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với tư cách là đối tác tin cậy và bên thứ 3 của ASEAN nhằm tăng cường sự tự chủ chiến lược của khối ASEAN và các nước thành viên ASEAN.

Về triển vọng hợp tác giữa Nhật Bản và ASEAN, bà Oba cho rằng hai bên cần tăng cường hợp tác trong 5 lĩnh vực: khuyến khích và cải thiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì điều đó quan trọng đối với việc duy trì trật tự quốc tế; cùng nhau hưởng ứng Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới của Mỹ; thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng; hợp tác về năng lượng xanh và chuyển đổi kỹ thuật số; và thúc đẩy nâng cao năng lực an ninh hàng hải để duy trì hòa bình và ổn định trong bối cảnh chiến lược Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục