Giao thông năm 2021: Giải ngân mạnh đầu tư công - doanh nghiệp vận tải báo lỗ

07:44' - 29/12/2021
BNEWS Năm 2021 tiếp tục là năm đặc biệt khó khăn với các ngành kinh tế; trong đó, ngành giao thông vận tải không phải là ngoại lệ, khi bị tác động trực tiếp từ đại dịch COVID-19.

Song với các giải pháp của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, năm 2021, ngành giao thông vận tải đã cơ bản hoàn thành một số mục tiêu đề ra với những điểm sáng đến từ hàng hải và giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải và hàng không, đường sắt liên tục báo lỗ.

Đường sắt và hàng không tăng trưởng âm

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh cho biết, năm 2021, trước khó khăn do đại dịch COVID-19, đơn vị đã thực hiện nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng doanh thu vận tải hàng hóa bù đắp cho phần doanh thu vận tải hành khách sụt giảm.

Tuy nhiên, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của VNR không đạt mục tiêu đề ra. Công ty mẹ - VNR chỉ đạt doanh thu 1.446,9 tỷ đồng, bằng 83,7% so với năm ngoái và đạt 90,4% chỉ tiêu kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế âm 690,7 tỷ đồng, bằng 52,8%  so với năm ngoái, tương đương 101,3% chỉ tiêu kế hoạch giao (kế hoạch được giao là âm 700 tỷ đồng).

Tính sơ bộ, vận chuyển hàng hoá năm 2021 của ngành đường sắt thực hiện được 5,6 triệu tấn, tăng 10,4% so với năm 2020; vận chuyển hành khách 1,4 triệu lượt hành khách, bằng 36,7% so với năm 2020. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 2.600 tỷ đồng, bằng 85% so với năm 2020.

Ông Vũ Anh Minh cho rằng, năm 2022, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn nên công ty mẹ - VNR dự kiến doanh thu đạt 1.568 tỷ đồng, bằng 108,4% so với năm 2021; trong đó phấn đấu tăng trưởng vận tải hàng hóa 20%. Lợi nhuận trước thuế âm 580 tỷ đồng, giảm lỗ 110,7 tỷ đồng so với năm 2021.

Để tháo gỡ khó khăn, VNR kiến nghị Chính phủ cung cấp một gói hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm cấp hạn mức tín dụng 800 tỷ đồng vay ưu đãi không tính lãi để bổ sung cho nguồn vốn lưu động và các chính sách hỗ trợ cho 13.000 lao động đang bị mất và thiếu việc làm.

Trong buổi làm việc với VNR gần đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu trong năm 2022, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xây dựng phương án hoạt động, sản xuất kinh doanh thích ứng bối cảnh dịch COVID-19, phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội.

Trong đó, Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc phải xây dựng phương án hoàn chỉnh để phát huy tối đa vận tải hàng hóa, bù cho vận tải hành khách và các phương tiện vận tải khác có thể bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các giải pháp phải chủ động, như kết hợp với các khu công nghiệp, kết nối với cảng biển, các tuyến vận tải đường sắt quốc tế... để gia tăng vận tải hàng hóa.

Ngành hàng không cũng có kết quả sản xuất kinh doanh ảm đạm không kém. Các chuyên gia kinh tế đánh giá, ngành hàng không Việt Nam và thế giới đã trải qua năm thứ 2 đầy "sóng gió" trước sự hoành hành của đại dịch COVID-19, trở thành giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử hàng không.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hành khách hàng không năm 2021 tiếp tục có kết quả không tốt với mức độ nghiêm trọng hơn năm 2020. Điểm sáng duy nhất là tăng trưởng vận chuyển hàng hóa đã phần nào giúp ngành hàng không giảm bớt khó khăn. Năm 2021, vận chuyển hành khách quốc tế ước đạt 500 nghìn khách, giảm 93%  so với năm 2020 và vận chuyển hàng hóa đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,3%  so với năm 2020.

Theo ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), từ khi bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 ở Việt Nam đến nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm từ 80-90%; dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng; các nguồn lực tích lũy của các hãng bị cạn kiệt.

Dự kiến năm 2022, ngành hàng không tiếp tục chịu tác động trực tiếp và gián tiếp của dịch COVID-19, do đó Chủ tịch VABA đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm phục hồi và phát triển thị trường hàng không trong nước; kịp thời mở lại và mở rộng các tuyến đường bay quốc tế theo kế hoạch.

“Bộ Giao thông Vận tải cần tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hàng không tiếp cận các nguồn tín dụng để cải thiện và duy trì tính thanh khoản; tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không, thuế, phí cho các doanh nghiệp hàng không cho tới hết ngày 31/12/2022”,  Chủ tịch VABA đề xuất.

Đường bộ cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hành khách, tình trạng nhiều doanh nghiệp bán xe trả nợ hoặc hoạt động cầm chừng rất nhiều. Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho hay, thiệt hại của ngành đường bộ do phải giãn cách xã hội cũng rất lớn, khó tính toán được con số cụ thể.

Trong bức tranh khó khăn chung đó, hoạt động của ngành hàng hải được xem là có nhiều khởi sắc hơn mặc dù cũng bị ảnh hưởng so với các năm trước.

Ông Nguyễn Đình Việt, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp mà tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.

Cụ thể, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 184 triệu tấn, tăng 4%; hàng nội địa đạt gần 303 triệu tấn, tăng 5%. Riêng hàng container ước đạt gần 24 triệu TEUs, tăng 6% so với năm trước.

Đáng chú ý, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu Teus, tăng tới 12% so với năm trước.

Điểm sáng về giải ngân và các dự án trọng điểm

Để phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2022, một trong những giải pháp mà Chính phủ đưa ra là quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động.

Thực hiện chủ trương này, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn; trong đó có việc lãnh đạo bộ họp hàng tuần để kiểm điểm tiến độ giải ngân từng dự án, đặc biệt là giải pháp quy trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị của bộ. Nhờ đó, Bộ Giao thông Vận tải thời gian qua luôn đứng trong nhóm đầu về giải ngân các nguồn vốn.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm chia sẻ, năm 2021, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công rất lớn, lên tới khoảng 43.400 tỷ đồng. Nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ cấp thiết của ngành đối với giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu kép, Bộ Giao thông Vận tải đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc, giám sát chặt chẽ công tác giải ngân vốn đầu tư công, lấy kết quả giải ngân là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá cán bộ cuối năm. 

Đến hết tháng 1/2022, dự kiến kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải sẽ đạt trên 95%, đáp ứng kế hoạch của Chính phủ và là một trong những bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước.

Chia sẻ về các dự án trọng điểm của Bộ Giao thông Vận tải khởi công trong năm 2021, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho hay, tính đến hết tháng 12/2021, Bộ đã khởi công 18 dự án, hoàn thành 14 dự án. 

Các dự án hoàn thành đáng chú ý là dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không Tân Sơn Nhất, đặc biệt là việc bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông cho thành phố Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác sau gần 10 năm xây dựng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.

“Trước nhiệm vụ được giao đòi hỏi quyết tâm nỗ lực của toàn ngành. Việc triển khai kế hoạch năm mới cần thực hiện với tâm thế chủ động. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh tiến độ thi công, kiểm tra giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chia sẻ./.

>>Đề nghị tăng tần suất ba đường bay quốc tế đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục