Giáo sư Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam trong tiến trình hợp tác APEC

18:54' - 24/10/2017
BNEWS Giáo sư Go Ito cho rằng vai trò của Việt Nam rất quan trọng trong đóng góp vào tiến trình hợp tác APEC cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam là chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.
Thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng cho Tuần lễ Cấp cao APEC. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Trước Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương APEC 2017 tại Việt Nam vào tháng 11 tới, phóng viên TTXVN tại Nhật Bản đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Go Ito, chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Khoa học chính trị, Đại học Meji, về một số chủ để quan tâm của APEC 2017, trong đó có chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và vai trò của Việt Nam đối với APEC.

Đánh giá về vai trò của APEC, với tư cách là một cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu của khu vực và thế giới, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng, Giáo sư Go Ito cho rằng về cơ bản, vai trò của APEC là đề cao tự do mậu dịch và thúc đẩy xu hướng này. Bản chất lịch sử của loài người là thông qua trao đổi hàng hóa, cùng nhau thịnh vượng để phát triển, do đó, ý nghĩa của APEC hoàn toàn không bị suy giảm.

Đánh giá về cơ hội và thách thức của APEC khi thúc đẩy việc thực thi các sáng kiến tăng trưởng bền vững, sáng tạo; tăng cường liên kết kinh tế khu vực; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực-nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Giáo sư Go Ito cho rằng rất nhiều thách thức cũng như cơ hội thương mại đã xuất hiện trong thế kỷ 21, khi có những lĩnh vực sẽ phát triển, có những lĩnh vực dần mất đi và vấn đề là cần tập trung vào nhóm có khả năng tăng trưởng.

Theo ông, việc mỗi nền kinh tế quyết định lựa chọn lĩnh vực nào cần tập trung là điều không dễ dàng và việc các nền kinh tế cùng chọn một lĩnh vực để phát triển cũng sẽ làm nảy sinh vấn đề cạnh tranh. Ông nói, vì vậy, mục tiêu đầu tiên của APEC là thương mại quốc tế trên toàn thế giới hướng đến mục tiêu tự do hóa để phát triển kinh tế toàn cầu dựa trên những chính sách phù hợp.

Về đóng góp của Việt Nam trong toàn bộ tiến trình hợp tác APEC cũng như ý nghĩa của việc Việt Nam là chủ nhà tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, Giáo sư Go Ito cho rằng vai trò của Việt Nam rất quan trọng. Trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam còn là quốc gia có nền kinh tế đang nổi với tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Ông cũng kỳ vọng Việt Nam cần tiến hành đồng thời giữa việc thảo luận nguyên tắc tự do hóa thương mại với công cuộc xóa bỏ tham nhũng.

Trả lời câu hỏi trước kỳ vọng của Nhật Bản về bước đi lớn tại cuộc họp ngày 21/9 vừa qua với 11 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, tiến tới đạt kết quả tốt tại Tuần lễ cấp cao APEC sắp tới ở Việt Nam, Giáo sư Go Ito cho rằng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc một quốc gia không có tài nguyên như Nhật Bản phải tiếp tục giữ vững năng lực cạnh tranh tại châu Á cũng như trên trường quốc tế.

Thương mại tự do sẽ mang lại những lợi ích cho Nhật Bản và Nhật Bản cùng châu Á cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc tăng cường trao đổi thương mại để mang đến sự thịnh vượng cho toàn thế giới./.

>> APEC 2017: Cơ hội “vàng” quảng bá du lịch Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục